Không chỉ giới thiệu những cuốn sách hay, truyền cảm hứng từ câu chuyện có thật, “Chuỗi 20 ngày đọc sách miễn phí” còn thắp sáng tình yêu, tạo thói quen đọc sách cho các bạn nhỏ trên địa bàn TP.Tam Kỳ.
Chuỗi đọc miễn phí
Đối với các độc giả nhí, việc kích thích, khơi dậy tình yêu với sách không hề đơn giản, mà cần có sự kết hợp với các hoạt động sáng tạo như tô vẽ, lắp ráp… Nắm bắt được tâm lý này, những buổi đọc sách với các cuốn sách tranh cùng với nhiều hoạt động tương tác đã được tổ chức. Chị Vũ Kim Chi (đang làm việc tại Dự án giáo dục phi lợi nhuận Teach for Vietnam) cho biết, sau khi tham gia một buổi tập huấn về chương trình đào tạo Đại sứ đọc khóa 4 của Reading Vietnam (RVN) - dự án đọc, tạo dựng thói quen và tình yêu đọc sách cho trẻ em Việt Nam thông qua việc thiết lập thư viện tại mỗi khu dân cư và đào tạo đại sứ đọc, chị và một số đồng nghiệp ấp ủ thực hiện một dự án phát triển văn hóa đọc ở TP.Tam Kỳ. May mắn, nhóm đã gặp và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chị Cẩm Vân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cánh diều tuổi thơ. Từng tham gia chương trình tập huấn Đại sứ đọc của RVN nên chị Vân và mọi người lên kế hoạch thực hiện dự án chuỗi đọc sách và thư viện miễn phí thuận lợi.
Dự án kéo dài 20 tuần, địa điểm chủ yếu tại Quảng trường 24.3, trung bình mỗi tuần một buổi. Nội dung gồm các hoạt động như trò chơi vận động làm quen, hoạt động đọc sách (có 2 phần đọc gồm tiếng Việt và tiếng Anh) và hoạt động sau đọc (thủ công và sáng tạo) với mục đích giúp được trung bình 20 trẻ có thói quen và yêu thích đọc sách. Song song đó, nhóm chị Kim Chi cũng sẽ lập một group Đọc sách cùng con, là nơi cho các bậc phụ huynh chia sẻ với nhau về việc đọc với con ở nhà cũng như các khó khăn và thành công trong quá trình nuôi dạy con. “Tụi mình đang nỗ lực tạo ra một buổi đọc sách vừa vui vẻ, thoải mái vừa khoa học để trẻ có thể tập trung, thích thú với các hoạt động. Buổi sinh hoạt vừa qua đã thu hút nhiều phụ huynh tham gia, các bé cũng đã rất hào hứng với sách và đọc sách. Tuy nhiên, để tạo được thói quen cho trẻ, chúng tôi cần thêm thời gian và sự đồng hành của các bậc phụ huynh trong chuỗi ngày tiếp theo…” - chị Kim Chi chia sẻ.
Điều kỳ diệu của đọc sách
Ngày cuối tuần, thay vì đến các trung tâm vui chơi giải trí, chị Hải Nguyên (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) lại cùng con hòa vào không gian đọc sách miễn phí tại Quảng trường 24.3. Chị Nguyên cho hay, con trai chị không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Từ lúc 5 tuổi, bé sử dụng thành thạo tiếng Anh, có thể giao tiếp lưu loát với người nước ngoài nhưng lại không nói rành tiếng mẹ đẻ. Được biết, việc đọc sách có thể giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp và làm phong phú vốn từ ngữ của con, chị đã tạo và duy trì được thói quen đọc sách cho con hơn 6 tháng nay. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên cho con tham gia các CLB, buổi ngoại khóa liên quan đến sách để bé có cơ hội trải nghiệm, bổ sung vốn từ.
“Khuyến khích trẻ đọc sách là việc mà bất cứ người mẹ nào cũng có thể thực hiện được và rõ ràng trẻ có rất nhiều lợi ích từ việc được nghe bố mẹ kể chuyện thay vì xem ti vi, ipad. Tôi hy vọng những buổi đọc sách cộng đồng như thế này sẽ được lan tỏa rộng hơn để nhiều phụ huynh biết đến và cho con tham gia, giúp con rèn luyện thêm tư duy và kỹ năng” - chị Hải Nguyên chia sẻ.
Thấy các bạn nhỏ thích thú với hoạt động cắt, dán làm cuốn “hộ chiếu đọc sách” dành riêng cho mình, em Huỳnh Đức Nguyên Hoàng (học lớp 4, Trường Tiểu học Kim Đồng, TP.Tam Kỳ) cũng tiến lại gần xin tham gia cùng. Tuy còn e dè nhưng được mọi người chào đón và vui vẻ chia sẻ, em cũng dần bắt chuyện và hỏi thêm về những cuốn sách đang được trình bày tại đây. Nguyên Hoàng tâm sự: “Lâu nay con cứ nghĩ đọc sách là khô khan, ngồi im một chỗ để đọc, giờ thấy mọi người có nhiều hoạt động vui vẻ và thú vị nên cũng muốn tham gia. Về nhà con sẽ kể lại và rủ thêm nhiều bạn đến đây để cùng đọc sách, có thể sẽ giúp ích cho con với bộ môn Tiếng Việt đang còn yếu của mình”.
Có mặt trong buổi đọc sách, bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Anbooks TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, niềm hạnh phúc của cha mẹ là tạo cho con một đời sống đọc ngay từ khi con mới ra đời hay từ khi còn nhỏ. Đó còn là tài sản tinh thần vô giá dành cho con. Phần lớn ngọn lửa đam mê đọc sách của trẻ thường được bắt đầu và truyền dẫn từ những người lớn tuổi hơn. Các bậc phụ huynh nên trở thành tấm gương yêu thích sách, cùng con tham gia các hoạt động và tạo cho trẻ bầu không khí đọc sách vui vẻ và sinh động. Từ đó dần hình thành và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ, tạo cho trẻ đời sống đọc phong phú và khoa học, giúp con nuôi dưỡng tinh thần và nhân cách…