Tọa lạc tại số 27 đường Lê Lợi, TP.Hội An, đình làng Hội là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo hiếm gặp ở Quảng Nam. Thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng tại đây rất đa dạng, mang đầy đủ yếu tố cơ bản của một ngôi đình làng Việt, vừa thể hiện sự giao lưu hội tụ văn hóa trên nguồn dưới biển và hoạt động giao thương bằng đường sông nước của cư dân cảng thị Hội An xưa.
Làng và đình làng Hội An
Cuối thế kỷ 15 trở đi, những đợt di dân từ vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào Nam để khai phá vùng đất mới ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa năm 1558.
Các làng Việt cũng vì thế mà hình thành thêm nhiều, trong đó có làng Hội An. Có lẽ danh xưng làng/xã Hội An được nhắc đến sớm nhất trong bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật khắc lập năm Canh Thìn - 1640 ở động Hoa Nghiêm trong Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).
Sự hình thành, phát triển của làng/xã Hội An gắn với quá trình định cư, khai khẩn, khai cơ lập nghiệp của nhiều tộc họ gồm Nguyễn, Phan, Trần, Lê... Do không có đất ruộng, vả lại nằm ở thương cảng nên cư dân làng Hội An chủ yếu chuyên nghề thương mãi và thủ công.
Nhờ có điều kiện kinh tế nên bên cạnh việc xây dựng các công trình tín ngưỡng thờ tự riêng của mỗi tộc họ, cư dân làng còn dựng nên 2 thiết chế tín ngưỡng chung của làng là nhà thờ tiền hiền (Hội An tiên từ) và đình thờ thần (đình làng Hội) với quy mô bề thế vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay.
Đình làng Hội - đình làng Hội An, tên gọi khác trong dân gian là đình Ông Voi, kiến lập vào thời Lê, được tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Văn bia tu bổ ngôi đình vào năm 1942 cho biết: “Đình làng ta xây dựng vào khoảng niên đại Lê triều, được trùng tu năm Mậu Dần - Gia Long thứ 17 (1818), đến mùa xuân năm Đinh Mùi - Thành Thái thứ 19 (1907), vì nằm sát đường nên bèn di dời (dịch chuyển về bên trái - NV).
Đến tháng hai năm Bảo Đại thứ 17 (1942), phục dựng tu tạo lại, cùng xây dựng tiền đường 3 tháng là hoàn thành, để không quên được các đời đã qua, cũng như để hương hỏa ngàn năm, cầu phúc nơi thần linh, vì an lành mà các hương lý, cùng các quý chức có lòng thành phụng cúng công đức, xin được liệt kê phương danh…”. Về sau, đình còn được tu bổ vào các năm 1953, 1996, 2007.
Độc đáo kiến trúc thờ tự, tín ngưỡng
Giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật của đình làng Hội so với các đình làng khác ở Quảng Nam không chỉ thể hiện ở góc độ quy mô kiến trúc mà còn ở mặt kết cấu, vật liệu xây dựng và trang trí.
Khuôn viên ngôi đình có diện tích 1321,3m2. Mặt bằng tổng thể gồm cổng, trụ biểu và tường rào, sân rộng phía trước có cặp tượng voi, tiền đường, sân giữa lát đá, nhà đông nhà tây, chính điện và hậu tẩm. Ngoài ra còn có miếu thờ phía đông sân trước, nhà trù và giếng nước xây bằng gạch rất đẹp. Bố cục ngôi đình đăng đối, kết cấu hài hòa với kiến trúc cao dần từ tiền đường đến hậu tẩm, từ nhà đông, nhà tây vào bên trong.
Hậu tẩm cao 2 tầng tạo thành điểm nhấn đặc trưng về kiến trúc riêng có của đình làng Hội. Bậc thang lên tầng 2 bố trí vòng quanh gian thờ tự ở tầng 1 được chiếu sáng bởi những ô gió cách điệu hình bông hoa rất ấn tượng. Hệ khung chịu lực được làm kết hợp giữa vật liệu gỗ, đá, gạch và vôi vữa. Hệ thống cột ở mặt tiền chính điện, nhà đông nhà tây làm bằng đá nguyên khối được khắc chạm các cặp câu đối Hán Nôm.
Hệ vì kèo kết hợp trính chồng trụ đội và kẻ suốt để đỡ đòn tay gỗ và mái ngói âm dương. Giá trị mỹ thuật của ngôi đình ấn tượng bởi các chi tiết trang trí trên gỗ, đặc biệt là trụ đội nhà đông nhà tây và bẩy hiên, bông trính mặt tiền chính điện.
Các bông trính được chạm trổ tỉ mỉ, sắc nét đề tài hoa sen, rồng dây với hình khối chia thành 3 tầng. Những hoành phi, liễn đối sơn son thiếp vàng càng góp phần tăng tính thẩm mỹ và tôn nghiêm của ngôi đình.
Trong tư liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam (Quảng Nam xã chí) do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện đầu thập niên 40 thế kỷ 20 mô tả chi tiết về kiến trúc và thờ tự tại đình làng Hội như sau:
“Đình theo kiểu xưa…, trên lầu trong hết thờ bà Đại Càn, xuống dưới là hậu tẩm (khóm để sắc thần). Trên nóc lầu có tô hai con rồng chầu mặt trời. Đến đình để hương án. Đến sân đình lót đá dùng làm rạp khi cúng tế. Bên góc sân có bốn cái đôn đá. Bên tay mặt là nhà tây và bên tay trái là nhà đông.
Trước sân là nhà tiền đường dùng làm nhà hội hương luôn thể. Nền đình tô xi măng hết thảy. Sau nhà đông là nhà bếp, cạnh bên có cái giếng. Trước mặt nhà tiền đường có thờ một đôi voi đá bành bằng xi măng. Trước nhà đông có một cái miếu chia ra ba gian.
Gian giữa thờ vị Thành Hoàng, gian trong thờ Ba Bà, gian ngoài thờ các vị Ngũ Hành. Trước miếu xây có hai con kỳ lân đá. Trong cửa đình độ 3 thước tây có hai trụ cờ. Xung quanh đình có thành vôi bao bọc…
Tại đình làng có thờ một cặp độc bình rất xưa, bề cao độ 0,6m. Một cái vẽ chữ thọ, một cái vẽ sơn thủy; 4 bộ đồ ngũ sự bằng đồng (lư tròn), 1 bộ đồ tam sự bằng đồng (lư vuông), bề cao độ 0,5m. Và một con voi bằng đồng cân nặng độ 1kg; 1 cái hương án chạm 1 mặt, bề cao độ 1,2m, bề dài độ 1,4m, và bề dày độ 0,6m”.
Những mô tả trên cùng với thực tế thờ tự hiện nay cho thấy các vị thần được thờ tự ở đình làng Hội rất đa dạng và có những đặc trưng so với các đình làng khác ở Quảng Nam. Qua đây thể hiện sự phong phú trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng/xã Hội An và mối quan hệ giao lưu văn hóa trong khu vực.
Ngoài vị chủ thần là Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương được thờ ở tầng 2 hậu tẩm, tại đình và miếu thờ trong khuôn viên đình còn thờ các vị thần gồm: Thổ địa Phước Đức chính thần, Chí đức Thành Hoàng tôn thần, Hộ quốc Tí dân Lợi vật Thái giám Bạch mã thần, Ngũ Hành tiên nương, Bạch Thố Kim tinh thần nữ, Mỹ Đức Thu Bồn nguyên Bô Bô trung đẳng thần, Trai Thục Phiếm Ái Phu nhân trung đẳng thần.
Những vị thần trên đều được triều Nguyễn sắc phong, gia tặng nhiều danh hiệu, mỹ tự. Hiện nay còn lưu giữ được 16 tấm sắc phong bằng giấy sắc chỉ. Lễ tế tại đình được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 (tế xuân) và mùng 10 tháng 8 (tế thu). Trước năm 1943, sinh vật chính để tế lễ là heo, khi tế có gia lễ và lễ nhạc, có hát bội.
Sự hình thành và tồn tại của đình làng Hội không chỉ phản ánh bề dày lịch sử - văn hóa của làng Hội An mà còn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của làng/xã Hội An tại thương cảng Hội An xưa. Đình làng Hội sẽ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn tại phố cổ Hội An sau lễ khánh thành tu bổ và đón nhận bằng xếp hạng dự kiến vào đầu tháng 12.2021.