Doanh nghiệp thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0

VIỆT NGUYỄN - DIỄM LỆ 12/07/2020 07:26

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, cùng tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế Việt Nam buộc phải thay đổi để thích ứng. Vậy, doanh nghiệp (DN) Quảng Nam ứng phó thế nào với cuộc cách mạng này và Nhà nước hỗ trợ gì để tiếp sức DN, thúc đẩy phát triển bền vững?

DN may mặc cần thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
DN may mặc cần thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

“NÚT THẮT” CÔNG NGHỆ

Tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất là tác động tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các DN Quảng Nam phải vận động để thích ứng với xu thế này.

Vận động của DN

Điều gì đã tạo nên thương hiệu của Tập đoàn ThaiBinh Seed - chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên khi mỗi năm liên kết với nông dân Quảng Nam sản xuất hơn 1.500ha giống lúa hàng hóa? Ưu điểm của DN này là không chỉ cung cấp giống mà còn bao tiêu sản phẩm, thu hoạch lúa tại ruộng của người nông dân với giá cao hơn thị trường 5 nghìn đồng/kg.

Theo ông Triệu Tấn Phú - Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed - chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh đến mọi ngành nghề kinh tế nên DN bắt buộc phải thích ứng để không bị bỏ lại phía sau. Theo đó, áp dụng kỹ thuật mới, tiếp thu, vận dụng công nghệ mới để sản xuất, bảo quản lúa giống được hiệu quả, nhất là giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN sản xuất lúa giống khác, tăng hiệu quả kinh tế thu được.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động khoa học - công nghệ chính là động lực thúc đẩy hoạt động “sản xuất thông minh”, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Thaco đã đầu tư sản xuất, lắp ráp các loại ô tô gồm xe tải, xe bus, xe con, xe chuyên dụng theo hướng tự động hóa, đạt tỷ lệ nội địa tối thiểu 40%, đứng đầu Việt Nam. Dây chuyền sản xuất thân vỏ ô tô được các rô bốt hàn tự động có độ chính xác cao. Dây chuyền sơn tĩnh điện với 10 bể, vận hành tự động nhúng toàn bộ thân vỏ xe ô tô có chiều dài 13,7m. Dây chuyền lắp ráp hoàn thiện với hệ thống vận hành tự động và cấp phát vật tư bằng các rô bốt tự hành. Công nghệ hàn laser với dây chuyền hàn bằng rô bốt đã được ứng dụng trong sản xuất các loại xe Mazda.

Còn nhà máy Thaco Mazda sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền sản xuất tự động toàn nhà máy, xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng đến giao hàng theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng. Dây chuyền sản xuất thông minh, xưởng thông minh, nhà máy thông minh là nguyên tắc hoạt động của Thaco. DN này ngày càng phát triển và đóng góp lớn vào kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chậm thích nghi

Kết quả khảo sát, nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chỉ ra rằng, có đến 93% DN trên địa bàn tỉnh không có quỹ dành cho các hoạt động khoa học - công nghệ; 70% DN chưa quan tâm đến nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên tiến; 75% DN chưa tạo điều kiện để cán bộ có điều kiện nâng cao năng lực đổi mới công nghệ.

May mặc là một trong những ngành công nghiệp lớn của tỉnh tuy nhiên lại chậm chạp trong ứng dụng công nghệ mới để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Đỗ Đạt Khoát - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP May Trường Giang cho rằng, rất khó ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Vì rằng, DN gia công theo đơn hàng của đối tác nên phụ thuộc yêu cầu của họ. Xu hướng thời trang thay đổi liên tục nên nếu đầu tư lớn thì khó thu hồi vốn. Cái chính là DN không thể làm chủ cuộc chơi nên không quyết định được nên ứng dụng máy móc hiện đại nào, công nghệ mới nào để tăng năng suất sản xuất, sản lượng hàng hóa, giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

Cái khó nữa của các DN may mặc là khả năng huy động vốn thấp lại không ổn định nguyên liệu đầu vào, đầu ra lại phụ thuộc thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc nên sản xuất trong tình cảnh “được đến đâu hay đến đó”. Có thể thấy rằng, đổi mới công nghệ, máy móc là ưu tiên và là yêu cầu nội tại của các DN đã có vị thế trên thương trường còn các DN may mặc Quảng Nam chủ yếu là nhỏ và vừa nên “bài toán” công nghệ còn khá xa vời. 

