Doanh nhân Trần Công Cảnh: Càng già, càng đau đáu chuyện quê hương...

XUÂN HIỀN 01/09/2021 07:34

Người ta có thể đi xa khỏi quê hương, nhưng không ai lấy được quê hương ra khỏi tim người. Với ông Trần Công Cảnh là y như vậy. Ông nói hình như tâm lý của con người, càng có tuổi lại càng nhớ nghĩ chuyện xưa. Vì cứ trăn trở như vậy, nên nhìn bà con mình khổ, thì chịu không được. 

“Nhiều đêm không ngủ được vì thương bà con mình quá! Mình có chén cơm, sớt cho bà con nửa chén, cũng đã là gì đâu!” - ông mở đầu cuộc trò chuyện với bao nhiêu là thanh âm xung quanh. Tôi nghe rõ phía bên ông hồ như lúc nào cũng tất bật. Đó là những bận rộn không tên của người đi làm chuyện “bao đồng”.

Doanh nhân Trần Công Cảnh - người được nhiều bà con miền Nam xem như vị hộ pháp, bởi ông lo tròn vo cho người xa quê. Điều thiêng liêng mà ông gọi là nghĩa quê nhà, tình đồng hương!

Vợ chồng ông Trần Công Cảnh. Ảnh: NVCC
Vợ chồng ông Trần Công Cảnh. Ảnh: NVCC

Một chuyến không đủ,  ừ thì hai chuyến...

- “Chú Cảnh ơi, giờ chục thùng mì này chở vào ngả nào?”.

- “Chú Cảnh ơi, bà con mình còn ở Tân Bình nhiều lắm, chú hỗ trợ giùm cho dân mình đoạn nớ!”.

Những câu chuyện không đầu không cuối, nhưng bận nào liên lạc, tôi cũng nghe được những yêu cầu như vậy. Ông Cảnh nói, đó là điều bình thường. Nhận lãnh vai trò hỗ trợ và kết nối người Quảng xa quê của phía Nam này, thì cũng đồng nghĩa phải chung chiêng với cuộc sống của bà con lúc khó nghèo vây ráp.

“Mình mới mua được một nghìn thùng mì để gởi cho bà con ở mấy chỗ phong tỏa. Chị giám đốc Công ty mì Tân Bình nghe vậy cũng tặng thêm cho mình 200 thùng nữa. Có thực phẩm rồi thì còn chạy quáng gà để xin cho anh em lái xe mấy cái thông hành thì mới được vận chuyển” - ông Cảnh nói.

Câu chuyện hỗ trợ cho bà con bây giờ không chỉ đơn thuần là tiền bạc vật chất nữa, mà còn ti tỉ những thứ liên quan trong hoàn cảnh ngặt nghèo của dịch giã. 

Ông Trần Công Cảnh sinh ra ở xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Năm 1958, ông theo gia đình vào Bình Phước sinh sống.

Ông tốt nghiệp cử nhân báo chí Viện Đại học Vạn Hạnh (năm 1974), sau đó lấy bằng cử nhân hóa hữu cơ Trường Đại học Khoa học (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), từng giữ một vài vị trí quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, rồi chuyển sang kinh doanh vàng bạc đá quý thuộc Công ty SJC TP.Hồ Chí Minh.

Hiện ông là chủ nhân của rừng cao su khoảng 200ha và quản lý hơn 100 công nhân, là Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước và bây giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại các tỉnh phía Nam...

Trưa 31.7, nhiều người dân Quảng Nam từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương... lần đầu tiên được đi máy bay.

Anh Nguyễn Văn Khánh (Tam Phú, TP.Tam Kỳ) có vợ và một người con 5 tuổi nói, cảm ơn chú Cảnh và Hội đồng hương Quảng Nam ở miền Nam đã hỗ trợ gia đình về quê an toàn.

“Lập nghiệp 8 năm nay ở Sài Gòn, mình lái xe, vợ làm nghề tóc. Hai vợ chồng thuê nhà trọ ở Thủ Đức sinh sống. Dịch bùng phát, mình thất nghiệp gần 2 tháng, còn vợ đã hơn 3 tháng. Nguồn thu nhập không có, số tiền tiết kiệm cạn dần từng ngày nên gia đình muốn về quê” - anh Nguyễn Văn Khánh nói. 

TP.Hồ Chí Minh liên tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, không có phương tiện về nên gia đình tưởng sẽ mắc kẹt lại. Anh Khánh cùng với gần 400 người thuộc diện là phụ nữ có thai, người già yếu, khuyết tật, ốm đau, trẻ em dưới 12 tuổi nằm trong kế hoạch của Quảng Nam đón bằng máy bay. Người dân đăng ký qua Hội đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh và được thông báo thời gian chuyến bay nhưng tự mua vé.

“Giai đoạn này vợ chồng gặp khó khăn, nếu mua vé gần 3 triệu đồng là số tiền lớn, còn đi xe ô tô thì con đang còn nhỏ. Nhưng may mắn được chú Cảnh hỗ trợ toàn bộ chi phí” - Khánh chia sẻ.

“Hôm ấy Mai Phúc (Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh - PV) có gọi cho mình. Ổng nói nhiều người khổ quá anh ơi, ngồi xe 2 ngày về tới quê sợ không thấu. Rồi tiền vé cũng cao quá, dân được xét về bằng máy bay đợt này sợ không có tiền mua. Mình nghĩ thương quá nên nói sẽ hỗ trợ bà con 1 chuyến bay với 186 người.

