Doanh nghiệp vận chuyển du lịch Cù Lao Chàm: Nỗi lo chồng chất

VĨNH LỘC 15/09/2020 09:02

Hai đợt dịch Covid-19 diễn ra liên tiếp khiến hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch Cù Lao Chàm lâm vào tình cảnh khốn đốn, càng khó khăn hơn khi nhiều doanh nghiệp vừa đầu tư tiền tỷ để cải tiến, đóng mới tàu SB.

Nhiều doanh nghiệp Cù Lao Chàm gặp khó khăn khi chuyển đổi từ tàu SI sáng SB. Ảnh: V.L
Nhiều doanh nghiệp Cù Lao Chàm gặp khó khăn khi chuyển đổi từ tàu SI sáng SB. Ảnh: V.L

Vắng khách

Mặc dù đã mở cửa hoạt động nhưng những ngày qua khách tham quan du lịch Cù Lao Chàm hầu như vắng bóng. Một số doanh nghiệp phải chuyển sang bán vé lẻ vận chuyển khách công vụ và người dân ra đảo. Theo ông Phan Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Ngân Hà, từ đầu tháng 9, khi hoạt động du lịch được nối trở lại mỗi ngày nhân viên ông chỉ bán được 10 – 20 vé, phần lớn là cán bộ công tác hoặc người đi thăm viếng thân nhân trên đảo. “Tình hình kinh doanh căng lắm, năm nay du lịch Cù Lao Chàm xem như thất bại hoàn toàn” - ông Hưng nói.

Thông thường, mùa cao điểm du lịch biển đảo Cù Lao Chàm kéo dài từ lễ 30.4 đến 2.9, đây cũng là khoảng thời gian trùng dịp hè nên lượng khách gia đình, nhóm bạn, đoàn thể đi rất đông. Tuy nhiên, năm nay 2 đợt dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát, du lịch đình trệ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảm đạm theo. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay khó trông mong khách đến đảo. Chưa kể, sắp bước vào mùa mưa bão, đồng nghĩa năm du lịch Cù Lao Chàm 2020 đã chấm dứt.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hội Du lịch Cù Lao Chàm chia sẻ, nỗi lo của doanh nghiệp du lịch Cù Lao Chàm hiện nay không chỉ là vắng khách mà chính là nguồn vốn vay mượn đầu tư vào việc đóng mới hoặc hoán cải tàu từ chuẩn SI sang SB (tức là chuyển từ tàu vận tải đường sông sang tàu sông pha biển). “Theo chủ trương của Bộ GTVT về tiêu chuẩn tàu chở khách du lịch, từ ngày 1.1.2020 nhiều chủ tàu đã phải hoán cải và đầu tư đóng mới hàng loạt tàu du lịch theo chuẩn SB. Với mức chi phí hoán cải từ khoảng 400 – 800 triệu đồng và đóng mới từ 2,2 – 2,4 tỷ đồng thì số tiền doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều. Trong khi hầu hết doanh nghiệp vận chuyển khách Cù Lao Chàm quy mô nhỏ nay vay vốn đầu tư phương tiện tàu thuyền SB nhưng mới chỉ hoạt động thời gian ngắn thì gặp dịch nên rất khó khăn” - ông Hùng nói.

Loay hoay

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại gần 55% doanh nghiệp vận chuyển du lịch Cù Lao Chàm đã chuyển từ tàu SI sang SB với số lượng khoảng 60 chiếc, tổng cộng hơn 2.300 ghế ngồi. Ông Huỳnh Kim Ba - Giám đốc Công ty Du lịch Phú Lộc cho biết, để chuyển đổi, nâng cấp tàu từ SI sang SB, chủ tàu chủ yếu vay mượn, lấy doanh thu từ vận chuyển khách để trả nợ. Ngoài ra, do phải đáp ứng theo chuẩn SB nên doanh nghiệp cũng phải tuyển thêm nhân viên phục vụ trên tàu từ một vài người lên 5 người, chi phí vận hành tàu cũng lớn hơn. “Bây giờ không có khách đồng nghĩa không có doanh thu để trả nợ và duy tu, bảo dưỡng tàu hoạt động” - ông Ba thừa nhận. Trước đây, doanh nghiệp ông Ba có 6 tàu, hơn 120 ghế ngồi, hiện đã chuyển sang SB được 2 chiếc với khoảng 70 chỗ ngồi, tuy nhiên hiện tại tất cả đều nằm bến.

Theo ông Lê Thanh Sơn – Công ty CP Du lịch Biển Đảo, việc chuyển sang tàu SB là cần thiết nhưng với tình hình hoạt động như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức để tiếp tục cải hoán hoặc đóng mới tàu SB, trong khi đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Nhà nước. “Tôi cũng vừa chuyển đổi một tàu từ SI sang SB, nhưng mới chạy được hơn tháng thì Covid-19 đợt hai xuất hiện. Bây giờ không có khách nhưng các chi phí như bến bãi, bảo trì tàu, trả lương nhân viên vẫn phải thực hiện nên rất loay hoay” - ông Sơn cho biết.

Năm 2019, Cù Lao Chàm đón khoảng 420 nghìn lượt khách, tuy nhiên từ đầu năm đến nay số khách tham quan Cù Lao Chàm ước khoảng 70 nghìn người. Ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, do lượng khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm giảm mạnh nên một số doanh nghiệp phải tạm dừng các hợp đồng đóng mới, cải hoán tàu sang chuẩn SB. Một số doanh nghiệp dù đã đóng xong tàu SB nhưng do dịch Covid-19 bùng phát nên chưa muốn chuyển về. “Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ và chia sẻ từ Nhà nước, nhưng đến nay hầu hết chưa nhận được hỗ trợ gì nhiều, nên khó khăn thêm chồng chất, nhất là nợ, lãi ngân hàng. Thời gian qua chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Hội Du lịch Cù Lao Chàm mong tỉnh giúp doanh nghiệp được gì thì giúp, cái gì ngoài tầm không giúp được thì chúng tôi cũng chịu, động viên cố gắng vượt qua thôi” - ông Hùng tâm sự.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp vận chuyển du lịch Cù Lao Chàm: Nỗi lo chồng chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO