Ở tuổi 90, với 67 năm tuổi Đảng, ông Lê Tú (bí danh Lê Phương, thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) vẫn dành thời gian đọc báo Đảng, nghe đài, xem truyền hình mỗi ngày. Với ông Tú, qua đây để trau dồi kiến thức, rèn luyện sự minh mẫn lúc về già...
Ở tuổi 90, ông Lê Tú vẫn luôn dành thời gian để đọc báo Đảng. Ảnh: HÀN GIANG |
Nhớ lần gặp Bác
Nơi trang trọng nhất trong căn nhà, ông Lê Tú lập bàn thờ di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Tú khẳng định, nếu không có Bác Hồ, không có Đảng thì gia đình ông, người thân, bà con hàng xóm láng giềng sẽ suốt đời bị đè nén, chèn ép dưới ách thống trị, gông xiềng của chế độ cũ. Lập bàn thờ di ảnh Bác là để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân công lao to lớn của Người, đồng thời nhắc nhớ cháu con không bao giờ được quên, phải luôn sống xứng đáng, giữ vững bản tâm của người đảng viên cộng sản. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, trí nhớ ông Tú vẫn còn khá minh mẫn. Ông kể vanh vách từng sự kiện lịch sử gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình. Theo lời kể, tròn 18 tuổi, giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông Tú tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân năm 1945. Trong giai đoạn từ năm 1954, ông là thành viên của đoàn cán bộ vùng đông Tam Kỳ, được chỉ định làm Bí thư Chi bộ xã Tam Thăng. Nhằm đối phó với âm mưu của địch, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn xã Tam Thăng, ông Tú cùng tổ chức đảng tích cực xây dựng cơ sở quần chúng để tạo đường dây hoạt động. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, tin vào ngày mai thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Những ngày ấy, ông Tú đã chứng kiến rất nhiều cảnh bắt bớ, đàn áp, tra tấn dã man của địch đối với người dân vùng cát Tam Thăng, nhưng nhân dân vẫn một lòng kiên trung bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng.
Cuối năm 1957, ông Lê Tú được đưa ra Bắc học tập, tham gia lao động sản xuất tại một nông trường quốc doanh. Năm 1959, ông Tú về lại quê hương, nhận nhiệm vụ giao bưu phụ trách cánh nam từ Đại Lộc đến Núi Thành, móc nối với cơ sở cách mạng ở Quảng Ngãi, ở Khu ủy 5. Đến năm 1969, ông bị thương, được đưa ra miền Bắc chữa trị và học tập văn hóa. Đầu năm 1973, ông Tú được tổ chức điều động về làm cán bộ kiểm tra đảng của Khu ủy 5. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục làm cán bộ ngành kiểm tra đảng Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nghỉ hưu năm 1980. “Đến giờ trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc trong lần được gặp Bác Hồ tại hội nghị kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1.5.1958. Được nghe Bác nói chuyện, hàng nghìn đại biểu có mặt tại hội nghị vỗ tay không ngớt, ai cũng thêm vững tin vào ngày mai thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn. Sau lần gặp Bác, tôi bắt đầu quan tâm sưu tầm các câu chuyện về Người, luôn phấn đấu trong công tác, rèn luyện bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ cách mạng như lời Bác dạy” - ông Tú tâm tình.
Học Bác không khó
Thấy tuổi ông Tú đã cao, các đồng chí trong Chi bộ thôn Vĩnh Bình gợi ý ông làm đơn miễn sinh hoạt đảng theo quy định nhưng ông từ chối. Ông Tú chia sẻ, được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự rất lớn đối với ông. Còn sức khỏe, trí não còn minh mẫn thì ông còn phải rèn luyện, hoàn thành tốt nghĩa vụ của một người đảng viên. Mà để cho trí não được minh mẫn, ông chọn giải pháp đọc báo Đảng, nghe đài, xem truyền hình hàng này. Qua đó tích lũy thêm kiến thức, khi tham gia phát biểu sinh hoạt sẽ không bị anh em “chê” là lẩm cẩm. “Tôi tham gia các cuộc sinh hoạt chi bộ không ngoài mong muốn được nghe anh em đảng viên trẻ thảo luận, góp ý. Thấy được các mặt tốt, tích cực của họ thì mình phải học tập; còn vấn đề gì chưa được, còn hạn chế, khuyết điểm cũng thẳng thắn góp ý để anh em thấy, sửa chữa tiến bộ, cùng xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh” - ông Tú nói.
Ngoài đọc tờ báo Quảng Nam được tặng hàng ngày, mỗi khi có các sự kiện chính trị lớn của đất nước, nhất là khi trung ương có chủ trương, quyết sách quan trọng, ông Tú lại đến UBND xã Tam Thăng xin thêm tờ báo Nhân dân để đọc. Đọc để hiểu thêm, nắm thêm về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, khi nào thỏa mãn nhu cầu về thông tin mới thôi. Ông Tú bảo, chỉ có như vậy mình mới có nội dung, tham gia chất lượng vào các cuộc sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Ông Tú tâm sự, từng là cán bộ ngành kiểm tra đảng nên ông rất hiểu, đánh giá rất cao sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhằm làm rõ các sai phạm, khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên trong thời gian vừa qua. Các vụ việc có dấu hiệu sai phạm được kiểm tra làm rõ, kết luận chính xác, có hình thức xử lý nghiêm được báo chí thông tin khiến ông rất đồng tình, ủng hộ. Tâm đắc với nội dung, tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Tú cho biết, đến nay bản thân vẫn tập trung tìm hiểu, với mong muốn hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn 27 biểu hiện suy thoái được nghị quyết nêu ra. Có hiểu sâu sắc từng biểu hiện, người đảng viên mới tránh được, nhận diện được để góp ý, xây dựng cho đồng chí mình. “Với tôi, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không khó. Nói khó là người đó không chịu học tập và làm theo. Tôi vẫn luôn học và làm theo lời Bác Hồ dạy về cần - kiệm - liêm - chính, càng học tập, càng chiêm nghiệm càng thấm nhuần, thấy lòng mình thêm trong sáng. Các gương điển hình về học tập và làm theo gương Bác Hồ được báo chí phản ánh đều đặn khiến tôi rất xúc động” - ông Tú bày tỏ.
HÀN GIANG