Với các DN cơ khí, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng của Quảng Nam, sản xuất các sản phẩm đơn lẻ, giá trị gia tăng thấp vì thế mà hàm lượng công nghệ thấp. Hệ quả là sản phẩm có giá thành quá cao, không cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các DN sản xuất gạch không nung than thở rằng, vốn thấp nên ngay cả đầu tư công nghệ lạc hậu của Trung Quốc cũng phải dùng hàng đã qua sử dụng.

TS.Đặng Thu Hương - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, DN Quảng Nam cần chú trọng nghiên cứu các công nghệ tiên tiến là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Các DN phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

Thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 giúp DN tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 giúp DN tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

ĐỂ KHÔNG BỊ ĐÀO THẢI...

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi DN lẫn người lao động (LĐ) phải thay đổi. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN và LĐ thích ứng và không bị đào thải trong bối cảnh hội nhập.

Thích ứng với công nghệ

Cùng với sự đào tạo và hỗ trợ của DN, việc LĐ tự học hỏi để không bị đào thải là nhu cầu bức thiết hiện nay. Nhất là ở các DN may mặc, khi yêu cầu sản xuất sản phẩm thay đổi theo đối tác cũng là lúc cần phải thay đổi hệ thống dây chuyền sản xuất tại chỗ. Nhưng đó không hề là điều dễ dàng, khi nguồn kinh phí khó cho phép DN liên tục thay đổi công nghệ.

Ông Trần Văn Minh (Tổ trưởng Tổ Cơ điện, Công ty may Núi Thành) cho biết: “Mỗi người phải tự mình học hỏi, đưa ra được nhiều sáng kiến để cải tiến kỹ thuật, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Ngoài việc được DN đào tạo kỹ thuật nâng cao liên tục chúng tôi còn phải học hỏi để tìm ra những giải pháp cải tiến kỹ thuật, thích ứng với yêu cầu của đơn hàng. Có loại máy móc không còn phù hợp với mẫu mã của đơn hàng mới, nhưng không vì thế mà lãng phí nó. Thay vào đó, chúng tôi nghiên cứu thiết kế, cải tiến loại máy đó cho phù hợp, để cho ra sản phẩm chất lượng, lại tiết giảm được chi phí của DN. Đồng thời chúng tôi liên tục tìm hiểu về công nghệ sản xuất mới để tham mưu lãnh đạo công ty áp dụng hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Đình Quyết - Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Nhựa Miền Trung (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) cho rằng, người LĐ khi làm việc trong môi trường công nghiệp phải luôn chuẩn bị tâm thế để thay đổi theo nhu cầu sản xuất, luôn học hỏi để thích ứng. Khi công nghệ sản xuất nhựa thay đổi thì công ty cũng phải nhập dây chuyền sản xuất mới, tiết giảm LĐ so với dây chuyền cũ. Vì thế người LĐ có trình độ tay nghề được giữ lại, LĐ không tự học hỏi để thay đổi bị đào thải. Ngay trong quản trị nhân sự như công việc mà ông Quyết đang đảm nhận cũng phải thích ứng với sự thay đổi trong thời đại 4.0. Quản trị nhân sự ở một doanh nghiệp cũng đi theo sự thay đổi của công nghệ, bởi điều đó liên quan mật thiết với nhau, mọi sự điều hành đều được thao tác trên hệ thống phần mềm, máy móc hiện đại.

Hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo

Các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo nhân viên kỹ thuật để cung ứng cho các DN ở Quảng Nam khá nhiều, từ trường công lập đến các trường tư nhân. Đối với hệ thống trường công lập đào tạo nghề của tỉnh, nội dung đào tạo luôn được nhà trường cố gắng theo kịp sự phát triển của công nghệ mới. Tuy nhiên, đó chỉ là nền tảng, với nguồn kinh phí đào tạo có hạn thì không một cơ sở đào tạo nghề có thể theo kịp và đáp ứng được yêu cầu về trình độ kỹ thuật tại DN.

Ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Với các trường nghề, khi soạn giáo trình để dạy nghề thì họ luôn cố gắng bám sát yêu cầu công nghệ của nền sản xuất. Nhưng không thể theo kịp được sự thay đổi của công nghệ. Thế nên các cơ sở đào tạo chỉ còn cách phối hợp cùng DN ký kết hợp tác cung ứng LĐ sau đào tạo, từ đó tận dụng được sự hỗ trợ của DN để cùng đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Cách đào tạo nghề kiểu này đang phát huy hiệu quả”.       

Mỗi khóa học ở một cơ sở dạy nghề, khi DN và nhà trường cùng hợp tác thì người LĐ sẽ hưởng lợi. Nhà trường đào tạo lý thuyết và những kỹ năng cơ bản, sau đó DN hỗ trợ đào tạo về mặt kỹ thuật thực tế ở dây chuyền sản xuất. Chính điều này sẽ bổ trợ cho những điểm yếu trong việc đào tạo ở nhà trường, đồng thời DN cũng không phải mất thời gian đào tạo lại khi tiếp nhận LĐ từ cơ sở đào tạo nghề. Các trường nghề như Cao đẳng nghề Quảng Nam, Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, Bắc Quảng Nam, Thanh niên Dân tộc miền núi tỉnh... đều đang áp dụng cách đào tạo song hành cùng DN. Sự hỗ trợ lẫn nhau này sẽ giúp DN có được nguồn nhân lực chất lượng hơn, và nhà trường nâng được uy tín đào tạo.

Đồng thời với các trường nghề công lập, kiểu trường nghề được thành lập và chịu sự điều hành, quản lý của DN đang phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như ở Trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải. Sinh viên vừa học vừa được thực hành những ngành mà họ đang học trên chính dây chuyền công nghệ mà công ty đang sử dụng. Từ đó mà trình độ tay nghề của người học sẽ được nâng chất lượng, đáp ứng ngay được yêu cầu sản xuất của chính DN.

Thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP In - Phát hành sách và Thiết bị trường học Quảng Nam vận hành hệ thống máy in offset 4 màu.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP In - Phát hành sách và Thiết bị trường học Quảng Nam vận hành hệ thống máy in offset 4 màu.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

TIẾP SỨC DOANH NGHIỆP

Phần lớn các DN ở Quảng Nam có quy mô nhỏ và vừa, nên để hội nhập sâu rộng, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng đang ra sức kiến tạo các điều kiện thuận lợi để DN phát triển bền vững. Các chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, sản phẩm trọng điểm đã đem lại hiệu quả.

Ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Sở KH-CN, công cụ cải tiến theo Kaizen đã phát huy các thế mạnh về quản trị, sản xuất của DN. Theo đó, đã lượng hóa được các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm. Công tác thống kê có thể truy xuất dữ liệu bất cứ lúc nào. Quá trình sản xuất thuận tiện, có thể chủ động báo cáo chất lượng, phát hiện, dự đoán các vấn đề có thể phát sinh trong vận hành, tổ chức, quản lý sản xuất. Bởi vậy, doanh thu của DN ngày một tăng lên, người lao động ổn định thu nhập. 

Tiếp nối thành công từ hỗ trợ công cụ cải tiến theo Kaizen của Sở KH-CN, ngày 7.7, Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) đã phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công thương (Bộ Công Thương) tổ chức khóa đào tạo cho hơn 30 DN sản xuất sản phẩm công nghiệp và hỗ trợ áp dụng phương pháp cải tiến Kaizen.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu cho rằng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là yêu cầu bức thiết. Do đó, các DN cần áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của DN trên thị trường. Khi áp dụng công cụ cải tiến theo Kaizen, các DN cần kiên trì, bài bản, thiết kế các cơ chế quản lý sản xuất tiên tiến để toàn bộ chương trình tư vấn, đào tạo được duy trì, phát triển, tạo sự thay đổi lâu dài, bền vững.

Theo TS.Đỗ Thị Hương (Đại học Kinh tế quốc dân), các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên gia tư vấn, khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ DN áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng. Theo đó, cần tiếp tục đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng cũng như hỗ trợ DN xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các DN cần tìm hiểu, nắm bắt các hệ thống quản lý, đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật để sản xuất trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại cùng loại rất gay gắt.

ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TẠI CHỖ

Tồn tại, thích ứng và thay đổi là một quy trình tuần hoàn của mỗi DN. Muốn sản phẩm có chỗ đứng trên thương trường trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì DN phải đầu tư công nghệ đồng thời đào tạo nhân lực tại chỗ.

Một trong những giải pháp hiệu quả nhưng tốn kém, đó là thay đổi công nghệ. Hơn 15 năm khẳng định thương hiệu trên thương trường, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là các loại bao bì của Công ty CP Hồng Đào Chu Lai luôn được thị trường ưu chuộng, tiến đến xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.

Ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai cho biết sản phẩm đi ra thế giới được chính là nhờ công nghệ. 3 lần thay đổi công nghệ đã giúp công ty cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động.

Ông Phạm Văn Đào cho biết: “Thay đổi là theo yêu cầu của thị trường, đó là hiển nhiên và mỗi DN phải chấp nhận thay đổi đế tiến lên. Công nghệ mới của công ty nhập ngoại hoàn toàn vào cuối năm 2016, tự động hóa cao, nâng năng suất LĐ lên gấp 5 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng lên 50 lần, đạt được các tiêu chuẩn chất lượng mà các thị trường khó tính đòi hỏi, đáp ứng xuất khẩu. Đồng hành với việc nhập dây chuyền sản xuất mới là đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, có sự hỗ trợ đắc lực từ đơn vị cung ứng dây chuyền sản xuất”.

Đội nhân viên kỹ thuật tại chỗ được cử đến TP.Hồ Chí Minh - nơi nhà cung cấp dây chuyền đặt trụ sở, được chuyên gia trực tiếp hướng dẫn vận hành, đưa vào sản xuất thực tế. Đây là đội ngũ kỹ thuật nòng cốt, khi trở về hướng dẫn trở lại cho LĐ của công ty vận hành dây chuyền. DN bỏ kinh phí đào tạo hoàn toàn, giúp người LĐ yên tâm đi học hỏi công nghệ mới nhưng không bị ảnh hưởng đến thu nhập.

Với Công ty TNHH Đại Dương Kính, đầu năm 2019, một dây chuyền công nghệ sản xuất kính hoàn toàn mới thay thế dây chuyền cũ đã được lắp đặt. Với số vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, dây chuyền mới đã thay đổi hoàn toàn chất lượng sản phẩm, đáp ứng cho những yêu cầu cao hơn của thị trường kính xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Bà Trần Thị Hiển - Giám đốc Công ty Đại Dương Kính cho biết: “Thay đổi là xu thế tất yếu, DN muốn tồn tại được thì phải thay đổi. Sự đầu tư của công ty lần này là một quyết định đã được tính toán trong kế hoạch lâu dài của sự phát triển. Phát triển không chỉ dừng ở thị trường nội địa, mà phải tính đến con đường xuất khẩu sản phẩm. Công ty đã có thị trường xuất khẩu truyền thống, nhưng do yêu cầu cao trong xây dựng các công trình nên đối tác luôn có những yêu cầu cao hơn đối với chất lượng sản phẩm kính mà công ty cung ứng”.

Khi thay đổi công nghệ, công ty không chỉ cử chuyên gia kỹ thuật ra nước ngoài để được chuyển giao công nghệ mà còn yêu cầu đối tác đưa chuyên gia đến hướng dẫn cho nhân viên kỹ thuật của công ty sau khi lắp ráp, vận hành thử hệ thống. Sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao sẽ là nền tảng giúp các công ty dần đào tạo được đội ngũ lao động kỹ thuật theo đúng thực trạng sản xuất.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO