Doanh nghiệp vẫn kêu cứu

Tùy Phong 08/05/2013 08:35

Ổn định chính sách vĩ mô, giảm thuế, giảm lãi suất, kích cầu sản xuất… là những kiến nghị được đề cập nhiều nhất tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề “Tình hình và kết quả việc thực hiện chủ trương về tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh” của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hôm qua 7.5.
Sửa đổi và minh bạch chính sách

Không khí cuộc gặp nóng ngay khi Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Trần Xuân Vinh yêu cầu nêu những đề xuất, kiến nghị từ các nội dung đã được đề cập. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói: “Quảng Nam đã đưa ra các giải pháp tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; giải quyết, xử lý những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để thúc đẩy tiến độ dự án. Tuy nhiên, vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và thu hút đầu tư, tiến độ triển khai các dự án, công trình còn chậm”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng cơ chế điều hành kế hoạch ngân sách trung ương sau Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ có bước tiến đáng kể nhưng khi thực thi lại lủng củng và gia tăng cơ chế xin cho. Vốn trái phiếu chính phủ đã làm tốt trong năm 2012-2015, địa phương hoàn toàn chủ động được dự án và phân bổ nguồn vốn đầu tư. Cần điều chỉnh chính sách tài khóa hợp lý, phân bổ vốn trung, dài hạn một cách minh bạch để hạn chế cơ chế xin cho từ các bộ, ngành trung ương.

Ảnh: T.PHONG
Ảnh: T.PHONG

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho biết, nếu không muốn dự án hay doanh nghiệp (DN) bị “đứng bánh” thì chính sách vĩ mô phải ổn định. Nhiều DN đang chờ “khai tử” vì vay ngân hàng với lãi suất ngất ngưởng. Không có cơ chế thoáng thì với lợi thế so sánh thấp như Quảng Nam sẽ mất hết cơ hội. Nếu cứ chờ trung ương duyệt cơ chế thỏa thuận thì nhà đầu tư sẽ đi hết và cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, cứu nguồn thu cho Quảng Nam. Ông Nguyễn Đức Lành - Giám đốc Công ty Đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cho rằng quá nhiều chính sách bất ổn thì sẽ khó có đủ sức thu hút đầu tư. Ông đơn cử, giá cả của một container xuất từ Đà Nẵng sang Nhật Bản cao hơn xuất từ TP.Hồ Chí Minh sang Nhật Bản từ 700 - 1.100USD. Mà đi từ Đà Nẵng phải mất tới 10 ngày mới có một chuyến, trong khi ở TP.Hồ Chí Minh thì chỉ 3 ngày là có thể xuất hàng. Chi phí đầu tư xây dựng nhà xưởng khoảng 1,5 triệu đồng/m2 ở các khu công nghiệp khác thì tại miền Trung phải mất đến 2,5 triệu đồng. Nếu không có cơ chế ưu đãi sẽ khó thu hút đầu tư để trở thành động lực phát triển cho cả vùng.

Cần giảm thuế và lãi suất

Nếu các ban quản lý kiến nghị về cơ chế, chính sách đầu tư thì giới DN lại than phiền về việc khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, lãi suất quá cao và cần giảm thuế… Ông Nguyễn Tâm - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng nói, DN dù muốn hay không cũng phải dựa vào “bầu sữa” ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Những văn bản của Ngân hàng Nhà nước không tác dụng khi công bố chênh lệch cho vay và huy động là 3%, vậy mà DN vẫn phải vay trên 15%. Sự thiếu hợp tác của ngân hàng sẽ khiến DN tiếp tục suy thoái. Thay vì để nguyên món nợ cũ với lãi suất ngất ngưởng như trước để thu lãi thì ngân hàng nên giảm lãi suất nhanh, tiếp tục cho vay mới cứu được DN.

Sẽ có biện pháp tốt hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho rằng lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay có giảm tương ứng không và điều chỉnh thế nào cho nhanh chóng là việc khó. Các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với DN trong điều kiện có thể. Các kiến nghị về chính sách thuế, chính sách vĩ mô, lãi suất tiền vay, tiêu thụ sản phẩm và hoạt động của DN… tại cuộc tiếp xúc này sẽ được tổng hợp, phản ánh để Quốc hội, Chính phủ tìm cách tháo gỡ. Còn cơ chế thì áp dụng chung, không dành một biệt lệ nào cho một địa phương. Quan trọng hơn hết là tìm ra giải pháp tốt hơn để tháo gỡ khó khăn cho DN và cả nền kinh tế, nhất là phải nhanh chóng kích cầu, tập trung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo động lực phát triển.

Ông Trần Đình Chương - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (Thăng Bình) cho rằng, ngân hàng lúc nào cũng nắm đằng chuôi và có lợi khi biết chắc DN lúc nào cũng cần vay vốn. Vì vậy cần phải siết chặt quản lý nhà nước các ngân hàng thương mại. Ông Chương cũng cho rằng cần có một chính sách thuế ưu đãi thu nhập DN để động viên, khuyến khích và giữ được lao động. Ông kiến nghị nhanh chóng giảm thuế, giảm lãi vay. Đó cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu vì DN có gia tăng sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm thì mới có nguồn thu ngân sách nhà nước. Giảm thuế chỉ mất chút ít trong hiện tại nhưng lại cứu được DN và có lợi cho việc thu ngân sách nhiều năm sau, bởi rất nhiều DN đã thực sự kiệt quệ.

Trước chất vấn và kiến nghị của DN về lãi suất cao và khó tiếp cận vốn, không một đại diện ngân hàng thương mại nào có mặt lên tiếng phản bác. Bà Nguyễn Thị Sương Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam “lãnh trách nhiệm giải trình”. Bà Thu cho rằng ngân hàng cũng là một DN nên phải điều hành lãi suất theo giá cả thị trường và tín hiệu chỉ số lạm phát. Hiện tại, các ngân hàng huy động lãi suất ngắn hạn là 7,5%/năm, còn trung và dài hạn thì thả nổi. “Không thể đòi hỏi ngân hàng bắt buộc phải đáp ứng tất cả yêu cầu từ phía DN mà không có chuẩn tín dụng được. DN có khó thì cũng không thể đòi hỏi ngân hàng nới lỏng tín dụng mà không kiểm soát dòng tiền” - bà Thu nói. Cũng theo bà Thu, không có DN nào sản xuất ổn định, làm ăn hiệu quả, có uy tín mà lại khó tiếp cận vốn ngân hàng. Nếu có dự án khả thi, ổn định đầu ra thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ, can thiệp ngay. Ngay cả việc DN nào vay lãi suất trên 15% thì công bố để Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp, hỗ trợ DN có lãi suất hợp lý hơn.

Tùy Phong

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp vẫn kêu cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO