Độc đáo ẩm thực vùng cao

ĐĂNG MỸ GIANG 27/08/2023 06:33

Tại Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ 20 - năm 2023 tổ chức tại Phước Sơn mới đây, gợi lại trong từng câu chuyện về hương vị của núi, là hành trình tái hiện các giá trị ẩm thực độc đáo của địa phương đến với du khách.

Rất nhiều món ăn truyền thống độc đáo được giới thiệu trong không gian ngày hội vùng cao. Ảnh: Đ.M.G
Rất nhiều món ăn truyền thống độc đáo được giới thiệu trong không gian ngày hội vùng cao. Ảnh: Đ.M.G

“Mời anh uống cạn rượu nồng”

Trần Thị Lưu Ly, cô gái người Co ở huyện Bắc Trà My nâng ly rượu cần - đặc sản của địa phương trong ngày hội - mời khách. Những vị khách miền xuôi, có người lần đầu tiên chứng kiến không gian văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào vùng cao nên bày tỏ sự thích thú khi tham gia trải nghiệm.

Ở Bắc Trà My, ngoài cộng đồng Ca Dong, người Co được biết đến như một trong các dân tộc thiểu số có nền văn hóa độc đáo còn được lưu giữ, đặc biệt là nghi lễ dựng cây nêu và bộ gu đã được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.

“Đây là cá niên, loài cá được người dân địa phương bắt về từ các sông suối trong rừng sâu. Thịt cá niên có vị ngọt, ruột hơi đắng, thường được nướng nguyên con để làm món ăn đãi khách quý” - Lưu Ly chia sẻ.

Những vị khách chừng như mải mê theo lời giới thiệu của các cô gái Co khi đặt chân đến không gian ẩm thực độc đáo và thú vị này. Phía bên đối diện, những cô gái Cơ Tu của huyện Tây Giang cũng miệt mài hoàn thiện các công đoạn chế biến ẩm thực để đón khách.

Chị Palăng Thị Bình Minh (xã Lăng, Tây Giang) cho biết, các món ăn được trưng bày tại ngày hội đều mang phong vị của núi, từ cơm lam, bánh sừng trâu, cá suối cho đến măng rừng nhồi thịt - một món ăn được “cải biên” trong cộng đồng những năm gần đây. Gom góp nguyên liệu tận các bản làng xa xôi nhất phục vụ ngày hội, Bình Minh nói, tất cả được làm nên bởi công sức và tình yêu của các nghệ nhân với văn hóa cộng đồng.

Cũng theo chị Bình Minh, trong ngày hội năm nay, lần đầu tiên Tây Giang mang đến đặc sản aviết, một loại rượu dành riêng cho phụ nữ, được cất công chế biến, ủ lên men tự nhiên từ nước mía trồng trên rẫy. Aviết có vị ngọt, mùi thơm nồng, thường được đồng bào Cơ Tu làm nước giải khát.

“Bên kia là tr’đin, loại rượu được lấy từ thân cây đoác. Ngày hội, ngồi bên nhau thưởng thức chén rượu tr’đin trong không gian ẩm thực như thế này rất thú vị” - chị Bình Minh nói, rồi mời khách những chén rượu đầy. Trong hương men được làm nên từ vỏ cây chuồn, vị ngọt của tr’đin khiến nhiều người mê đắm.

Gửi tình yêu trong từng món ăn

Chúng tôi không thể ngồi im trước các khu trưng bày ẩm thực của đồng bào miền núi. Sống dậy trong cảm thức là hương vị đặc trưng của đại ngàn, gợi lên sự tò mò khó cưỡng. Zơrâm Thị Ngân, cô gái Tà Riềng của đơn vị Nam Giang cầm trên tay một chén muối rang ray, thông tin với khách. Ngân nói, rang ray là một loại gia vị của rừng, thường được đồng bào vùng cao sử dụng để tăng thêm mùi hương cho ẩm thực truyền thống.

“Để cảm nhận rõ hơn, quý vị có thể chấm thịt heo đen nướng này với muối ớt rang ray. Vị ngọt của thịt, kèm mùi thơm của rang ray tạo cảm giác vừa bùi, vừa có cảm giác the ở đầu lưỡi. Thưởng thức một lần rồi, đảm bảo sẽ nhớ mãi không thôi” - Zơrâm Thị Ngân giới thiệu, trước sự tò mò của du khách.

Trên mâm ẩm thực của mình, đơn vị Nam Giang còn khéo léo chế biến và mang đến giới thiệu một món ăn đặc sản khác được làm ra từ… kiến chua. Đây được xem là sự khác biệt, tạo sự đa dạng và phong phú trong văn hóa ẩm thực của cộng đồng người dân địa phương. Ngoài ra, các món gà đồi nướng quệt mật ong, ếch đá nấu đông, zará (thịt thọc nhuyễn)… được giới thiệu, giúp du khách hứng thú trải nghiệm.

Chúng tôi đi các gian hàng ẩm thực, nơi nào cũng thấy sắc màu truyền thống được “lồng ghép” trong cách giới thiệu của địa phương miền núi. Nói như Đinh Thị Thìn, một hướng dẫn viên du lịch ở Đông Giang, đó là kiểu quảng bá tạo điểm thu hút du lịch bằng sản phẩm độc đáo của cộng đồng.

“Ở không gian này, tất cả món ăn đều được chế biến một cách dân dã nhất. Nhiều vật dụng dùng để đựng thức ăn, đồ uống cũng được làm ra từ tre nứa, mây rừng giúp du khách cảm thấy gần gũi hơn với môi trường tự nhiên. Đây cũng là điều kiện tốt để chúng tôi phát triển du lịch xanh trong tương lai gần” - chị Thìn nói.

Ẩm thực truyền thống, với người vùng cao là giá trị văn hóa độc đáo và lâu đời. Vì thế, trong từng món ăn, cộng đồng như gửi gắm tình yêu thương với người thưởng thức…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Độc đáo ẩm thực vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO