Ngành tơ lụa ngày càng phát triển mạnh mẽ với sự cải tiến không ngừng từ phương thức sản xuất đến ứng dụng khoa học kỹ thuật. Chưa kể, cùng với sự kết nối từ các thị trường khắp nơi, hứa hẹn về một con đường rộng mở trong tương lai. Một cuộc hóa thân mới từ chính sự nỗ lực của những người trong nghề, đang được kỳ vọng ngày một rõ ràng hơn.
Cuộc gặp gỡ của Quảng Nam Cuối tuần với những người đang dốc hết sức mình cho câu chuyện tơ lụa tương lai, sẽ lý giải về những thay đổi của ngành trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa mai sau...
Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang: Ứng dụng khoa học kỹ thuật là điều tất yếu
Ngày xưa chúng ta trồng dâu nuôi tằm chủ yếu theo kinh nghiệm nhưng ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển nên việc trồng dâu, nuôi tằm, bắt kén phải đưa các phương tiện kỹ thuật vào nhằm giảm công lao động và nâng cao hiệu quả nuôi tằm. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết biến động, nhiệt độ cao như hiện nay thì nhà tằm con phải có máy điều hòa và tất cả hộ chăn nuôi tằm phải bắt điều hòa để điều khiển nhiệt độ, bởi tằm cần 24 - 25 độ C mới phát triển tốt.
Từ năm 2018 - 2019 HTX Nông nghiệp Điện Quang đã trồng được 5ha dâu và vận động được 12 hộ nuôi tằm, tiếp tục cuối năm nay chúng tôi sẽ tiến hành trồng tiếp 10ha dâu nữa, phấn đấu đến hết năm 2020 HTX có 15ha dâu với 60 hộ tham gia nuôi tằm. Trước đây, HTX Nông nghiệp Điện Quang vận động nông dân trồng tới 340ha dâu với hơn 1.200 hộ nuôi tằm, hàng năm sản xuất khoảng 270 - 290 tấn kén. Từ năm 1990 HTX đã liên kết với Công ty Dâu tằm tơ lụa Quảng Nam (cũ) xây dựng nhà máy công suất 20 tấn tơ/năm để xuất khẩu nhưng do sự biến động thị trường nên người dân bỏ nghề nhiều. Cho nên bây giờ trong lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm phải áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ từ chọn giống đến kỹ thuật chăm sóc như hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh nhằm giúp chất lượng lá dâu tốt. Phải chọn trứng giống tốt, phải cải tiến công cụ sản xuất hiện đại kể cả cái né cái đuỗi cũng phải làm hiện đại để giảm công lao động thủ công, nâng cao chất lượng hiệu quả.
Ông Takao Wantanabe - Đại diện Hiệp hội dệt may tơ lụa Nishijin Kyoto Nhật Bản: Hãy nâng tơ lụa trở thành niềm tự hào dân tộc
Những năm trước tại Nhật Bản, Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản đã thống nhất các doanh nghiệp cùng đầu tư cho một dòng tơ tằm thiên nhiên sản xuất tại Nhật, từ nguyên liệu, giống dâu tằm đến phương pháp nuôi trồng, sản xuất đại trà. Các viện nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không gây ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất. Mục đích của hiệp hội là làm cho khách hàng biết đây là dòng sản phẩm của Nhật Bản, dành cho người tiêu dùng Nhật Bản. Tại những hội chợ, triển lãm thương mại… chúng tôi cũng giới thiệu tỉ mỉ quy trình sản xuất để người tiêu dùng biết tơ lụa Nhật là do các tập đoàn sản xuất liên kết với các trang trại trong nước quản lý sản xuất và đạt về chất lượng, quy trình hoàn toàn thiên nhiên và bảo vệ môi trường chặt chẽ. Thực tế, người tiêu dùng Nhật Bản đã tiếp nhận dòng sản phẩm tơ lụa nội địa rất tốt. Thậm chí, nhiều người Nhật đã coi tơ lụa Nhật Bản như một thương hiệu mang tầm quốc gia, được dùng trong những dịp trọng đại của quốc gia, quốc tế và mỗi gia đình.
Sản phẩm với sự thoải mái khi sử dụng và mềm mại, kết cấu tiết kiệm chi phí, nhất là thời gian. Vì vậy, khoa học và công nghệ có thể thay đổi văn hóa của sản phẩm lụa để được thoải mái sử dụng trong cuộc sống hiện đại.
Sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam trong các hoạt động nhằm quảng bá văn hóa lụa và phát triển sản xuất tại Quảng Nam. Cụ thể, tháng 10 này, Hiệp hội Nishijin sẽ tổ chức giới thiệu lịch sử văn hóa quốc phục Nhật Bản kimono. Đồng thời, thực hiện hợp tác chuyển giao công nghệ và trứng tằm giống, huấn luyện chuyên gia về kỹ thuật ươm tơ... Đây là hoạt động hợp tác quốc tế khởi đầu cho hành trình khôi phục sản xuất dâu tằm tại Quảng Nam. Tôi có kinh nghiệm 50 năm trong ngành sản xuất tơ lụa tại Kyoto nên nhận thấy Quảng Nam có cơ hội rất lớn trong khôi phục sản xuất nghề dâu tằm. Đây là vùng đất có những bãi bồi màu mỡ, người dân có kinh nghiệm trong trồng dâu nuôi tằm. Điều Quảng Nam cần làm lúc này là xây dựng lại chuỗi giá trị cho nghề dâu tằm mà mở đầu là tìm ra nguồn trứng tằm tốt. Và Nhật Bản sẽ hỗ trợ Quảng Nam trong việc này.
Ông Hoàng Kim Tú – Giám đốc Công ty CP Tơ tằm Á châu Bảo Lộc: Biến lụa tơ tằm thành văn hóa của dân tộc
Qua 30 năm làm nghề nuôi tằm ươm tơ tôi thấy đây là thời gian ngành dâu tằm phục hồi mạnh nhất do chiều hướng chuyển dịch sản xuất dâu tằm từ Trung Quốc qua Việt Nam, kể cả chuyển giao cho Việt Nam những công nghệ cao giảm thiểu lao động và cho ra những sản phẩm tơ thô cao cấp. Tuy nhiên, một vấn đề chúng ta chưa đặt ra đúng mức là nhân lực để phát triển ngành nghề này không đồng bộ. Hiện nay muốn đào tạo một công nhân để thực hiện các ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng dâu nuôi tằm thì hầu như không có cơ sở hoặc trường dạy nghề nào. Vì vậy rất cần có sự gắn kết giữa ngành nghề với các trường để sớm đào tạo là nguồn nhân lực chuyên nghiệp vì phải nắm được kỹ thuật mới thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt được. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai các dự án rất lớn đến các tỉnh, trong đó có Quảng Nam, nhưng vấn đề nan giải là thiếu nhân sự.
Phải đưa tơ lụa vào văn hóa, đời sống của một quốc gia, dân tộc nên đòi hỏi phải quy mô, và Nhà nước cần có chính sách trợ giúp. Chẳng hạn, chúng ta phải thúc đẩy về tiêu dùng, trợ giúp cho tiêu dùng phát triển. Hiện tại, một số nước đã xoáy sâu vào những ưu điểm của tơ lụa, trợ giúp cho ngành tiêu dùng này phát triển như ban hành những quy định về thời gian cụ thể trong tuần khi công chức đến công sở làm việc phải mặc đồ bằng lụa tơ tằm. Điển hình như Campuchia có hẳn một showroom trưng bày 7 bộ đồ cho công chúa mặc hằng ngày và đều bằng lụa tơ tằm. Hay ở Nhật Bản, người trưởng thành phải một lần mặc bộ đồ kimodo và phải bằng lụa tơ tằm, đây vừa là tập tính dân gian nhưng cũng vừa theo quy định của chính phủ. Còn tại Hàn Quốc khi người ta chết sẽ được tẩm liệm bằng những tấm lụa thô tơ tằm nguyên sơ chưa qua tẩy nhuộm… Đây là những điều quan trọng để hình thành một giá trị, tạo nên văn hóa tơ tằm, giúp ổn định sức tiêu thụ.
