Bằng sự sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang góp phần tạo nên những giá trị cốt lõi để Hội An tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu - một sáng kiến xây dựng đô thị do UNESCO sáng lập.
Doanh nghiệp sáng tạo
Đến phòng trưng bày triển lãm điêu khắc “Con giống” ở làng chài An Bàng - Hội An, câu chuyện tái sinh của gỗ, củi lũ ở cửa sông, ven bãi biển sau mỗi mùa mưa bão được kể bằng sự tinh tế của nghệ thuật điêu khắc.
Cùng với các nghệ sĩ, ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An đã phác họa nét đẹp các loài vật thân thuộc từ những chất liệu chừng như bỏ đi. Qua các tác phẩm thấy được bàn tay tài hoa của người thợ mộc, điêu khắc, chạm trổ truyền thống Kim Bồng - Hội An đang tái tạo, biến tấu các mô típ, biểu tượng văn hóa truyền thống người Cơ Tu xứ Quảng.
“Cùng nhau bảo vệ môi trường bằng cách tái sử dụng gỗ, cũi lũ, qua đó tạo công ăn việc làm, lưu giữ được văn hóa làng nghề. Tương lai sẽ mở khu trưng bày tác phẩm tái chế kể câu chuyện về văn hóa Cơ Tu, văn hóa Hội An để du khách tham quan, trải nghiệm làng nghề mộc tái sinh cùng với thợ điêu khắc” - ông Thuận chia sẻ.
Lê Ngọc Thuận còn được biết đến với nhiều câu chuyện truyền cảm hứng trong việc xây dựng mô hình lưu trú homestay cộng đồng tại làng chài An Bàng theo hướng bảo tồn giá trị văn hóa kiến trúc làng quê, sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường.
Bản sắc văn hóa và đặc trưng riêng có trong hàng loạt sản phẩm du lịch mang thương hiệu Hội An chính là thành quả của quá trình sáng tạo không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp. Từ hàng chục năm trước, du khách đã biết đến các sản phẩm du lịch phố đi bộ, phố đèn lồng, đêm phố cổ, chợ phiên. Đáng chú ý, sản phẩm
“Một ngày làm cư dân phố cổ” trải nghiệm đời sống lao động, sinh hoạt của các làng nghề tuyền thống; du khách thích thú cưỡi trâu cày đồng, trồng lúa; nhặt rác trên sông, trong rừng dừa nước… đã tạo ấn tượng với nhiều du khách.
Có thể kể đến các doanh nghiệp Khoa Trần với JackTran’s Eco-Tours, chợ phiên trên cánh đồng “The Field” của Phan Xuân Thanh, Taboo Bamboo Workshop của Võ Tấn Tân… Hay như thương hiệu ẩm thực với nhiều ý tưởng, sáng kiến của Trịnh Diễm Vy - người kết nối tổ chức Liên hoan ẩm thực quốc tế với sự tham gia của nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới tại Hội An.
Đến với Hội An, phố cổ với những chiếc đèn lồng lung linh trong đêm hội. Đó chính là nét chấm phá nhiều sắc thái của một Hội An gần gũi, thân quen, kết tinh từ quá trình lao động, sáng tạo của người thợ thủ công đèn lồng phố Hội.
Còn nghệ nhân Bùi Quý Phong, người được biết đến với “Mặt nạ thời gian” thì tỉ mỉ, công phu ghi lại dấu ấn của ông cha một thời vàng son trên sân khấu nghệ thuật hát bội. “Mỗi người có một tay nghề, chúng ta cùng chung tay để Hội An có những nét hoa nghề riêng” - nghệ nhân Bùi Quý Phong nói.
Hành trình xây dựng
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Hội An là một trong 7 thành phố nằm trong kế hoạch xây dựng đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO do Bộ VH-TT&DL chủ trì thực hiện. Để xây dựng thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Nghề thủ công và nghệ thuật dân gian”, chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể”.
Tháng 7.2022, Hội An đã tổ chức tọa đàm “Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và văn nghệ dân gian ở Hội An hướng tới thành phố sáng tạo” với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý nhằm trao đổi, đánh giá toàn diện về vai trò của các nghề truyền thống và văn nghệ dân gian trong con đường phát triển của Hội An.
Sự kiện “Nét hoa nghề Hội An” cũng vừa được tổ chức nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ nghề, làng nghề truyền thống; tôn vinh giá trị nghiên cứu, sáng tạo, truyền nghề của nghệ nhân, thợ thủ công. Đây còn là một trong những sự kiện thúc đẩy xây dựng hồ sơ “Hội An - Thành phố sáng tạo toàn cầu”.
Trong chuyến nghiên cứu khảo sát tiền khả thi vào tháng 4.2022 về tiềm năng của Hội An trong việc tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo, PGS-TS.Đỗ Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), thành viên ban soạn thảo đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo (do Bộ VH-TT&DL thực hiện) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo ở Hội An có khoảng vài chục doanh nghiệp.
Trong đó, một số doanh nghiệp tiên phong đã góp phần tạo ra rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mới mang đậm bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng của du khách, vừa thân thiện với môi trường vừa góp phần bảo tồn nghề và làng nghề, tạo sinh kế, kết nối cộng đồng, nâng cao tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của thương hiệu điểm đến du lịch Hội An.
“Ngay từ bước khởi động đầu tiên, các chủ thể từ chính quyền đến nghệ nhân, nghệ sĩ, người dân, doanh nghiệp bằng bàn tay và khối óc của mình đã tích cực tham gia vào hành trình này với hy vọng Hội An sẽ trở thành thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian hàng đầu trong khu vực” - bà Thủy chia sẻ.