(VHQN) - Người Cơ Tu có cả kho tàng văn hóa ẩm thực truyền thống với những đặc trưng độc đáo chế biến bằng nguyên liệu từ rừng.
Trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu, tất cả nguyên vật liệu đều bắt nguồn từ rừng, do vậy họ có văn hóa ứng xử rất nhân văn đối với rừng. Mỗi khi có lễ hội cần nguyên vật liệu từ động thực vật trong rừng, người Cơ Tu đều cúng xin thần rừng cho phép được hái, bắt và trước khi mang sản vật về phải lấy phần ngon nhất dâng lên các vị thần rừng ăn trước, sau đó mới được đưa về làng.
Nếu bắt được con thú to, họ đánh trống chiêng, múa tâng tung, da dá vui mừng thâu đêm, đến sáng thì xẻ thịt chia đều cho dân làng, con to thì chia theo nhân khẩu, con nhỏ thì chia theo hộ.
Nét đặc biệt nữa là, cả thai nhi trong bụng mẹ và linh hồn người trong làng qua đời chưa được sáu tháng cũng được chia phần. Đây là nét văn hóa “ăn chung” trong ẩm thực của người Cơ Tu.
Và có những nguyên tắc truyền đời người Cơ Tu luôn phải tuân thủ là không săn bắt mùa cá đẻ trứng, mùa chim làm tổ, mùa thú sinh sản; cấm chặt, phá cây có thể ăn trái, làm thuốc, cây lâu năm, quý hiếm. Ai vi phạm sẽ bị già làng phạt rất nặng.
Người Cơ Tu có các món ăn rất đặc trưng như kanooch - món súp sắn nấu với rau, zirá - canh thọc, cláp - món mối xào hoặc để chua nấu cháo ăn rất ngon và béo, chúa - thịt chua để trong ống tre, hor - các loại thịt nấu trong ống tre với tiêu rừng, có mùi thơm của tre, ăn rất ngon...
Về đồ uống của người Cơ Tu cũng rất phong phú, với các loại rượu từ cây rừng tự nhiên như tà vạt, tơr đin, mía, dứa, chuối, sắn cộng với men tự nhiên như vỏ cây chuồn, men hỗn hợp từ hơn 10 loại thảo dược quý trị bệnh dạ dày, mất ngủ, xương khớp để tạo nên hương vị rượu sắn, rồi các loại rượu từ thảo dược như ba kích tím, đảng sâm, mật ong, khúc khắc, nấm lim xanh, sâm tam thất.
Trong văn hóa ẩm thực của người Cơ Tu, những họ hàng, bạn bè thân thiết, tùy theo vùng sẽ kỵ ăn chung các con cúi lúi, kỳ đà, kỳ nhông, chim sẻ,… vì quan niệm dân gian cho rằng ăn chung các con này dễ quên, dễ xa nhau.
Ngay trong cuộc gặp hay lễ vật trao tặng giữa hai nhà thông gia của người Cơ Tu cũng thể hiện nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực truyền thống. Theo đó, ẩm thực phía nhà trai chỉ sử dụng những động vật bốn chân sống trên cạn như trâu, bò, heo, dê, sóc, chuột... và cơm gạo tẻ. Bên nhà gái chỉ dùng các loài dưới nước hay lông vũ như cá, tôm, ốc, chim, gà, vịt... và xôi nếp.
Ẩm thực của người Cơ Tu không chỉ đơn thuần là “đồ ăn, thức uống” mà cao hơn còn mang cả giá trị văn hóa của một dân tộc, nói lên tấm lòng hiếu khách, sự đoàn kết, sự giao thoa hòa quyện cùng với vạn vật, thiên nhiên núi rừng nơi cộng đồng người Cơ Tu sinh sống.