Độc đáo trang sức từ nanh thú

ALĂNG NGƯỚC 20/01/2019 04:24

Những chiếc nanh vuốt sắc nhọn, với nhiều kiểu dáng đẹp lạ được đàn ông Cơ Tu xâu chuỗi thành một vòng cườm (crôl), tạo nên trang sức độc đáo mang nhiều nét đặc trưng của đồng bào vùng cao.

Các già làng vùng cao đeo crôl bằng nanh thú xuất hiện tại dịp hội làng truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các già làng vùng cao đeo crôl bằng nanh thú xuất hiện tại dịp hội làng truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trong các nghi lễ cúng tế thần linh của người Cơ Tu, heo thường được tính ở vị trí “bậc 2” sau trâu/bò “bậc 1” và gà “bậc 3”. Ngoài cách tính về giá trị vật chất, cách xếp vị thứ trong các vật cúng của đồng bào Cơ Tu còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm linh, quy mô và phạm vi sự kiện được tổ chức. Vì thế, những linh vật dùng để tế Giàng, đều mang giá trị riêng biệt và có công dụng khác nhau, được đồng bào xem trọng.

Đồ trang sức truyền thống

Già làng Alăng Đàn, ở thôn Arớt (xã A Nông, huyện Tây Giang) cho hay, cùng với nhiều trang sức được làm từ lông chim, mã não, vỏ ốc… người Cơ Tu còn giữ riêng nét đẹp được kết từ những chiếc nanh, móng vuốt của loài thú mang giá trị thẩm mỹ cao. Ngày xưa, trang phục đàn ông Cơ Tu thường được tạo nên bởi sự kết hợp giữa các “linh kiện” mũ lông chim, khố, cườm, gùi (tà-léc) và giáo mác. Trong đó, nổi bật nhất là những vòng crôl được làm nên từ những nanh thú, đan xen giữa vài bộ trang sức khác được trang trí trên sắc chàm thổ cẩm. Đàn ông đeo crôl nhìn rất uy lực và dũng mãnh, như những chiến binh thực thụ của buôn làng. “Vòng crôl của đàn ông Cơ Tu, nanh heo thường là thứ chủ đạo, bởi vừa gần gũi, vừa dễ kiếm và được kết theo hướng nanh nhọn chĩa ra ngoài, đan xen hình cánh cung. Tùy theo mức độ uy tín, vị trí của người đeo trước cộng đồng làng, mà số lượng nanh được xâu nhiều hay ít. Ngoài ra, ở một số vùng, người Cơ Tu còn họa tiết đan xen giữa nanh heo, móng vuốt hoặc sừng thú rừng tạo nên một vòng cườm rất độc đáo” - già Đàn cho biết thêm.

Những ngày lễ lớn của làng, cùng với bộ trang phục truyền thống, nam nữ Cơ Tu thường đeo trang sức hạt cườm quanh vòng cổ, tạo thanh âm rất đặc trưng, hòa theo nhịp trống. Khác với trang sức được làm từ hạt mã não của phụ nữ, crôl của đàn ông Cơ Tu thường khá rườm rà, thậm chí mang vẻ đẹp hoang dại đầy huyền bí. Ngày xưa, người đàn ông Cơ Tu thường kết hợp bộ trang phục theo mẫu chung: đầu đội mũ lông chim, cổ đeo cườm nanh thú, mình để trần, đóng khố và đi chân đất. Có thời điểm, người Cơ Tu sáng chế ra những chiếc áo, khố được làm bằng vỏ cây, lưng đeo gùi, tay cầm giáo mác. Ngày nay, những bộ trang phục này chỉ còn được diện tại các dịp lễ lớn của đồng bào, như hội ăn trâu mừng lúa mới, lễ kết nghĩa anh em, khai năm tạ ơn rừng…

Khẳng định “đẳng cấp”

Và, trong hầu hết dịp hội làng truyền thống đó, đi kèm với những bộ sắc phục lung linh, sặc sỡ luôn có những đồ trang sức độc đáo được kết bằng hạt cườm gắn với nanh heo, vỏ ốc, sừng nai dành riêng cho đàn ông. Người Cơ Tu quan niệm, việc đeo nanh thú ngoài thể hiện uy tín, vai vế của người đeo (thường là các già làng) đối với cộng đồng, còn khẳng định sự giàu có, quyền lực, giúp tôn thêm vẻ đẹp đặc trưng vốn có. Đây cũng là “phụ kiện” giúp già làng trở nên uy lực, khẳng định giá trị nhân cách và xứng tầm với vai trò của mình trước cộng đồng vùng cao. Ngày nay, nanh heo, hay một số loại móng thú, mặc dù không phổ biến nhưng đang được giới trẻ săn lùng như một thú chơi thể hiện đẳng cấp, vì thế hoàn toàn không mang giá trị cộng đồng như crôl của các già làng.

Theo ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, trong lễ hội cộng đồng Cơ Tu, khi một vị già làng xuất hiện với những vòng crôl gắn nhiều nanh thú, chứng tỏ đó là một sự kiện trọng đại, có quy mô lớn. Lễ hội càng quy tụ nhiều vị già làng uy tín, càng thể hiện được tầm quan trọng đối với đồng bào. “Với người Cơ Tu, sự giàu có, uy tín và vai trò của một già làng thường được thể hiện bằng những biểu trưng cụ thể, như tiếng nói, vị trí chỗ ngồi, hay trang sức đi kèm trong lần xuất hiện. Vì thế, ngoài già làng và các trưởng tộc, rất ít người dám đeo vòng crôl gắn nanh thú. Bởi theo quan niệm, người đeo crôl bao giờ cũng là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, với khả năng nói lý - hát lý chuyên nghiệp, giỏi săn bắn, biết cách xử trí trong các cuộc giải quyết mâu thuẫn cộng đồng nên rất có quyền năng và tiếng nói” - ông Bưng nói.

*
*            *

Hội làng truyền thống, rộn rã trong nhịp điệu trống chiêng, là những sắc chàm thổ cẩm được quấn trên thân hình vạm vỡ của các chàng trai Cơ Tu, nhảy đều theo điệu ta’roóh (hú hò) mừng ngày mới. Lấp lánh trên từng khuôn mặt, là nụ cười tươi của của các cô gái, nghiêng say cùng vũ điệu dâng trời quyến rũ. Những vòng cườm được kết bằng nanh thú va vào nhau, tạo nên thứ âm thanh hoang dã, dập dìu theo dáng xuân đại ngàn, đầy mê hoặc.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Độc đáo trang sức từ nanh thú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO