Đọc lại “Nữ công thường thức”

BẢO LÂM 05/03/2023 10:44

“Nữ công thường thức” của Hội Nữ công Huế đã được NXB Thuận Hóa tái bản năm 2022, sau gần 100 năm in ở nhà sách Tiếng Dân lần đầu, đem lại kiến thức ẩm thực xứ Huế cùng cảm xúc thú vị cho bạn đọc.

Tôm chua là đặc sản xứ Huế. Ảnh: Internet
Tôm chua là đặc sản xứ Huế. Ảnh: Internet

Hội Nữ công Huế do Đạm Phương nữ sử khởi xướng ngày 15/6/1926. Theo TS. Trần Đình Hằng - Phân viên Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, sự ra đời của Hội Nữ công Huế là sự kiện đặc biệt quan trọng với nữ giới thế kỷ 20, khi mà “công - dung - ngôn - hạnh” trong vai trò “nội tướng”, đảm bảo hạnh phúc gia đình của phụ nữ. “Tân tiến hợp thời đại nhưng đồng thời cũng phải giữ gìn được nền nếp gia phong, cái gốc phong hóa qua từng nét đẹp, “cái nết” của hồn dân tộc. Đó là tinh thần cốt lõi, là thông điệp cũng là sứ mệnh cho sự ra đời của Hội Nữ công Huế đầu thế kỷ 20…” (Giới thiệu Hội Nữ công Huế, Thông điệp trăm năm - Trần Đình Hằng).

 

Lần tái bản này, NXB Thuận Hóa tập hợp cả 3 tập của bộ sách được in ở nhà in Tiếng Dân từ năm 1928 đến 1931, tập hợp 160 món ăn (sơ tập 33 món, nhị tập 36 món, tam tập 91 món); từ đơn giản, dân dã đến cầu kỳ, sang trọng; từ cách làm các loại dưa cà mắm muối tương chao (dưa cà trường, ớt muối ăn xổi, mắm ngừ, mắm gạch cua, dưa chột nưa…) đến bánh mứt (bánh tai yến, bánh bông cúc, mứt đu đủ tỉa hoa, mứt củ cải…); nem chả (chả tôm, chả cua, chả trái quýt, nem chua, nem nướng…); từ món ăn trong nước đến các món Tây Tàu (hoàng ngư dầu, long tu, hào xì)…

Công thức, cách chế biến mỗi món được viết ngắn gọn mà tỉ mỉ, dễ thực hành. Thử chép cách làm tôm chua dưới sự hướng dẫn của bà Nguyễn Khoa Thị Thụ: “10 chén tôm, 1 chén muối rang, nửa chén mật ong. Cách làm: Tôm rửa cho sạch, bỏ những con bị hư. Lấy dao cắt đầu, râu và cái nhọn sau đuôi. Đoạn trộn muối, mật cho đều, bỏ vào chậu, trên dằn đá trấy. Chừng 5 - 6 giờ đồng hồ sẽ bỏ vào thẩu. 10 ngày tôm chín, sẽ trộn riềng, thù đủ đã xắt rối phơi hơi tiu tiu (vừa héo) mà dùng” (trang 62). Có cả hướng dẫn cách làm bằng thơ, như hướng dẫn cách làm dưa giá: “Giá lặt thêm vào mấy cọng rau/ Ớt, măng, kiệu, muống, xắt như nhau/ Rửa phèn dầm muối chừng vài bữa/ Trong dĩa xanh vàng đủ các màu” (trang 203).

Tất nhiên, so với công thức chép trong “Nữ công thường thức”, thì hiện nay quy trình chế biến có phần cầu kỳ hơn, nguyên liệu cũng phong phú hơn, cách chế biến cũng khác ít nhiều. Ví dụ như với món tôm chua, ở lần xuất bản này, nghệ nhân Mai Thị Trà ghi chú bổ sung: “sau khi dằn vớt tôm, trộn với gia vị chứ không chờ tôm chín mới trộn”.

Xen kẽ giữa các phần của sơ tập, nhị tập, tam tập là những bài thơ, những bức thơ (thư) của nữ công học hội viên khắp nơi và của những độc giả gửi Đạm Phương nữ sử - Chánh hội trưởng Nữ công học hội. “…May đâu được nghe Hội Nữ công ở Huế ra đời, lấy tôn chỉ giáo dục cho nữ lưu, trong Nam ngoài Bắc chị em đều hưởng ứng, thì thiệt là một điều đáng mừng vô cùng!” (thư của bà Liên Hương, tỉnh Thái Bình gửi bà Đạm Phương, ngày 12/6/1926).

Đọc lại “Nữ công thường thức”, để hiểu thêm về Hội Nữ công Huế, để thấy sự văn minh của nữ giới ngày xưa, những phụ nữ sống cách chúng ta bây giờ khoảng trăm năm, khi mà phụ nữ lúc ấy luôn trong khuôn phép của tam tòng, tứ đức. Mục đích của Hội Nữ công Huế là tập luyện nữ công thực nghiệp (mưu sự tự lập về phần xác cho chị em), khai đạo trí thức nữ tử (mưu sự tự lập về phần hồn cho chị em); phụ nữ chức vụ (thực hành quyền của chị em khi đã tự lập về phần xác và phần hồn). Thật là tiến bộ lắm thay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đọc lại “Nữ công thường thức”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO