Các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh đang cạnh tranh thị phần khốc liệt. Trong đó, doanh nghiệp nội có ưu thế vì yếu tố “sân nhà”, am hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.
Tạo lợi thế
Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước như Co.opMart, siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn, Điện máy Xanh, Thế giới di động, trung tâm thương mại Panko, chuỗi siêu thị, nhà hàng Hàn Quốc được mở ra trên địa bàn tỉnh gắn liền với cạnh tranh khốc liệt để giành khách hàng.
Anh Lê Duy Khoa - quản lý của siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn chi nhánh Quảng Nam (đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) cho biết, trong kinh doanh đơn vị tạo nguồn hàng phong phú mẫu mã, đa dạng chủng loại để từng nhóm khách hàng cao cấp, bình dân, trung lưu đều thoải mái lựa chọn. Thường xuyên khuyến mãi là giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng, giá nhiều mặt hàng như ti vi, tủ lạnh, máy lạnh, điện thoại được khuyến mãi đến 50%. Khách hàng sau khi chọn mua sản phẩm sẽ được nhân viên của siêu thị vận chuyển hàng miễn phí đến tận nhà. Trong quá trình sử dụng, nếu không ưng ý, khách hàng có thể đổi trả sản phẩm cũ để thay thế bằng sản phẩm mới. Bảo hành hàng hóa kéo dài trong nhiều năm để tạo yên tâm của người dùng là cách để siêu thị thu hút khách hàng.
“Hàng điện máy, nội thất ngày một cạnh tranh gay gắt hơn nên phải tranh thủ thiện cảm của khách hàng. Khi tạo dựng được niềm tin yêu của khách hàng thì mình chiếm ưu thế để dần chiếm lĩnh thị trường. Thành công bước đầu của chúng tôi là doanh thu luôn vượt quá kế hoạch đề ra” - anh Khoa nói.
Khác với sự cởi mở của siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn, nhiều nhà bán lẻ khác cùng kinh doanh các sản phẩm điện máy, điện lạnh như Thế giới di động hay Điện máy xanh khi được hỏi về chiến lược kinh doanh thì lập “rào chắn” vì cho rằng nhạy cảm, ảnh hưởng đến cạnh tranh giữa nhà bán lẻ với nhau. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, giảm giá, giảm giá ngày vàng, giờ vàng, giảm giá sốc… là mẫu số chung được các nhà bán lẻ áp dụng thường xuyên với hàng nghìn mặt hàng để tạo sức hút đối với người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp đều nằm lòng rằng không có gì tác động mạnh vào tâm trí, tâm lý của khách hàng hơn là túi tiền của họ. Bởi vậy, những chính sách khuyến mại, giảm giá khi đủ hấp dẫn, hài lòng thì khách hàng đương nhiên sẽ không từ chối lời mời gọi mua hàng, và khi đó, nhà bán lẻ tạo ưu thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Không khó để nhận thấy địa điểm đặt cửa hàng của Thế giới di động hay Điện máy xanh đều rất dễ nhận biết, dễ tìm, nằm ngay vị trí đắc địa trung tâm nên đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, tiện lợi trong nhu cầu mua sắm hằng ngày của người tiêu dùng.
Ưu thế sân nhà
Cách đây chưa lâu, nhà bán lẻ lớn trên phạm vi cả nước là Saigon Co.op đã tiếp quản hệ thống chuỗi siêu thị Auchan của Pháp. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu Việt thâu tóm thương hiệu ngoại trên sân nhà trong lĩnh vực bán lẻ.
Saigon Co.op mua lại Auchan được nhiều phân tích của giới chuyên môn cho là sự kiện lịch sử trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Những cửa hàng mà Auchan chuyển nhượng đều nằm ở vị trí đẹp, thuận lợi qua đó kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại. Quan trọng hơn, thông qua Auchan, nhiều sản phẩm đặc trưng của Saigon Co.op sẽ thông thương vào nước Pháp và đến các quốc gia khác có mối quan hệ với Auchan. Sau Auchan, đến lượt các nhà bán lẻ ngoại khác cũng phải rời thị trường Việt Nam là Shop & Go, Fivimart, Giant.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ (chi nhánh của Saigon Co.op) cho biết, để chiếm ưu thế cạnh tranh so với các nhà bán lẻ ngoại quốc, đơn vị tập trung ưu tiên 5 nhóm giải pháp trọng tâm: thông tin, tuyên truyền, vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân để tạo điều kiện cho hàng Việt ngày càng đến với đông đảo người dùng.
Theo quan sát của chúng tôi, sau hoạt động của Trung tâm Thương mại Panko Plaza ở phường An Phú (TP.Tam Kỳ), đến lượt một doanh nghiệp khác cũng của Hàn Quốc đầu tư chuỗi siêu thị, nhà hàng ở địa chỉ 180-182 Nguyễn Văn Trỗi (TP.Tam Kỳ). Đối với siêu thị K.Mart, nhà bán lẻ Hàn Quốc kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nước uống, nước giải khát như rượu, mì tôm, bánh mật ong, hạt điều sấy, dứa sấy lạnh, mỳ kim chi, dầu ô liu...
Đối với nhà hàng Ilmijeong, doanh nghiệp Hàn Quốc phục vụ khách hàng các sản phẩm nói trên cộng với nhiều món ăn đặc trưng Hàn Quốc khác. Tuy nhiên, do giá cao, không am hiểu văn hóa ẩm thực của người Việt nên khách Việt rất ít, hầu như doanh nghiệp chỉ phục vụ người dân Hàn Quốc làm việc ở Khu công nghiệp Tam Thăng.
Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), các doanh nghiệp, nhà bán lẻ nội và ngoại cùng tồn tại sẽ kích thích cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thương mại đa dạng, đa sắc màu, hiện đại, hưởng lợi là người tiêu dùng. Với các doanh nghiệp ngoại, họ có kỹ năng, kinh nghiệm quản lý tốt nhưng độ nhạy bén, thấu hiểu tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam không sâu như doanh nghiệp trong nước nên đưa ra chiến lược không hợp lý bằng. Bởi vậy, với thị trường có nhiều đặc điểm, hình thức kinh doanh đa dạng như Quảng Nam, nhà bán lẻ ngoại khó vượt qua doanh nghiệp trong nước.