Tài chính - Thị trường

Doanh nghiệp Quảng Nam và động lực mới cho xuất khẩu

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com) 14/02/2025 10:50

Xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khởi sắc từ đầu năm và Quảng Nam đang có các giải pháp để tạo động lực tăng trưởng mới.

xk2.jpg
Lều là một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi bật của Quảng Nam trong năm 2024. Ảnh: QUANG VIỆT

Sức bật từ đầu năm

Trong ngày ra quân đầu năm Ất Tỵ 2025, hơn 300 container hàng hóa của các tập đoàn thành viên thuộc THACO xuất khẩu qua cảng Chu Lai đến với thị trường quốc tế. Xuất khẩu hàng hóa là kỳ vọng của THACO về một năm sản xuất kinh doanh mới với những thành công mới.

THACO AUTO (tập đoàn thành viên của THACO trong lĩnh vực ô tô) xuất khẩu 120 xe tải Kia Frontier sang các nước Trung Đông, 400 bộ body sơn màu xe Kia New Carnival sang Ấn Độ và 45 xe máy Peugeot Django 150cc sang Campuchia.

Trung Đông là thị trường hoàn toàn mới, có yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại tại các nhà máy thuộc Trung tâm sản xuất của THACO AUTO tại Chu Lai đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác KIA và Peugeot.

Năm 2025, THACO INDUSTRIES (tập đoàn thành viên của THACO trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ) xuất khẩu 2.800 sản phẩm sơ mi rơ moóc các loại sang thị trường Bắc Mỹ; 1,4 triệu sản phẩm linh kiện phụ tùng sang châu Á; 50 nghìn sản phẩm thiết bị dân dụng sang Bắc Mỹ; 40 nghìn sản phẩm linh kiện thiết bị công nghiệp sang châu Úc; 9 nghìn bộ thiết bị công nghiệp sang châu Âu. Các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là tại thị trường yêu cầu cao như Bắc Mỹ, Úc, châu Âu…

xk3.jpg
Vải cũng là mặt hàng xuất khẩu mạnh của Quảng Nam trong năm 2024. Ảnh: QUANG VIỆT

THACO AGRI (tập đoàn thành viên của THACO trong lĩnh vực nông nghiệp) xuất khẩu gần 4 nghìn tấn trái cây tươi sang Nhật Bản và Trung Quốc.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, THACO AGRI là đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp lớn ở thị trường châu Á. Giai đoạn năm 2022 - 2024, THACO AGRI đã xuất khẩu 100 nghìn tấn trái cây tươi sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông.

Những lô hàng xuất khẩu lớn đầu năm đã khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm các tập đoàn thành viên của THACO, đồng thời thể hiện quyết tâm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đưa THACO trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực ASEAN.

Ngoài THACO là tập đoàn xuất khẩu hàng đầu, các doanh nghiệp (DN) đang đầu tư sản xuất kinh doanh để xuất khẩu hàng hóa ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh cũng cho thấy dấu hiệu khởi sắc, tạo sức bật từ đầu năm.

Ông Zhao Lin - Phó Giám đốc Công ty TNHH Peak Outdoor (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, Thăng Bình) cho biết, nỗi ngại của DN khi lần đầu tiên đến Quảng Nam đầu tư là lo thiếu đơn hàng hoặc đơn hàng giảm dần qua các năm. Quá trình đầu tư cho thấy đơn hàng xuất khẩu qua châu Âu, châu Mỹ ngày một dày hơn nên DN đang tìm cách mở rộng quy mô sản xuất.

Động lực mới

Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của các DN trên địa bàn tỉnh đạt 5.012 triệu USD (tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2.119 triệu USD.

xk.jpg
Quảng Nam đang có các giải pháp để tạo động lực mới cho xuất khẩu hàng hóa. Ảnh: QUANG VIỆT

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Quảng Nam gồm sản phẩm may mặc, dệt kim, điện tử và linh kiện điện tử, giày da, sản phẩm từ gỗ, lều, vải các loại...

Có thể thấy, những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, ngành công thương Quảng Nam, các DN đã thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17 FTA, mở ra các triển vọng xuất khẩu hàng hóa khắp thế giới, tạo dấu ấn xuất khẩu của Quảng Nam.

Xuất khẩu hàng hóa Quảng Nam hiện nay xuất hiện vướng mắc là DN không có trách nhiệm báo cáo cho Sở Công Thương nên ngành chức năng không nắm rõ.

Số liệu xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương phải nhờ Cục Hải quan tỉnh nhưng Cục Hải quan chỉ nắm được số liệu DN làm thủ tục xuất khẩu tại đơn vị, còn DN làm thủ tục xuất khẩu ở các tỉnh khác thì không nắm được. Trong khi hiện nay có nhiều trường hợp DN lớn làm thủ tục ở các tỉnh khác có cảng lớn thuận tiện cho xuất khẩu hàng hóa.

Hiện tại, Bộ Công Thương chưa phân quyền để Quảng Nam nắm mặt hàng, số lượng DN, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Khó khăn khác trong xuất khẩu hàng hóa Quảng Nam là các mặt hàng còn thô, chưa được chế biến sâu. Nông sản, thủy sản chủ yếu do thương lái thu mua, gom hàng và xuất khẩu. Các DN trên địa bàn chưa dám xuất khẩu mạnh vì rủi ro cao do thông tin giá cả thị trường và các thủ tục, quy định của nước nhập khẩu rất khó tiếp cận.

“Chúng tôi đề xuất Bộ Công Thương thường xuyên thông tin thị trường để hỗ trợ DN xuất khẩu và kiến nghị các bộ, ngành bổ sung chế độ báo cáo để các DN gửi về Sở Công Thương để theo dõi, quản lý” - ông Thương nói.

Để tạo động lực mới cho xuất khẩu hàng hóa Quảng Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình giao nhiệm vụ Sở Công Thương nâng cao hơn nữa chất lượng xúc tiến thương mại nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa địa phương; hỗ trợ, hướng dẫn DN về hợp tác kinh tế quốc tế, tiếp cận các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác. Cùng với đó triển khai chương trình, đề án phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh; giúp DN nắm bắt được những cơ hội mới xuất khẩu hàng hóa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp Quảng Nam và động lực mới cho xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO