(QNO) - Làm tháp bông tỏi cho bàn thờ ông Địa - Thần Tài mà chị Nguyễn Thị Giúp (thôn Thuận Kỳ, xã Duy Hải, Duy Xuyên) đã gắn bó 8 năm mỗi dịp 2 tháng cuối năm âm lịch về.
Đang tất bật chọn và tách từng tép tỏi lành, đẹp để kịp làm tháp bông tỏi giao cho khách hàng dịp cuối năm, chị Giúp chia sẻ, đây là công đoạn quan trọng nhất để tỏi được giữ lâu và không bị hư trong quá trình thờ cúng ông Địa, ông Thần Tài.
“Hiện nay khách hàng chủ yếu chuộng loại tháp bông tỏi 3 đến 5 tầng, mỗi tầng tôi phải chọn tỏi bằng nhau để không bị nghiêng tháp khi dán thành phẩm. Tỏi tách từng tép phải giữ nguyên lớp vỏ thì tỏi sau một năm cũng còn nguyên hình thù đẹp mắt” - chị Giúp lý giải.
Củ tỏi đúng dạng phải to tròn từng tép một, có vỏ dày đủ khô. Tỏi mà sắp lên mầm non thì được khách thích hơn, nó mang ý nghĩa khi để ở bàn thờ là sự đâm chồi mang về tài lộc đầu năm cho gia chủ. Khách thường mua dịp cuối năm để khoảng Mùng 10 âm lịch là ngày vía Thần Tài thì lộc chồi này vươn lên là hợp lý nhất.
Chị Giúp chia sẻ: “Phải lên khu phố chợ Nam Phước để mua được tỏi vừa ý nhất, đế dưới tháp tỏi thì bằng nhựa, giống như chiếc dĩa đặt trái cây trên bàn thờ, được đặt hàng từ Chợ Cồn (Đà Nẵng) về. Khung cố định tháp và hình thù tạo thành tháp thì làm bằng bìa giấy carton từ những thùng hàng ở nhà tôi tận dụng”.
Đến với nghề này, chị Giúp cũng tình cờ từ khi tự tay làm tháp bông tỏi để vía bàn thờ ông Địa, Thần Tài nhà mình. “Năm đó là 2012, bà con qua quán tạp hoá của tôi mua đồ đều khen tháp tỏi tôi để ở bàn thờ đó, nhiều người hỏi mua nên từ đó tôi đã làm và chưng phía trước tạp hoá cứ mỗi dịp 2 tháng cuối năm hằng năm” – chị Giang chia sẻ.
Nay thì tay nghề làm tháp tỏi của chị Giúp đã “chín” nên khách hàng khắp huyện Duy Xuyên và cả trong tỉnh đều đặt mua với số lượng lớn để bỏ sỉ, đa số họ là những quán tạp hoá hoặc những quầy bán ở các chợ, đến thời điểm cận tết năm nay đã có hơn 300 đơn hàng. Giá lẻ của mỗi tháp tỏi là khoảng 60 - 100 nghìn đồng, tuỳ kích cỡ và chiều cao bao nhiêu tầng tỏi.
Chị Giúp cho biết, trước đây, chị thấy bàn thờ khi vừa tạ tiền vàng và tháp tỏi thì chật lắm, không còn để được gì. Chính vì vậy chị đã kết hợp chạy thỏi vàng từ trên xuống hoặc phía trên lớp tỏi của từng tầng, chính sản phẩm này đã được nhiều khách ưa chuộng hơn.
"Dùng keo non để kết tỏi lại với nhau và để tỏi gắn chặt vào khung bìa giấy carton hình tháp, thỏi vàng sau đó sẽ chạy dọc xuống dưới tầng 1 của tháp, trên đỉnh thì có thỏi vàng to hơn và có treo thêm câu chúc như Tấn tài tấn lộc; Mua may bán đắt... Từng vòng phía dưới của các tầng tỏi sẽ chạy dây kim tuyến để tăng độ bắt mắt" - chị Giúp cho hay.
Hai năm trở lại đây, chị Giúp cũng đã chế tác thêm tháp bánh để khách hàng có thể vía cả bàn thờ ông Địa, Thần Tài và bàn thờ ngũ tự, gia tiên. Trước đó, tháp bánh thì đúng là làm bằng bánh in tròn nhưng chỉ để được 1 vài tháng sẽ bị kiến ăn, không được lâu. Nên chị Giúp đã thay bánh bằng thạch rau câu Long Hải để có thể chưng được lâu hơn. Bên ngoài của tháp bánh có lớp phủ kính bằng ni lông trong suốt, phía trong thì được chạy dây điện nhấp nháy quanh tháp giúp bàn thờ sáng hơn và ấm cúng hơn.
Chị Giúp chia sẻ thêm: ""Theo quan niệm dân gian, tỏi bày cúng bàn thờ ông Địa, Thần Tài sẽ giúp công việc kinh doanh của gia chủ luôn thuận lợi, gặp nhiều may mắn và thu được nhiều lợi lộc... Cạnh đó, khi bày trí cần chú ý đến việc vệ sinh bàn thờ và tuyệt đối không được sử dụng khăn ướt để vệ sinh".