Một vấn đề quan trọng của ngành tơ tằm hiện nay không phải là trứng giống hay công nghệ mới mà chính là đất đai. Phải có đất đai để trồng ra những thửa dâu thâm canh lớn đủ lá cho tằm ăn. Đây là vấn đề mấu chốt vì con tằm chỉ ăn có một loại lá dâu. Còn các vấn đề khác như khoa học công nghệ, hiện nay trên thế giới người ta đã nghiên cứu và có công nghệ để chuyển giao các nước rồi, bây giờ mình chỉ mua lại công nghệ thôi. Do vậy, địa phương cần giúp đỡ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, cần xây dựng cơ chế đặc thù như hỗ trợ về lĩnh vực đất canh tác, nhất là các diện tích đất hoang hóa hoặc các loại cây trồng khác không hiệu quả chuyển đổi thành vùng nguyên liệu trồng dâu, và nó phải đủ lớn đế thâm canh. Quảng Nam cần tạo điều kiện về quy hoạch, cơ chế để hỗ trợ cho các dự án dâu tằm đang triển khai ở địa phương. Với Quảng Nam, việc phát triển ngành nghề sản xuất tơ lụa mà còn có thể hỗ trợ để tạo ra những kênh mới về giao lưu, phát triển du lịch…
Theo tôi, bởi bây giờ mình không lo đầu ra nữa, kể cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Như công ty tôi, mỗi năm sản xuất khoảng 100 tấn tơ, khoảng 100 nghìn mét lụa, 90% xuất khẩu sang Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
TS. Lê Quang Tú - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương: Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất
Bốn công đoạn chính trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa hình thành nên nghề truyền thống của Việt Nam. Nó có bộ mặt hoàn toàn khác biệt với các hoạt động nông nghiệp khác khi vừa mang đặc điểm của trồng trọt vừa có đặc điểm của chăn nuôi, vừa kết hợp giữa công nghiệp chế biến và nghệ thuật. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm tơ tằm trong nước và thế giới tương đối ổn định, giá tơ, kén và các sản phẩm phụ liên tục tăng cao.
Tại Việt Nam nghề trồng dâu nuôi tằm rải khắp từ bắc vào nam. Những năm gần đây do thu nhập từ dâu tằm khá lên, một số nơi chưa có tập quán cũng đã phát triển nhanh hình thành những vùng dâu có diện tích lớn, sản lượng kén cao như: Yên Bái, Sơn La, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Lâm Đồng. Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 đưa diện tích dâu của nước ta lên 15 vạn héc-ta, giá trị xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu USD/năm đòi hỏi ngành sản xuất dâu tằm tơ phải ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Đây là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên để phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng dâu nuôi tằm thì cần tiến hành đồng thời các giải pháp về tổ chức sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, các giải pháp về chính sách và thị trường.
Khi tổ chức sản xuất cần phải xây dựng vùng nguyên liệu, lấy nông dân là lực lượng nòng cốt. Cùng với đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng lá dâu. Chưa kể các địa phương cần vận động tổ chức nuôi tằm con tập trung, đó có thể là doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã đứng ra kêu gọi người dân. Doanh nghiệp lo đầu ra như tổ chức thu mua kén và ươm tơ. Cần có chế độ chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nhất là xây dựng vùng nguyên liệu mới. Như vậy, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng nhà nuôi tằm con tập trung, nhà nuôi tằm lớn, khay nuôi tằm, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy ươm tơ tự động tại địa phương.
Để nghề truyền thống phát triển mạnh trong giai đoạn này, địa phương cũng cần có những chính sách phù hợp. Tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tạo nguồn vốn vay tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các hộ trồng dâu nuôi tằm. Khuyến khích đầu tư thâm canh và chăn nuôi tiên tiến, đẩy mạnh công tác khuyến nông, đào tạo tập huấn đối với cây dâu, con tằm. Khi đã ổn định từ chính sách đến việc tổ chức sản xuất, thì cần phải có giải pháp về thị trường. Từ việc tổ chức hội thảo, triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm đến khuyến khích các thành phần tham gia tìm kiếm thị trường và tiêu thụ. Có như vậy mới phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm trong tương lai.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Xây dựng thương hiệu tơ lụa
Cùng với quá trình sản xuất, việc cần thiết phải xây dựng được thương hiệu tơ lụa. Đây là điều quan trọng để tơ lụa đi sâu vào các thị trường khó tính và quảng bá được sản phẩm của Việt Nam đến với thế giới. Trước những biến động của thị trường cũng như chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, Quảng Nam đã xây dựng được một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân khôi phục, phát triển nghề trồng dâu - nuôi tằm của địa phương. Song song với việc khôi phục nghề trồng dâu - nuôi tằm thì cần phải tìm được đầu ra và chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm, tránh lặp lại tình trạng bế tắc đầu ra. Điều này buộc các cơ sở sản xuất phải tiếp cận được công nghệ mới trong sản xuất dệt nhuộm, tạo dựng riêng cho mình một thương hiệu để phát triển thị trường. Chưa kể khi địa phương đã có doanh nghiệp sản xuất nhưng vẫn còn loay hoay trong hoạt động xây dựng chiến lược phát triển, thiếu các tiêu chuẩn cần thiết để đi sâu vào các thị trường cần tính chuyên nghiệp cao hơn...
Chúng tôi mong muốn Hiệp hội Tơ lụa thế giới cũng như các doanh nghiệp đang kinh doanh và sản xuất tơ lụa châu Á giúp cho Việt Nam, Quảng Nam định hình được thương hiệu và phát triển ngành tơ lụa truyền thống. Quảng Nam đã cố gắng để người dân trồng trọt và kinh doanh tơ tằm có được điều kiện tốt nhất khi tham gia vào ngành này. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng thêm các chính sách khác nhằm khuyến khích người dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm trở lại. Tỉnh cũng đang có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến ngành trồng dâu nuôi tằm. Chúng tôi cũng sẽ có những cơ chế để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đầu tư, quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế.
Ông PAV Eang Khoing - Giám đốc sản xuất tơ lụa Công ty TNHH Nghệ nhân Angkor (Campuchia): Ứng dụng quy trình sản xuất
Khoa học và công nghệ sẽ giúp cải thiện quy trình sản xuất tơ tằm từ tốc độ, năng suất, chất lượng và cả làm sản phẩm trở nên sang trọng. Ví dụ kén bình thường thì kéo được sợi tơ khoảng 400 mét nhưng lai kén có thể sản xuất 1.000 mét và năng suất cao nhất đạt tới 1.800 mét là một trong những kết quả nghiên cứu khoa học về sâu tơ. Một lợi ích bí mật khác từ sợi tơ mà nhà khoa học nhận thấy là có thể giúp cố định da, ngày nay đã trở thành một loại dược phẩm và mỹ phẩm khá đắt đỏ ở thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.
Liên quan đến hóa chất và quy trình nhuộm, cần có sự hỗ trợ phát triển công nghệ để cải thiện và duy trì sản xuất tơ lụa không gây hại cho môi trường. Ngay cả ở quy trình dệt, công nghệ sẽ liên quan đến việc tạo ra thiết kế, họa tiết, vải, khăn quàng, và những thứ khác. Chỉ cần có một ví dụ, là dệt tay chỉ có thể làm ra 2 mét vải mỗi ngày, còn máy dệt có thể đạt tới 30 mét mỗi ngày và một người có thể dẫn 4 máy dệt cùng một lúc. Cho nên tôi nghĩ, khoa học và công nghệ là vai trò quan trọng nhất để giúp phát triển sản xuất tơ lụa trong cuộc sống hiện đại. Chính khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giúp tiết kiệm chi phí, nhân công và thời gian làm ra sản phẩm. Từ đó giá thành sản phẩm sẽ tốt hơn, tiếp cận được nhiều đối tượng sử dụng hơn. Do đó, các nhà sản xuất lụa (từ nghề trồng dâu tằm đến sản xuất tơ lụa) nên thuyết phục ứng dụng quy trình sản xuất vào số đông.