Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) khởi nghiệp, sáng tạo ở Quảng Nam đã ưu tiên việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh - xem đây là xu thế tất yếu, giúp các đơn vị tăng cường trao đổi thông tin, tiếp thị sản phẩm hiệu quả mà lại giảm được các chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Mở rộng kênh quảng bá
Ông Võ Duy Nghĩa - Giám đốc HTX Nông dược xanh Tiên Phước cho biết, việc ứng dụng TMĐT là một trong những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, HTX, tổ hợp tác. Thông qua trang website, sàn TMĐT, các DN, HTX có thể tiến hành giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với nhiều khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian và chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian. Đối với HTX Nông dược xanh Tiên Phước. Bất cứ lúc nào, hay ở đâu, chỉ cần gõ vào website “http://nongduocxanhtienphuoc.vn”, khách hàng có thể dễ dàng tìm hiểu những thông tin và sản phẩm đặc trưng của HTX đang sản xuất và cung ứng trên thị trường.
“Trong những năm qua, nhiều đơn đặt hàng lớn được ký kết của các đối tác ở các tỉnh thành trong cả nước xuất phát từ thông tin quảng bá sản phẩm trên website và các sàn TMĐT trong nước mà HTX đã đăng ký tham gia. Hiện nay, HTX đã có hơn 30 sản phẩm được chế biến từ tinh dầu quế và các loại tinh dầu thảo mộc (bưởi, sả, quế, chanh, trầm hương, gừng, nghệ…) đang được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng” - ông Nghĩa cho biết.
Đối với Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), việc ứng dụng TMĐT đã góp phần quảng bá hình ảnh DN, tăng cường giao dịch điện tử trên internet tạo thuận lợi cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng hiệu quả.
Thông qua triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, PC Quảng Nam triển khai cung cấp tất cả dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử, bao gồm dịch vụ cấp điện mới cũng như các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện như như: Nâng công suất, thay đổi định mức số hộ, thay đổi mục đích sử dụng điện, treo tháo công tơ điện định kỳ,… Khách hàng có thể dễ dàng đăng ký, gửi yêu cầu trực tuyến tới website “https://cskh.cpc.vn”;hay thực hiện giao dịch điện tử thanh toán tiền điện, phí cấp điện mới và các dịch vụ khác trực tuyến trên internet... rút ngắn thời gian làm thủ tục.
PC Quảng Nam đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thanh toán điện tử, đa dạng hóa các kênh thanh toán tiền điện qua trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng, sử dụng Mobile Banking để tự thanh toán, ví điện tử... giúp khách hàng chủ động đối với hóa đơn về điện, tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt.
Theo số liệu khảo sát mới đây, hiện nay hầu hết DN, HTX trong tỉnh đều trang bị máy tính kết nối internet, 100% sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh với mục đích: Quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng, chăm sóc khách hàng..., và 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông... cho phép người dùng thanh toán bằng thẻ ngân hàng và qua phương tiện điện tử.
Tuy nhiên, việc ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, HTX vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phần lớn DN trên địa bàn là DN vừa và nhỏ, quy mô hạn chế, chưa chú trọng đến ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT trong điều hành, quản lý. Nhiều DN khả năng tài chính có hạn, thiếu nguồn nhân lực để có thể quản lý và ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh. Kinh doanh theo phương thức truyền thống là một trong những rào cản lớn để phát triển TMĐT cho các DN, HTX trên địa bàn của tỉnh hiện nay.
Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT
Nằm trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong những năm qua, Sở Công Thương đã mở hàng chục lớp đào tạo, tập huấn về bồi dưỡng kiến thức, phát triển nguồn nhân lực TMĐT trong các DN, HTX. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân và DN về Luật An ninh mạng; tư vấn, hỗ trợ cho 20 DN trên địa bàn tỉnh xây dựng, thiết kế, nâng cấp website có đầy đủ chức năng bán hàng, thanh toán, quản lý hoạt động trực tuyến… nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước.
Mới đây, Sở Công Thương đã đưa Sàn giao dịch TMĐT Quảng Nam đi vào hoạt động tại địa chỉ “quangnamtrade.com.vn”. Tính đến nay, sàn giao dịch TMĐT đã kết nối hơn 150 DN trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia. Mục tiêu trọng tâm của sàn giao dịch hướng đến là nhằm giải quyết nhu cầu của các DN, HTX trên địa bàn của tỉnh như: nguồn nguyên liệu, máy móc, công nghệ; tài chính, tư vấn pháp lý, quản trị DN. Đồng thời đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; tư vấn, đào tạo và cung cấp các giải pháp TMĐT; hành chính, logistics và các dịch vụ hậu cần khác...
Để ứng dụng TMĐT mang lại hiệu quả kinh tế cao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, trong thời gian tới Quảng Nam sẽ tập trung vào việc khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, phát triển ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động và phát triển nội dung số cho TMĐT; khuyến khích DN, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh TMĐT mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Trong đó, tập trung xây dựng đề án tổng thể về phát triển chính quyền điện tử và xây dựng một số đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; hướng đến thực hiện nền kinh tế xã hội lấy người dân, DN làm trung tâm.
“Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 Quảng Nam sẽ có 60% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, DN sẽ đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo đó, sẽ tạo sự tương tác, tác nghiệp giữa người dân, DN và chính quyền trên môi trường điện tử, môi trường số” - ông Toàn nói.