Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã làm tốt công tác tham gia đảm bảo an sinh xã hội. Cũng từ đó tên tuổi và thương hiệu DN được xã hội biết đến nhiều hơn.
Trách nhiệm với người dân
Tổ cắt chỉ thôn An Tây (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) có 20 phụ nữ lúc nào cũng tất bật với công việc, một số cháu nhỏ vui đùa cùng nhau trong khi mẹ đang làm việc. Sản phẩm của Xí nghiệp May Tiên Phước (Công ty TNHH Tuấn Đạt 2) mỗi ngày đều được giao - nhận 2 chuyến, giúp phụ nữ có việc làm đều đặn. Bà Nguyễn Thị Ngân, Tổ trưởng tổ cắt chỉ thôn An Tây cho biết: “Ở đây toàn là các bà, các chị đã trên 45 tuổi, tật nguyền hoặc có con nhỏ, không thể đi làm ở trong công ty xí nghiệp được. Nhưng xí nghiệp may đã tạo điều kiện, giúp chị em chúng tôi có việc làm, thu nhập ổn định nên chúng tôi rất yên tâm”.
Công ty TNHH Tuấn Đạt 2 tạo điều kiện cho chị em có con nhỏ, lớn tuổi, tật nguyền có việc làm từ tổ cắt chỉ. |
Đôi chân bị liệt, phải chống nạn để di chuyển, nhưng bà Nguyễn Thị A vẫn ngày ngày đều đặn đến với tổ cắt chỉ. Sáng, bà A gói cơm mang theo, bà cặm cụi làm việc đến trưa thì ăn cơm, nghỉ ngơi tại chỗ, rồi làm tiếp. Mỗi ngày bà cắt chỉ khoảng 40 sản phẩm. Mỗi sản phẩm được xí nghiệp may trả 1.300 đồng, mỗi ngày bà làm được hơn 50 nghìn đồng tiền công. “Với một người khuyết tật như tôi, có công việc đã là may mắn. Tháng nào hàng hóa đều đều, bản thân không đau ốm, tôi làm được chừng 1,5 triệu đồng. Thế là mừng lắm rồi, chứ đi làm việc ngoài đồng trên rẫy tôi không làm được” - bà A tâm sự. Ngồi bên cạnh bà A là bà Nguyễn Thị May, năm nay đã 76 tuổi nhưng mắt còn tỏ nên bà vẫn cắt chỉ tốt. Bà May hóm hỉnh: “Tôi không cần dùng kính vẫn cắt chỉ tốt. Già như tôi thì biết làm chi, xí nghiệp cho chúng tôi làm thế này là rất tốt. Người trẻ thì vô công ty, người già hơn thì làm ngoài công ty, cũng là làm cho công ty cả”. Ở đây, còn có vài phụ nữ có con nhỏ, mang theo cả con để đi làm, vừa có việc làm lại vừa chăm được con, tiện cả đôi đường.
Xí nghiệp May Tiên Phước đã xây dựng được 5 tổ cắt chỉ như thế, và trang bị đầy đủ bàn ghế, bấm cắt chỉ, đèn điện chiếu sáng cho mỗi tổ, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động của huyện Tiên Phước và gần 100 lao động lớn tuổi, tật nguyền. Bà Nguyễn Thị Bích - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Đạt 2 kiêm Quản đốc Xí nghiệp may Tiên Phước, cho biết: “Tạo việc làm ổn định cho người dân là trách nhiệm của công ty, đặc biệt là những người không có điều kiện vào công ty thì càng cần việc làm hơn. Giúp được thêm bao nhiêu chị và bà có việc làm thì có thêm bấy nhiêu gia đình ổn định hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian tới tạo thêm được nhiều việc làm nữa cho các bà, các chị”.
Cái tâm với xã hội
Hơn 10 năm đầu tư vào Quảng Nam là từng ấy năm Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) trung thành với triết lý kinh doanh: “Có tâm với xã hội, có tầm với đất nước”. Cái tầm là mức tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh để trở thành một đơn vị có thể đại diện cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Cái tâm xuất phát từ sự đóng góp cho sự phát triển của xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Thaco phát triển được như hôm nay trên đất Quảng Nam không thể thiếu sự đóng góp vô cùng quan trọng của người dân địa phương. Đó là những người dân đã tạo điều kiện cho Thaco xây dựng nhà máy, là những người công nhân miệt mài lao động trong phân xưởng. Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Thaco bày tỏ: “Tạo việc làm ổn định, đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên là nghĩa vụ của chúng tôi. Vì thế chúng tôi luôn ưu tiên cho con em là người Quảng Nam vào làm việc trong công ty nhằm giúp mỗi gia đình ổn định kinh tế. Đến nay đã có trên 80% trong tổng số 3.500 cán bộ công nhân viên tại khu phức hợp là người Núi Thành, người Quảng Nam”.
Với tiêu chí “Nhân văn, đề cao giá trị con người, chung tay vì cộng đồng”, Thaco luôn sẵn sàng đóng góp cho những quỹ xã hội từ thiện của Quảng Nam. Quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, vì nạn nhân chất độc da cam, các quỹ học bổng, tiếp sức đến trường cho tân sinh viên, xây trường học, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách... đều có Thaco đồng hành. Mỗi năm, Thaco dành khoảng 15 tỷ đồng tham gia đóng góp cho các hoạt động vì an sinh xã hội. Chẳng hạn như năm 2011, Thaco đã đóng góp cho Quỹ vì người nghèo tỉnh 2 tỷ đồng; năm 2012 ủng hộ 3,5 tỷ đồng cho chương trình “Vì biển đảo quê hương”...
Ngoài ra, Thaco đã quan tâm đến sự phát triển của nguồn nhân lực Quảng Nam khi tài trợ cho sinh viên nghiên cứu khoa học, trao học bổng... Và Thaco đã xây dựng được Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai - Trường Hải, trước hết là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho chính khu phức hợp, sau đó là góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động của tỉnh trong ngành nghề ô tô. Nhà trường đào tạo miễn phí cho học sinh, sinh viên, sau đó tạo việc làm ngay sau khi học tại khu phức hợp. Đặc biệt là đối tượng bộ đội xuất ngũ, con em đối tượng chính sách, gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh được nhà trường tạo điều kiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
LÊ DIỄM