Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với danh lam thắng cảnh mà còn đặc sắc với những lễ hội truyền thống. Năm nay một số lễ hội đầu năm dừng tổ chức, nhưng tìm hiểu về lễ hội truyền thống của người Quảng vẫn mang lại cảm giác thú vị cho du khách. Quảng Nam Cuối tuần điểm qua một vài lễ hội mùa xuân:
- Lễ cầu Bông tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng tại làng Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An là lễ hội đặc sắc xuất phát từ nền nông nghiệp của người dân, mùa xuân làm lễ để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối phát triển tốt tươi, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Lễ vật của lễ Cầu Bông có mâm xôi hồng tượng trưng cho tinh thần gắn kết của người dân, sự may mắn, mùa màng bội thu. Kết thúc phần Lễ là nghi thức hạ nêu và diễn ra các cuộc thi vui nhộn mang ý nghĩa thuần nông, ca ngợi công việc đồng áng.
- Lễ hội làng gốm Thanh Hà diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng và 10 tháng 7 âm lịch hằng năm, tại miếu Nam Diêu, Thanh Hà, Hội An để cúng tổ nghề đã có công tạo nên nghề làm gốm.
Lễ hội làng gốm phản ánh nét văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư với các hoạt động sôi nổi và mang nhiều nét dân gian độc đáo.
- Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức vào ngày 12.2 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết Bà Thu Bồn, là dịp để cư dân ven sông Thu Bồn bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sự che chở của Bà Thu Bồn đối với dân làng.
Phần nghi lễ của lễ hội Bà Thu Bồn gồm có lễ rước nước thiêng trên sông Thu Bồn, rước “Ngũ hành tiên nương” (5 vị nữ tướng dưới quyền, theo hầu Bà Thu Bồn trong cuộc chinh chiến) về lăng Bà để cúng tế, lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa…
- Lễ hội Rước cộ Bà Chợ Được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng hằng năm. Người dân xã Bình Triều cũng như các xã vùng Đông huyện Thăng Bình tổ chức lễ hội Rước cộ Bà Chợ Được tại làng Phước Ấm (xã Bình Triều). Đây là lễ hội dân gian ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân các xã vùng Đông huyện Thăng Bình nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung.
Lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng biển Quảng Nam, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và những mong ước về cuộc sống an lành, no đủ. Phần chính của lễ hội là rước cộ Bà Chợ Được từ lăng Bà Chợ Được (thôn Phước Ấm, xã Bình Triều) đến đến chùa Phước Ấm, lên ngã tư Chợ Được.
- Lễ hội cầu ngư còn gọi là lễ tế cá Voi, đây là lễ hội truyền thống của ngư dân Quảng Nam vào mùa xuân, tại lăng cá Ông để cầu mong sóng yên biển lặng, thuyền ra khơi bình an.
Vào những ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng đầy đủ vật phẩm, đặc biệt là trên các tàu thuyền của ngư dân đều giăng đèn kết hoa rực rỡ. Sau phần lễ tế có hoạt động hát bội, hát hò khoan.
- Giỗ tổ nghề yến nhằm tưởng nhớ tới những người đã khai sinh nghề khai thác yến và cảm tạ trời đất đã mang đến nguồn tài nguyên này cho xứ Quảng. Lễ hội thường diễn ra vào ngày 9 - 10 tháng 3 âm lịch, tại xã Tân Hiệp - Cù Lao Chàm (Hội An), với nhiều hoạt động như: tế tổ nghề, thi đua ghe, kéo co, hội bài chòi, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, chợ ẩm thực…