Nhưng rồi anh em báo bà con nhiều lắm chú ơi, chú ráng lên 2 chuyến giúp. Đợt đó phải nói rằng số đồng hương gặp khó khăn ốm đau, tàn tật già yếu nhiều. Minh xót. Thấy người quê mình đi ra gặp khó khăn như vậy thì cầm lòng không đậu. Thôi cố gắng hỗ trợ bà con 2 chuyến bay” - ông Cảnh nói. 

Hai chuyến bay nghe nhẹ thênh vậy thôi nhưng trong thời buổi các doanh nghiệp gồng gánh để lo cho nhân viên suốt gần cả năm trời thất nghiệp, số tiền bỏ ra không phải nhỏ. Nhưng hồ như ông không nghĩ đến chuyện rồi mình sẽ khó khăn thế nào với những ngày sau.

“Tôi có báo với anh em thôi đừng đưa tên tôi ra, nhưng không hiểu sao rồi người dân cũng biết. Họ về đến nhà được địa phương tiếp đón, mình nghe rất vui” - ông Cảnh chia sẻ thêm. Đợt ấy, nhiều bà con Quảng Nam lần đầu tiên được đi máy bay...

Chằng chịt cội rễ quê nhà

Xa quê từ những ngày rất nhỏ, năm nay ông 76 tuổi, thì tròm trèm 60 năm ông không sống tại quê nhà xứ Quảng. Nhưng lạ lùng, chất giọng của người đàn ông này vẫn mang hơi hướm của một người Quảng sống ở bãi biền sông Thu.

“Em ra không, mai anh về đất Quảng/Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao/Thèm chi mô một chén rượu hồng đào/Dẫu chưa uống - chỉ say từ câu hát” - ông ngẫu hứng ngân nga một đoạn thơ về xứ Quảng mình.

Ông nói đời người lạ lùng, đi bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ mùi mắm cái cá cơm trong cái hũ sành của mẹ, rồi miếng bê thui quê mình nó ra răng, tô mỳ của vùng Gò Nổi nó cũng khác với chỗ thị trấn Vĩnh Điện.

Bao nhiêu ký ức ấu thơ tuôn ra, như thể cứ đụng phải người giọng Quảng là chạm ngay vào chỗ muốn được thổ lộ, cứ vậy miết mải những câu chuyện không tên, không đầu không cuối của một người già xa quê. 

Những chuyến đi - về Quảng Nam của ông Cảnh nhiều năm trước khá lặng lẽ. Ông nói cũng chỉ nghĩ là con ong góp mật cho đời thôi, mình may mắn khi nhiều năm về sau này nguồn thu cao hơn nhiều người khác, nên chia sẻ là điều phải làm.

“Ngày trước tôi có lúc thiếu ăn, thiếu mặc nên thấu hiểu nỗi khổ cực của người ly hương, thấm thía khốn khó của kẻ rơi vào đận cơ hàn. Tôi nghĩ làm được gì cho quê hương thì làm”, ông Cảnh chia sẻ.

Ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, doanh nhân Trần Công Cảnh từ tấm lòng của người con đất Quảng đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác thiện nguyện, vì cộng đồng của Quảng Nam.

“Không chỉ là bỏ tiền túi ra thuê máy bay cho bà con về lần này mà trước đó đã nhiều lần ông Cảnh về quê hỗ trợ, giúp đỡ người dân Quảng Nam” - ông Võ Xuân Ca nói.

Và không chỉ chân thành với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn; nơi nuôi nấng mình trưởng thành cũng gọi là quê hương, thì không thể phụ. Tại Bình Phước, cái tên Trần Công Cảnh được cộng đồng nhắc đến như một ông giáo già hết lòng vì trẻ con các vùng khó khăn.

Ông bỏ tiền xây dựng một trường Tiểu học lấy tên Trần Cao Vân - vị chí sĩ của Quảng Nam, cũng chính là người trong tộc của ông, dựng ngay tại một huyện miền núi của Bình Phước.

Hằng năm, ông hỗ trợ kinh phí để trẻ em ở đây được đến trường... Xuất thân từ nhà giáo, nên câu chuyện vì cộng đồng của ông cũng mang ý nghĩa của một người khai sáng. Ông muốn trẻ em được đi học, tâm huyết lớn nhất là được nhìn thấy thế hệ con cháu mai sau học hành tử tế, góp sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương.

Bây giờ, dịch giã đẩy nhiều cảnh đời khốn khó gấp bội. Ông Cảnh nói mình có chén cơm ăn bây giờ, thì sớt lại cho bà con nửa chén. “Nhiều đêm tôi ngủ không được vì thương bà con mình quá!” - ông nói. Nên dầu đã 76 tuổi, gia sản tiền tài ông mang từng thứ đi làm từ thiện.

“Bà con đồng hương mình tạm ổn rồi thì tôi lại nghĩ đến những người dân ở Sài Gòn bây giờ. Họ khổ quá!” - ông Cảnh nói thêm. Và cứ vậy, thông qua nhiều hội đoàn thể ở TP.Hồ Chí Minh, ông Cảnh lặng lẽ góp sức để hỗ trợ người dân. 

Ông Cảnh nói mình chỉ mong được về được quê nhà thêm nhiều lần hơn nữa. Bởi càng già, ký ức ấu thơ càng trở đi trở lại, càng đau đáu chuyện quê hương...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nhân Trần Công Cảnh: Càng già, càng đau đáu chuyện quê hương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO