(QNO) – Sáng nay 29/7 (nhằm ngày 24/6 năm Giáp Thìn), đông đảo người dân và du khách đã đến viếng hương, khấn nguyện Quan Thánh Đế Quân tại di tích Quan Công miếu (số 24 đường Trần Phú, TP.Hội An).
Điểm nhấn sự kiện năm nay là lễ diễu hành của 150 người đến từ Hội quán Phước Lộc Thiên, Đội lân sư rồng Tứ Câu (Đà Nẵng). Điểm đặc biệt là sự có mặt các đoàn lân sư rồng quốc tế đến từ Học viện lân sư rồng Vũ Văn (Singapore), Hiệp hội thể thao lân sư rồng Vũ Anh (Malaysia), Hiệp hội thể thao lân sư rồng Jianghachari (Thái Lan), Đoàn lân sư rồng Xuân (Singapore) và Học viện múa lân võ thuật Quảng Nam – Singapore.
Bắt đầu 8 giờ sáng, đoàn diễu hành đi qua các điểm, tuyến đường phố cổ gồm Bảo tàng Hội An – đường Lê Lợi – ngã tư Lê Lợi – Trần Phú - đường Trần Phú - Chùa Cầu - đường Bạch Đằng - ngã ba đường Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Quan Công miếu.
Quan Thánh Đế Quân hay còn gọi là Quan Vũ, Quan Công, tự là Vân Trường, hiệu là Hán Thọ Đình Hầu, ông là một danh tướng có thật thời Tam quốc phân tranh (Trung Quốc), sống vào cuối thế kỷ II và qua đời vào năm 220. Ông có nhiều công lao, nổi tiếng bởi lòng trung nghĩa tiết liệt và đức độ.
Tương truyền, sau khi mất, ông hiển thánh, cứu đời nên được sắc phong "Tam giới phục ma đại đế thần Uy viễn chấn thiên tôn Quan Thánh Đế Quân" và được lập miếu thờ ở nhiều nơi.
Tại Việt Nam, qua các triều vua, đặc biệt vào đầu thời Nguyễn đã cho dựng miếu thờ Quan Thánh ở 23 tỉnh thành, ban sắc phong thờ cúng với thần hiệu cao nhất là "Quan Thánh Đế Quân phi quốc ti dân hiến hữu công đức - Dục Bảo trung hưng Đại vương tôn thần".
[VIDEO] - Lễ vía Quan Thánh
Hội An từng là đô thị, thương cảng, thường xuyên diễn ra hoạt động buôn bán giữa các thương nhân. Để làm tin trong giao dịch nợ nần, vay mượn những người làm nghề buôn cần có nơi thề nguyền, cam kết. Tương truyền, trong lịch sử, tại Hội An đã có những giao dịch mua chịu, bán chịu cả thuyền hàng lớn.
Quan Thánh Đế Quân ở Hội An được nhân dân sùng bái là bậc thánh khôngnhững chứng tri chữ Tín trong làm ăn quan hệ thương mại mà còn trừng phạt kẻ vi phạm điều ước nguyện với nhau. Vì thế, Quan Công miếu ở Hội An vừa có ý nghĩa là “tòa án kinh tế”, nơi thực hiện luật cân bằng xã hội vừa là nơi độ trì hộ mạng, hộ sinh kế cho mọi người. Do đó, việc thờ Quan Thánh có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian Hội An.
Quan Thánh cũng được thờ tại nhiều chùa, đình, miếu ở Hội An. Vào những dịp Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Lễ vía Quan Thánh... đông đảo người dân đến dâng lễ, tạo nên nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc trưng, góp phần quan trọng để lễ Tết Nguyên tiêu ở Hội An được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.
Ông Quản Văn Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Văn hóa Hội An khẳng định, hình tượng Quan Công đã được Hội An hóa, trở thành tín ngưỡng hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng. Đây là một lễ lệ cổ truyền thể hiện rõ quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa tại thương cảng Hội An qua các giai đoạn lịch sử. Lễ lệ này gắn với tầng lớp thương nhân, thị dân cũng như hoạt động kinh tế thương nghiệp ở Hội An trong các thế kỷ trước và được duy trì cho đến nay. Vào mỗi dịp lễ vía dù được tổ chức lớn hay nhỏ, đông đảo người dân, nhất là những người kinh doanh buôn bán ở Hội An và các vùng lân cận đều về tham dự.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, hiện nay TP.Hội An đã gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, do đó việc tổ chức Lễ vía Quan Thánh Đế Quân hàng năm ngoài thể hiện sự tiếp biến văn hóa, vận dụng sáng tạo trong đời sống của người Hội An, đồng thời minh chứng rõ tính giao thương quốc tế, các giá trị văn hóa mở của vùng đất Hội An xưa và nay.
Đặc biệt, với việc tham gia của các hiệp hội lân sư rồng quốc tế tại sự kiện năm nay một lần nữa khẳng định Lễ vía Quan Công của cộng đồng cư dân Hội An đã được nâng tầm quy mô, thúc đẩy mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, góp phần quảng bá nét đẹp lễ hội truyền thống nói riêng, di sản văn hóa Hội An nói chung đến với du khách trong và ngoài nước.