Doanh nhân Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam: "Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh"

NHẬT PHONG 14/10/2019 09:57

Điều doanh nghiệp (DN) cần không phải là sự hỗ trợ, ưu đãi hay ưu tiên đặc biệt mà cần hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, cần cơ chế, chính sách đủ mạnh, hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện đi vào thực tiễn đời sống. Doanh nhân Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Quảng Nam trải lòng nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 và về cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương khởi xướng.

Doanh nghiệp tư nhân rất cần cơ chế, chính sách đủ mạnh, thông thoáng, để có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thương trường.Ảnh:T.D
Doanh nghiệp tư nhân rất cần cơ chế, chính sách đủ mạnh, thông thoáng, để có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thương trường.Ảnh:T.D

* Điều gì đã khiến ông quay lại địa phương để đầu tư?

Ông Phạm Quốc Hùng: Công việc đầu tư chúng tôi vẫn đang tiến hành song song, đầu tư đa ngành ở nội địa và nước ngoài. Mỗi lĩnh vực đều có một DN riêng, khác nhau. Tất cả đều đã cổ phần nên có người điều hành. Hiện DN đang đầu tư một dự án trồng 10.000 cây sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Còn dự án nông nghiệp công nghệ cao phải dừng lại. Không phải vì thiếu cơ chế hay môi trường đầu tư của Quảng Nam không thông thoáng. Theo khảo sát, đánh giá thì thị trường địa phương nhỏ, sức mua yếu. Nông dân sản xuất nông sản cũng đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tốn rất nhiều chi phí, phải tính đến chuyện bù lỗ rất nhiều năm mới có thể nhìn thấy hiệu quả, nên phải chờ thời điểm thích hợp mới quyết định đầu tư.

* Theo ông, liệu những cơ chế, chính sách, nghị quyết “DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế” đã được ban hành, có được hiện thực hóa, tác động tích cực đến DN hay không?

Ông Phạm Quốc Hùng: Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) thúc đẩy khối kinh tế tư nhân phát triển. Nhà nước đã xóa bỏ các rào cản, định kiến và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh. Thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đối thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần kinh tế tư nhân, song hành với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tư duy năng động, cơ chế rõ ràng, triết lý kinh doanh cùng với sự trưởng thành của đội ngũ DN tư nhân, những thương hiệu địa phương đã được xác lập. Từ đó vai trò, cái nhìn của xã hội về DN tư nhân đã thay đổi thông qua các đóng góp thiết thực cho xã hội của cộng đồng DN. DN tư nhân ngày càng sẽ lớn mạnh, đóng góp cho nền kinh tế thông qua tạo việc làm, đóng thuế, thúc đẩy nền kinh tế kể cả trong lúc nguồn lực cơ bản của Nhà nước khó khăn… là những điểm sáng, nỗ lực của DN không thể phủ nhận.

Ông Phạm Quốc Hùng.
Ông Phạm Quốc Hùng.

* DN “sống” trong bối cảnh này có khó không, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Hùng: Dễ dàng liệt kê được những khó khăn chính, hoặc có thể coi là những ràng buộc, mà DN tư nhân Việt Nam đang phải chấp nhận. Đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thiếu những điều kiện ưu đãi cần thiết để mở rộng quy mô, sự yếu kém của cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Hầu hết nguồn vốn vẫn đến từ nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng, trong khi đó lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác. Họ gần như rất khó có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay dài hạn ưu đãi lãi suất thấp từ phía Nhà nước như hầu hết DN các nước khác nhận được. Những ưu đãi về sử dụng đất đai, giảm thuế hay tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý thủ tục giấy tờ cho việc thành lập và hoạt động DN cũng gần như cực kỳ hạn chế.

DN tư nhân có những bước phát triển hết sức tích cực, nhưng cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm, đầu tiên là việc lựa chọn cơ hội khởi nghiệp. Nhiều DN chưa xuất phát từ lợi thế so sánh của địa phương, lợi thế về địa lý, lợi thế của DN, phát triển nóng, hiệu quả nhanh mà không tạo được nền tảng cho phát triển bền vững, nên số DN bị phá sản rất nhiều. Có thể nói trình độ sản xuất, kinh doanh của phần lớn DN tư nhân ở mức rất thấp. Quy mô nhỏ có thể quản lý được, nhưng khi mở rộng quy mô lớn hơn, kinh doanh đa ngành, đa nghề kiểu tập đoàn đã đi đến đổ vỡ. Lý do thiếu năng lực quản trị, quản lý theo kiểu gia đình, không dựa trên nền tảng quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ… hay thiếu liên kết, hợp tác. Còn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho quyền lợi của DN chưa mạnh, chưa có tiếng nói, hành động thiết thực, nhiều tổ chức còn nghiêng về hoạt động hành chính, bề nổi, hỗ trợ DN chưa thật sự hiệu quả.

Ngoài ra nguyên nhân gián tiếp từ phía Nhà nước cũng có tác động đáng kể tới sự phát triển của DN tư nhân. Đó chính là môi trường kinh doanh mà điểm cốt lõi là sự thiếu minh bạch. Tình trạng lợi dụng những quy định, hạn chế kinh doanh, quản lý “ăn chia” rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó là chính sách thuế, tuy không cao nhưng chi phí truyền thống rất lớn. Những khoản chi phí hành chính lên đến 35% - 40%, gồm thuế phí và có nhiều nơi đến 50%. Cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh thuận lợi là điều rất cần thiết.

Một nguyên nhân nữa là chính sách của chúng ta chưa ổn định, thay đổi liên tục, trở thành khó lường và tạo nên rủi ro về thể chế. Và những chính sách đó nhiều khi thiên về ủng hộ DN lớn và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Hệ thống quản lý chưa minh bạch.

* Ông chờ đợi gì về việc DN đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế mà Trung ương đang vận động?

Ông Phạm Quốc Hùng: Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng DN. Tuy nhiên, cần phải tạo ra một sự bùng nổ trong cải cách thủ tục hành chính. Công bố rõ ràng được quyền kinh doanh những gì. Được tự do đăng ký kinh doanh, thủ tục đăng ký chỉ một cửa, không cần phải phân biệt là có giấy phép mới được kinh doanh. Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý để việc kiểm tra phải theo tiêu chuẩn chung chứ không chỉ mang tính chất chủ quan của người quản lý và công bố rõ kết quả kiểm tra. Hạn chế kiểm tra trực tiếp và sử dụng kết quả kiểm tra có tính chất liên thông. Chính sách ổn định, đặc biệt là chính sách thuế phí và chính sách tín dụng…

Quan trọng nhất là sửa đổi thể chế kinh tế. Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật (Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chuyển giao công nghệ...), Chính phủ đã tạo môi trường kinh doanh gắn với cải cách, giảm chi phí cho DN. Nhưng để khuyến khích sản xuất, Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế đặt hàng các DN nội địa sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thay thế cho việc mua nước ngoài, nhất là các sản phẩm có tính cạnh tranh cao và sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, kể cả sản phẩm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh… Muốn kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển mạnh mẽ, cần tập trung giải quyết vấn đề bình đẳng thật sự giữa các chủ thể kinh doanh, giữa kinh tế tư nhân và DN Nhà nước. Khuyến khích phát triển khởi nghiệp mọi nhà, ban hành những thể chế, chính sách gần gũi hơn như chính sách vay vốn, thuê đất, cơ sở vật chất, hạ tầng. Có thể nói hiện nay không ít DN không muốn lớn, ngoài chuyện “thuyền to, sóng lớn” thì chưa đủ ý chí và niềm tin.

Tinh thần DN không dễ bị bào mòn. Sẽ không thiếu DN quay lại thị trường sau những trắc trở. Một khi cơ chế, chính sách tác động đến họ, khơi thông tinh thần khởi nghiệp, tinh thần DN thì họ có đủ ý chí để vượt qua sóng gió, góp phần vào sự cường thịnh của địa phương, của quốc gia.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nhân Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam: "Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO