Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn.
Doanh thu là căn cứ áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, tại Việt Nam DNNVV chiếm đến 97 - 98% trong tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Chính vì vậy, để khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển, tại Điều 10 Luật số 04/2017/QH13 của Quốc hội có quy định, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN.
Tiêu chí xác định DNNVV là số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng được một trong 2 tiêu chí: tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu năm liền trước không quá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc lấy tiêu chí lao động và vốn phân biệt theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở để xác định DNNVV có nhiều bất cập, nếu đặt trong bối cảnh DN kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay. Bên cạnh đó, tiêu chí vốn bao gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu không phản ánh đúng quy mô và hoạt động của DN. Bởi vốn đăng ký kinh doanh của DN có dung sai lớn so với vốn DN đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho DN siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, phù hợp với thực tế quản lý, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Luật Thuế TNDN theo hướng, các DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 đến 50 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 17%.
Căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 15% và 17% là tổng doanh thu của năm trước liền kề. Ngoài ra, để tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách ưu đãi, dự thảo luật quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với DN là các công ty có quan hệ liên kết.
Sẽ bỏ ưu đãi đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp
Từ tổng kết, đánh giá quá trình thực thi chính sách ưu đãi thuế TNDN, Bộ Tài chính cho rằng, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước khuyến khích còn hạn chế. Các DN FDI vẫn tập trung đầu tư vào những nơi có kết cấu hạ tầng thuận lợi như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh… chiếm 85% tổng số dự án và 67% tổng số vốn đăng ký đầu tư trên cả nước. Trong khi ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc chỉ chiếm 4% số dự án và 5% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Bên cạnh đó, số vốn đầu tư mới chủ yếu tập trung vào những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao như chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông; còn các lĩnh vực cần khuyến khích phát triển nhưng có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao như nuôi trồng nông, lâm, thủy sản; các lĩnh vực cần xã hội hóa như giáo dục, y tế... đầu tư còn khá hạn chế.
Bộ Tài chính lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên là vì quy định khu công nghiệp (KCN) ở địa bàn thuận lợi cũng được hưởng khá nhiều ưu đãi, nên những địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn và những ngành nghề lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư thì không thu hút được vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Hơn nữa, một số các khu kinh tế (KKT) được thành lập có phạm vi bao gồm cả địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, khu dân cư, đô thị nên đã phát sinh hiện tượng lợi dụng chính sách ưu đãi thông qua việc thành lập nhiều dự án tại KKT và chuyển lợi nhuận từ các địa bàn không được ưu đãi về KKT, gây bất công bằng.
Để từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi căn bản nội dung ưu đãi thuế TNDN theo hướng: các quy định về ưu đãi thuế được tổng hợp và kế thừa từ nguyên tắc ưu đãi hiện hành, trong đó giữ mức ưu đãi thuế cao nhất để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, nhưng cần có khoảng cách chênh lệch đủ lớn so với mức ưu đãi thấp hơn; thu hẹp diện ưu đãi theo lĩnh vực để tạo sức hấp dẫn của mức ưu đãi cao theo địa bàn. Cụ thể, sẽ bỏ ưu đãi đối với các KTT, KCN, thay vào đó, các KTT, KCN thuộc địa bàn nào sẽ được hưởng ưu đãi theo địa bàn đó.
Để việc xác định danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi phù hợp, Bộ Tài chính kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi thuế TNDN bảo đảm các nguyên tắc: lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và địa bàn ưu đãi thuế TNDN được rà soát và xác định phù hợp với chiến lược phát triển vùng, miền và quốc gia trong từng thời kỳ.
VĂN DŨNG