Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng có nhiều bài viết về vụ án tham nhũng lớn gây rúng động dư luận xã hội cả nước. Không may phải đi tù, sau khi mãn hạn ông vừa tiếp tục công việc viết báo, vừa nghiền ngẫm chuyện đời và viết cuốn tiểu thuyết Mùa khát (NXB Hội Nhà văn - 2018) khá dày dặn, được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Mùa khát là cuốn tiểu thuyết “đầu tay” của ông, bởi mấy chục năm sáng tác, ông chỉ làm thơ và viết phê bình văn học.
Đọc Mùa khát, dễ dàng nhận ra tác giả sử dụng thủ pháp đồng hành đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái bi hùng của người lính từng có một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với một nhà báo dám chống lại cái xấu cái ác bị tù tội. Nhân vật chính là nhà báo Vũ Văn. Anh phụ trách mảng nội chính của một tờ báo lớn, vì thế, có điều kiện gặp gỡ, khai thác thông tin từ vị tướng X. - chỉ huy “đánh” vụ trọng án tham nhũng. Không ngờ, gần cuối vụ trọng án, vị tướng X. và nhà báo Vũ Văn lại vướng vào vòng lao lý vì bị quy chụp tội “làm lộ bí mật Nhà nước”. Thời gian bị tạm giam chờ ngày hầu tòa, ký ức về một thời trận mạc ùa về xen lẫn với thực tại phũ phàng thôi thúc anh lấy que tăm thay bút làm thơ ghi bên lề những trang sách báo cũ…
Như một cuốn phim quay chậm, những tháng năm ở tù, quá khứ và hiện tại cứ xen kẽ ùa về trong tâm trí Vũ Văn. Anh nhớ tuổi hai mươi rời Hà Nội mặc áo lính vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Những trận chiến khốc liệt ở Khe Sanh - Quảng Trị. Những cánh rừng Trường Sơn tan hoang vì đạn bom cày xới. Những lúc đói cơm lạt muối… Tất cả cứ ùa về khiến lòng anh tê tái. Bởi hiện tại anh là một thằng tù nằm co ro trong phòng biệt giam lạnh lẽo, tối om. Đeo bám tâm trí anh là viên Trung úy thám báo Nguyễn Nội bị bắt làm tù binh, là Hậu Aka liên tục vào tù ra tội bởi gã là một tên tội phạm có số má, là vị tướng X. dạn dày trận mạc, khắc tinh của những quan tham… Cuộc chiến tranh chống Mỹ lại gợi nhớ cuộc chiến tranh chống Tàu ở biên giới phía Bắc. “Ông bạn láng giềng” khi vứt bỏ chiếc mặt nạ “hữu hảo” đã hiện nguyên hình là những kẻ thâm độc và tàn ác đến tận cùng sự tàn ác: “… quân xâm lược Trung Quốc kết hợp chiến dịch “biển người” với “biển đạn” nhằm lấn sâu vào đất Việt Nam 5km nhằm mục tiêu vẽ lại đường biên giới” (tr.243).
Điều dễ nhận thấy khi đọc Mùa khát là quá khứ và hiện tại đan xen và hình thành hai cuốn tiểu thuyết trong một cuốn tiểu thuyết: Một viết về chiến tranh và một viết về cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực trong thời bình. Phần viết về chiến tranh hay hơn, hấp dẫn hơn. Phần viết về cuộc đấu tranh chống tham nhũng và thân phận người tù có vẻ khô khan, dù rằng có những tình tiết, những phận người vướng vòng lao lý lắm lúc bi đát đến mức không hy vọng gì ở ngày mai tươi sáng. Dẫu vậy, Mùa khát vẫn là cuốn sách đáng đọc, bởi tác giả mổ xẻ “những mảnh đời đen trắng” để cho ta hiểu thêm về những phận người với cuộc sống muôn mặt đời thường.