(QNO) - Doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn - cựu Chủ tịch HĐH Quảng Nam tại TP.HCM xúc động nhớ lại những ngày nung nấu ý tưởng và vận động tổ chức sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM lần thứ nhất và trước thềm sự kiện này sắp được tổ chức lần thứ 3 năm 2023.
- Ông có thể chia sẻ về sáng kiến tổ chức Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: - Tại TP.HCM, có rất nhiều bà con Quảng Nam vào học tập, sinh sống và làm việc. Bà con từ lâu nay đã chia sẻ với nhau rất trách nhiệm, tình cảm trong tình đồng hương thân thiết. Từ đó, tôi và các anh em trong ban chấp hành hội đồng hương nghĩ đến việc tổ chức Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM nhằm quy tụ, kết nối bà con ở phía Nam lại để cùng gìn giữ và phát huy các giá trị sẵn có này.
Tâm lý bà con mình xa quê luôn khát khao thông tin về quê nhà, khát khao nghe được nhịp điệu cuộc sống, hội hè... nên trong sự kiện ấy phải giới thiệu những nét nổi bật về văn hóa, ẩm thực, sản phẩm của người Quảng mình tại TP.HCM... Đó là lí do mà chương trình phải có ca nhạc, hát bài chòi cho đến các món đặc sản của Quảng Nam. Lại thêm, ở trong nam có rất nhiều doanh nghiệp đang làm ăn rất khá nên mình mời tham gia để giới thiệu thương hiệu, hình ảnh của họ, trưng bày thành tựu, sản phẩm để vừa là quảng bá giúp người đồng hương của mình, vừa là dịp để các doanh nghiệp người Quảng tìm thấy cơ hội hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong làm ăn.
Trong kịch bản chương trình, chúng tôi cũng bàn rất kỹ việc tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, văn - nghệ sĩ và những cá nhân có nhiều cống hiến cho hoạt động của hội đồng hương và đối với quê nhà Quảng Nam.
- Đã qua hai lần tổ chức rất thành công, ông có thể chia sẻ thêm thông tin về hai lần này, bà con mình tham gia sôi nổi vui vẻ không?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: - Đến lúc này sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức được 2 lần, sắp tới sẽ là lần thứ 3. Lần đầu tổ chức vào năm 2013, lần thứ hai là vào năm 2016. Ban đầu dự định 3 năm tổ chức một lần nhưng trong hai năm 2019 và 2021 do một số lý do, nhất là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sự kiện không thể diễn ra như dự kiến.
Lần tổ chức đầu tiên vào năm 2013, tôi là trưởng ban tổ chức. Nhìn cảnh bà con đến Công viên Đầm Sen nô nức, vui vẻ tham dự sự kiện, tôi rất xúc động. Anh em trong ban chấp hành đều chia sẻ niềm vui vì giữa một thành phố lớn như vậy, mà người Quảng chúng ta “tìm thấy” nhau, rồi cùng tề tựu lại quả là điều đáng mừng. Đó thật sự là những ngày đặc biệt!
- Được biết trong hai lần diễn ra sự kiện thì có hơn 100 ngàn người tham gia, công tác tổ chức đã tiến hành như thế nào để chương trình diễn ra suôn sẻ?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Không khí những ngày ấy sôi nổi lắm. Tôi nhớ lần đầu tổ chức có đến hơn 150 nghìn bà con đồng hương tham gia, lần thứ hai thu hút hơn 180 nghìn bà con tham gia. Đó là những con số khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc, và chắc rằng bà con sẽ còn hạnh phúc hơn trong tình đồng hương ấm áp phương Nam.
Để đảm bảo chương trình không bị "bể”, chúng tôi đều lo công tác chuẩn bị từ 4-5 tháng trước khi diễn ra sự kiện. Chúng tôi bàn nhau lên ý tưởng cho chương trình, kêu gọi tài trợ, tổ chức thông tin, tuyên truyền cho bà con biết... rất chu đáo. Chính vì vậy mà trong suốt sự kiện có khá đông bà con ở các tỉnh lân cận TP.HCM nghe tin tìm về tham dự chứ không riêng gì bà con tại thành phố.
- Quan sát thì chúng tôi thấy việc thông tin các chủ trương của Hội đồng hương tỉnh đến bà con rất nhanh chóng, nhiều việc được bà con đồng thuận, ủng hộ khá tốt, ông cho biết vai trò của việc tổ chức hoạt động các cấp hội đồng hương như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: - Lo việc của hội đồng hương, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đó là việc dễ dàng, thuận lợi. Tôi cũng không muốn nói về những khó khăn khi vận động tổ chức sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM lần đầu tiên vốn còn mới mẻ. Bởi lẽ tôi tâm niệm khi làm những việc nhằm gắn kết bà con lại với nhau thì không nên nghĩ tới khó khăn của mình mà hãy nghĩ tới cái chung, đó là sự kết nối. Mà sự kết nối sợ dây nghĩa tình là việc không thể kể hết.
Trong quá trình chuẩn bị thuận lợi lớn nhất là dưới các hội đồng hương cấp tỉnh còn có các hội đồng hương cấp huyện, cấp xã, thậm chí là cấp thôn! Chính hoạt động thường xuyên của hội các cấp này đã mang đến sự gắn kết của bà con, thông tin được truyền tải rất tốt từ dưới lên trên và ngược lại. Cũng nhờ vậy mà khi Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam khi muốn triển khai công việc gì sẽ phổ biến nhanh, hiệu quả. Bà con nhanh chóng đồng thuận, nắm bắt tốt thông tin.
- Ông có thể cho biết thêm những việc làm sau những lần tổ chức Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM để hội đồng hương thực sự là chỗ dựa nghĩa tình, tương thân tương ái một cách thực chất.
Ông Nguyễn Văn Tuấn:- Như trên tôi có nói về việc tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, văn - nghệ sĩ và những cá nhân có nhiều cống hiến cho hoạt động của hội và đối với quê nhà Quảng Nam. Chỗ này cũng cần nói thêm, là ở lần tổ chức đầu tiên tiên vào năm 2013 chưa có tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, văn - nghệ sĩ, mà vào lần hai - tức năm 2016 mới có. Việc tôn vinh này diễn ra lần hai vào năm 2019, khi tổ chức họp HĐH chứ không phải đợi đến sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM.
Trong lúc diễn ra sự kiện, chúng tôi đồng thời tiếp tục kêu gọi các sự đóng góp cho hoạt động của hội. Nguồn kinh phí kêu gọi được thường sẽ dành 80% để hoạt động thiện nguyện tại quê nhà Quảng Nam, 20% còn lại dùng cho việc giúp đỡ cho bà con đồng hương tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Ngay từ đầu, chúng tôi luôn nhất quán quan điểm là ưu tiên hỗ trợ bà con việc an cư - tức là nhà ở; sau đó là hỗ trợ cho bà con phương tiện mưu sinh, mà mình hay nói vui là trao cho bà con cái cần câu cơm. Việc giúp đỡ tiền mặt chủ yếu là trong các tình huống khẩn cấp như tai nạn, bệnh tật, thiên tai…
Việc trao tặng luôn có sự đồng hành của chính quyền địa phương. Họ hỗ trợ mình về danh sách cần được hỗ trợ cũng như lúc diễn ra việc trao tặng, để đảm ẩo đúng đối tượng và đúng nhu cầu.
Như khi trao tặng xe lăn xe lắc cho bà con mình mà nguồn tài trợ từ nước ngoài, chúng tôi về quê, mời bà con đến trụ sở chính quyền địa phương để đo kích cỡ, ghi lại đặc điểm riêng khuyết tật của từng người. Việc làm chi tiết này là để mỗi chiếc xe lăn xe lắc đó phù hợp với từng bà con của mình hơn, giá trị của suất tài trợ vì thế càng ý nghĩa hơn.
Sau cùng, tôi hy vọng rằng sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM lần 3 diễn ra từ ngày 2.6 - 4.6 tới tại Công viên Đầm Sen, sẽ có nhiều bà con đến tham gia, và nhiều câu chuyện ân tình ở quê nhà được nối tiếp...
Xin cảm ơn ông.