Thế giới

Doanh thu giao dịch các bon toàn cầu tăng mạnh

QUỐC HƯNG 11/04/2024 16:17

(QNO) - Theo các chuyên gia, phát triển thị trường các bon - mua bán tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính hay tín chỉ các bon sẽ là chìa khóa góp phần cho chuyển đổi xanh thành công.

reuters.jpg
Nhà máy tại cảng Dunkerque, Pháp. Ảnh: Reuters

Ngày 10/4, báo cáo của Hiệp hội Hợp tác hành động các bon quốc tế (ICAP) cho biết, doanh thu toàn cầu từ việc bán giấy phép các bon trong các hệ thống giao dịch khí thải (ETS) tăng lên mức kỷ lục 74 tỷ USD vào năm ngoái khi các chính phủ ngày càng chuyển sang các chương trình như vậy để giúp giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này tăng từ mức 64 tỷ USD của năm 2022.

Hiện tại, 36 hệ thống ETS đang được triển khai trên toàn cầu, so với 28 hệ thống năm ngoái và 22 hệ thống ETS khác đang được phát triển hoặc xem xét như tại Argentina, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Năm 2023, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các bon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ các bon rừng.

"Giao dịch khí thải là một công cụ chính sách đã được chứng minh có thể cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn và với chi phí thấp hơn so với lựa chọn khác. Sự phát triển của giao dịch khí thải từ báo cáo của ICAP là đáng khích lệ" - ông Stefano De Clara - người đứng đầu Ban thư ký ICAP nhận định.

ETS là hệ thống dựa trên việc trao đổi giấy phép cho các đơn vị phát thải, trong đó các tác nhân vượt quá giới hạn phát thải được yêu cầu mua giấy phép từ người phát thải ít hơn. Tổng lượng khí thải là cố định và các cơ chế thị trường được sử dụng để định giá chúng.

Theo ICAP, giá giấy phép các bon cao nhất được ghi nhận tại Liên minh châu Âu và nước Anh. Riêng tại châu Âu, doanh thu huy động từ ETS năm ngoái đạt tổng cộng 47,1 tỷ USD.

z5337593923633_dc40913c80649f16c8bf0b3e3c9982f0.jpg
Thị trường tín chỉ các bon thúc đẩy phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Green.earth

Đấu tháng 4/2024 này, Ủy ban châu Âu thông báo lượng khí thải CO2 được quy định theo ETS của Liên minh châu Âu giảm kỷ lục 15,5% vào năm 2023, do sản lượng điện tái tạo, chủ yếu từ gió và mặt trời tăng vọt. Đây là mức giảm phát thải hằng năm đáng kể nhất kể từ khi ETS được triển khai tại châu lục vào năm 2005.

Lượng phát thải từ ngành công nghiệp giảm khoảng 7% do sản lượng giảm và hiệu quả sử dụng năng lượng tăng.

Các chuyên gia khẳng định, thị trường các bon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh thu giao dịch các bon toàn cầu tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO