Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam” được Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Sở KH-CN tổ chức hôm qua (30.6) nhận diện thực trạng, thách thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó đề xuất giải pháp để DN thích ứng.
Cơ hội và thách thức
Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ số và công nghệ thông minh sẽ giúp DN tối ưu quy trình, phương thức sản xuất, kinh doanh. Theo đó, cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mở ra. DN có nguồn lực mạnh sẽ đạt được các bước phát triển mang tính đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế trên toàn cầu. Tuy nhiên, sẽ là thách thức lớn với các DN chủ yếu sản xuất dựa vào tài nguyên, gia công lắp ráp.
TS.Đỗ Thị Hương (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) phân tích các điểm yếu của các DN Quảng Nam. Đó là các ngành công nghiệp công nghệ thấp chiếm tỷ trọng cao. Nhìn chung, toàn tỉnh thiếu đồng bộ về hạ tầng. Lao động của các DN có trình độ thấp, thiếu đào tạo thêm trong quá trình lao động. Đáng nói, khả năng tiếp cận tài chính của DN còn hạn chế, nhất là DN tư nhân. Công nghiệp hỗ trợ yếu kém, nhất là các ngành dệt may, cơ khí.
“Hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa ngày càng rõ rệt. DN Quảng Nam bắt buộc phải cạnh tranh, đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh. Muốn có sản phẩm, hàng hóa chất lượng nổi bật đòi hỏi DN phải có công nghệ mới, nguồn lao động tay nghề cao. Đó là những “điểm nghẽn” khiến cho xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu của DN Quảng Nam chưa đáp ứng yêu cầu” - TS.Đỗ Thị Hương nói.
Trên cơ sở khảo sát, tiếp cận nhiều DN dệt may, kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ khí và công nghiệp chế biến, TS.Trần Lan Hương (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, năng lực ĐMST của các DN Quảng Nam còn yếu kém. Đối với vật liệu xây dựng, phụ thuộc lớn vào nguyên liệu tự nhiên; thiếu tính liên kết giữa các DN và giữa DN với viện nghiên cứu, trường đại học; chủ yếu là lao động giản đơn, quản lý mang tính truyền thống, chưa khuyến khích sáng tạo trong lao động. Đối với dệt may, nguồn lao động không ổn định, nhiều DN thiếu hụt lao động; chủ yếu là gia công sản phẩm; quy hoạch ngành dệt may lại chưa hợp lý. Về công nghiệp chế biến, DN nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết; chủ yếu gia công; công nghệ lạc hậu. Còn cơ khí thì DN quảng bá, xúc tiến thương mại chưa tốt; quy mô DN nhỏ; lao động thấp về tay nghề.
Thích ứng thế nào?
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, ĐMST là nội dung lớn của ngành để giúp DN trên địa bàn phát triển. ĐMST cần được bắt đầu từ thay đổi nhận thức và tư duy của DN. ĐMST trong DN là sử dụng công nghệ, chủ yếu là công nghệ số để tự động hóa, thông minh hóa toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, quản trị. Trước đây, sức mạnh của DN là đông người thì nay sức mạnh là ít người để phản ứng nhanh, chuyển động nhanh, tiếp cận mới trong mọi hoạt động.
Ông Đỗ Đạt Khoát - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP May Trường Giang cho rằng, do DN sản xuất gia công theo đơn hàng nên rất phụ thuộc vào đối tác. Do đó, DN dù rất muốn ĐMST để tăng quy mô, nâng cao năng suất sản lượng sản phẩm nhưng... bất lực. Vì thời trang luôn thay đổi xu hướng sản phẩm nên đầu tư máy móc, công nghệ hàng chục tỷ đồng, tốn kém nhưng thời gian sử dụng quá ít, lỗ chứ không thu lợi.
Ông Nguyễn Hữu Thoại - đại diện Công ty Cơ khí Chu Lai - Trường Hải cho biết, DN tự ĐMST chứ chưa được các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ, tư vấn. DN cũng thiếu sự liên kết, kết nối với DN khác để chia sẻ, hợp tác về ĐMST.
“Cái khó của không ít DN là sản xuất nhỏ, sản lượng thấp, không dễ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để xuất khẩu, tăng lợi nhuận. Khi tích lũy vốn lớn mới có thể mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, hiện đại để sản xuất hiệu quả hơn. Cái vòng lẩn quẩn đó cần được tháo gỡ” - ông Thoại nói.
TS.Đặng Thu Hương (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, ĐMST là điều kiện tiên quyết để tạo ra lợi thế cạnh tranh, quyết định sự tồn tại, phát triển lâu dài của DN. Chỉ có ĐMST mới có thể giúp DN vượt qua thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu các mô hình sản xuất, kinh doanh nằm ngoài cuộc cách mạng này sẽ dễ dàng thất bại. Cách mạng công nghiệp 4.0 là mối nguy lớn cho các lao động phổ thông bởi lẽ họ sẽ bị thay thế bằng rô bốt, máy móc.
“DN Quảng Nam qua khảo sát của chúng tôi nhìn chung gia công là chính với tỷ lệ sử dụng lao động phổ thông rất cao. Các DN có nhiều việc phải làm để thoát ra khỏi cảnh tạo sản phẩm đơn lẻ, giá trị gia tăng thấp, hàm lượng công nghệ thấp, mẫu mã chưa có sức cạnh tranh” - TS. Đặng Thu Hương nói.
Bởi vậy, các DN cần nhận thức đầy đủ thách thức, cơ hội mà bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. DN cần học hỏi, tiếp nhận quy trình quản lý tiên tiến để giảm giá thành sản xuất, tăng sản lượng, năng suất, hiệu quả cho sản phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ để DN tiếp cận được nguồn vốn khá lớn, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, phát huy tiềm năng, lợi thế. Các DN cần tạo cơ hội hợp tác với các DN FDI, các hiệp hội, cơ sở nghiên cứu khoa học để ĐMST thành công.