“Đọc lộn” chính sách

HÀ QUANG 09/07/2020 04:30

Khi tôi chúc mừng một người quen là giáo viên được chuyển trường từ vùng đặc biệt khó khăn về địa bàn thành phố thì nhận được một nụ cười kèm lời than rằng, trước khi có giấy chuyển trường, phải chạy tiền để lo trả nợ khoản truy thu phụ cấp theo Nghị định 116 của Chính phủ (chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Nhiều giáo viên bây giờ còn trả nợ khoản hỗ trợ theo Nghị định 116 cũng bởi địa phương... lỡ chi trả.

Chuyện “đọc lộn” chính sách, thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu không phải là hiếm. Trong nhiều thắc mắc của bạn đọc gửi tòa soạn, tôi bất ngờ với câu hỏi về chính sách phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Đó đúng ra là một kiến nghị về quyền lợi, khi nhiều giáo viên cho rằng, cùng một chính sách tính thâm niên cho giáo viên nhưng ở Tam Kỳ và Núi Thành thì thực hiện khác nhau.

Cụ thể, Tam Kỳ tính phụ cấp thâm niên từ khi giáo viên đóng bảo hiểm bắt buộc, còn Núi Thành thì tính từ khi giáo viên vào biên chế viên chức giáo dục. Cái thời điểm hợp đồng hay biên chế còn vướng víu ngay cả với nhiều công chức (trước đây), viên chức trong cách tính hệ số lương. Không hiếm trường hợp cán bộ đã có nhiều năm làm hợp đồng (đương nhiên được tăng lương theo quy định) khi thi trúng tuyển biên chế, năm đầu tiên phải quay lại hưởng 85% hệ số lương bậc 1 (2,34), trong khi nơi này nơi kia với trường hợp tương tự vẫn được xem xét xếp mức lương lũy kế cả thời gian hợp đồng.

Vì sao có những bất cập như vậy? Tất nhiên, sẽ có nhiều lý do được đưa ra từ các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện các chính sách này, như căn cứ vào các văn bản khác nhau, trong thời điểm khác nhau (trong khi ngành chức năng chưa hướng dẫn cụ thể), hay chưa cập nhật quy định mới và cả “quan điểm” của cấp trên... Do đó việc thực hiện các chính sách thường chậm chạp, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng “tiêu hóa” của mỗi địa phương, đơn vị.

Đơn cử như gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã cơ bản giải quyết chi trả cho những đối tượng có sẵn dữ liệu xã hội, còn đối với lao động tự do thì lại lấn cấn đến nay vẫn chưa xong. Lý do chủ yếu là chính sách không quy định cụ thể từng lao động hay hộ dân, nên khi các địa phương lập danh sách được hỗ trợ theo từng người thì buộc phải làm lại là theo hộ.

Do “đọc lộn” mà nhiều chính sách đi vào cuộc sống chậm chạp, và hậu quả lớn hơn là gây thiệt hại, thiệt thòi cho các đối tượng được thụ hưởng. Ví dụ như chuyện truy thu từ giáo viên theo Nghị định 116, đó không phải là phép cộng trừ bằng nhau của một khoản tiền được phát ra hay thu về, mà là sự thiệt hại về thời gian, công sức và cả khoản hao hụt trong kế hoạch chi tiêu của cá nhân và ngân sách nhà nước.

Điều đáng nói là các bất cập này đến nay vẫn còn khoảng trống trách nhiệm bởi cả người soạn chính sách và người “đọc” chính sách, trong nhiều trường hợp đều có lý lẽ của riêng mình. Cũng vì khoảng trống trách nhiệm này mà việc giải quyết các bất cập do “đọc lộn” chính sách vẫn chưa thể rốt ráo, và không biết bắt đầu từ ai...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Đọc lộn” chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO