Từ mo cau - thứ tưởng chừng bỏ đi, qua bàn tay tài hoa của một cô gái trẻ yêu thiên nhiên Phan Vũ Hoài Vui, đã trở thành những chiếc tô, chén, đĩa, khay, muỗng… tinh xảo và đẹp mắt.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam chuyên sản xuất sản phẩm từ mo cau do Phan Vũ Hoài Vui làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT ra đời vào cuối tháng 9 vừa qua, ngay tại quê hương của chị, cũng là xứ sở của cau (thôn Tiên Phú Tây, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) khiến nhiều người thích thú quan tâm.
Trở về với mo cau
Phan Vũ Hoài Vui tốt nghiệp đại học ngành kinh tế, 12 năm sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh với công việc cơ bản ổn định: vừa làm kế toán, vừa mở trung tâm Anh ngữ, vừa kinh doanh. Dù vậy, Hoài Vui luôn ấp ủ ý định bắt tay sản xuất một sản phẩm gì đó thật sự gắn bó với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. “Chỉ cần mỗi người góp một chút nhỏ, thì môi trường sẽ giảm đi sự hủy hoại” - Hoài Vui nói.
Một ngày mưa ở vùng đất Sài Gòn náo nhiệt, nằm trong căn gác trọ, Hoài Vui chợt nhớ hương vị cơm mo cau của mẹ, với mùi thơm đặc trưng quê kiểng. Một ý nghĩ thôi thúc cô trở về quê, chọn những mo cau thật đẹp, làm thành sản phẩm thật xinh, như một món quà quê cung cấp cho thị trường. Từ đó sản phẩm làm từ mo cau ra đời…
May mắn, ý tưởng của chị không chỉ được gia đình mà cả lãnh đạo chính quyền, các hội, đoàn thể ở địa phương ủng hộ. Với định hướng rõ ràng và xuyên suốt quá trình hoạt động là đảm bảo chất lượng, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình với bao bì nhãn mác rõ ràng, cấp mã số, mã vạch tới từng hộ sản xuất và từng lô sản phẩm, chị Hoài Vui tin tưởng, sản phẩm của HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam là tổ chức kinh tế tập thể của huyện Tiên Phước đi đúng xu hướng của người tiêu dùng hiện nay, đó là sử dụng sản phẩm làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, dần dần thay thế sản phẩm nhựa.
Hiện HTX sản xuất đa dạng sản phẩm từ mo cau như chén tròn, chén vuông, đĩa tròn, đĩa vuông, tô chữ nhật, muỗng... với nhiều kích cỡ, giá dao động từ 10 - 29 nghìn đồng/bộ 5 cái. Dự định của Hoài Vui là bán sản phẩm theo bộ dành cho khách du lịch, gia đình.
Thân thiện với môi trường
Hướng mở thị trường
Chị Phan Vũ Hoài Vui tính toán, trong 3 năm đầu, HTX xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong nước, đồng thời trồng và phát triển khu vườn nguyên liệu trung tâm. Hiện sản phẩm của HTX có bán lẻ trên các kênh thương mại điện tử, đã có đơn hàng tại chỗ và các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Từ năm 2025 trở đi, khi quy trình ổn định, HTX kết hợp các hộ nông dân mở rộng nguồn nguyên liệu để đảm bảo nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cung ứng cho nhu cầu xuất khẩu và sẽ bắt đầu phát triển thị trường xuất khẩu tại châu Âu. Ước mơ vươn tầm thế giới, đó cũng là lý do cô gái sinh năm 1989 này xây dựng trang web có tên https://arecavn.com (nghĩa là cau Việt Nam) để sau này dễ dàng giao dịch quốc tế. Cùng với đó, HTX kết hợp sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên khác để đa dạng hóa sản phẩm.
Có thể nói, HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam là đơn vị đầu tiên của Quảng Nam sản xuất các sản phẩm từ mo cau. Đây là một trong những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên. Quá trình khai thác nguyên liệu và chế biến không sử dụng bất cứ loại hóa chất hoặc các tác nhân sinh học khác.
Mo cau được thu hoạch từ những lá cau già tự rụng, sau đó được ngâm nước cho mềm rồi rửa thật sạch. Tiếp tục đưa mo cau vào máy ép gia nhiệt, ép cắt trên khuôn để tạo thành các sản phẩm với nhiều hình dạng khác nhau, từ chén tròn, vuông, đĩa tròn, vuông đến khay, muỗng…
Cuối cùng đến công đoạn xử lý tia UV để sản phẩm được khử trùng, đóng gói bằng màng co kèm theo túi hút ẩm rồi đóng thùng carton để đưa ra thị trường. Quan trọng trong quá trình sản xuất là canh nhiệt độ vừa phải để sản phẩm không bị hư hỏng và đạt chất lượng.
Trong những ngày đầu hoạt động, cơ sở sản xuất của HTX thu hút khá đông người tham quan. Bà Võ Thị Thu Luật (người dân xã Tiên Mỹ) cho biết, không ngờ từ những chiếc mo cau quen thuộc, có thể cho ra sản phẩm đẹp ngoài sức tưởng tượng. Mỗi chiếc mo cau có vân tự nhiên khác nhau, nên mỗi sản phẩm làm ra trở nên độc đáo và độc nhất.
“Mo cau tự nhiên có lớp chống thấm gần như hoàn hảo. Sản phẩm từ mo cau có khả năng phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên mà không sinh ra các hạt vi nhựa hoặc các chất vô cơ gây hại cho sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên. Vì thế, các sản phẩm làm từ mo cau là cách để tôi kết nối với tự nhiên, qua từng cái chén, cái đĩa… làm từ mo cau để dùng hằng ngày” - chị Hoài Vui nói.
Cơ hội và thách thức
Bà Bành Thị Bình - Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Mỹ chia sẻ, những người trẻ như Hoài Vui trở về quê nhà, khởi nghiệp từ sản phẩm của quê hương là điều rất đáng trân quý. Hội cũng như địa phương sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để các mô hình khởi nghiệp của phụ nữ phát triển. Mới đây, hội đã hỗ trợ mô hình sản xuất sản phẩm từ mo cau vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của cấp trên và sắp tới sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng nhiều cách khác.
Tiên Mỹ nói riêng, Tiên Phước nói chung xưa nay là thủ phủ của cây cau. Đây chính là nguồn cung cấp nguyên liệu chính nên HTX có nhiều lợi thế trong việc tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu tại địa phương, nhờ đó có thể giảm giá thành sản phẩm. Ban đầu, HTX đầu tư 500 triệu đồng (trong tổng số 2 tỷ đồng) để mua sắm trang thiết bị hiện đại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất; tận dụng nguồn lao động tại địa phương; hiện tại địa phương chưa có cá nhân, tổ chức hoạt động cùng ngành nghề với HTX…, là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển.
Tuy nhiên, chị Hoài Vui cũng cho biết, mo cau - nguyên liệu chính sản xuất sản phẩm chỉ được thu mua theo mùa vụ từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm nên việc thu mua và lưu kho nguyên liệu sẽ gặp khó khăn. Tương tự, việc đưa sản phẩm tiếp cận thị trường bước đầu trở ngại do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen sử dụng sản phẩm mo cau thay thế sản phẩm nhựa. Để đạt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ, phải chịu thách thức của quá trình hội nhập kinh tế khi các sản phẩm sản xuất phải đảm bảo là hàng có chất lượng cao, giá cạnh tranh.
“Thị trường xuất khẩu rộng mở nhưng để mở cánh cửa xuất khẩu, HTX phải đảm bảo được nguồn nguyên liệu dồi dào, quy trình sản xuất chuẩn hóa, chất lượng đồng đều và ổn định” - chị Hoài Vui nói.