Độc tố nguy hiểm trong kiến ba khoang gây loét da hoại tử

V.THU (Theo kienthuc.net.vn) 05/07/2023 08:34

(QNO) - Trong cơ thể kiến ba khoang chứa pederin, chất có độc tính mạnh gấp 12- 15 lần nọc độc của rắn hổ mang.

Ảnh minh họa: bvdklangson.com.vn.
Ảnh minh họa: bvdklangson.com.vn.

Loét da hoại tử do kiến ba khoang

Mới đây, một bé gái 8 tuổi phải đi khám vì bị loét da hoại tử sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang.

Thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, bé gái 8 tuổi được mẹ đưa đến thăm khám bác sĩ da liễu, ThS BS. CKII Nguyễn Tiến Thành trong tình trạng vùng nách trợt loét, nề đỏ, chảy dịch vàng. Bé đau rát không ăn không ngủ được, cả mẹ và con cùng khóc trong suốt quá trình khám bệnh.

Mẹ bé kể lại, 5 ngày trước bé về quê chơi, sau khi ngủ dậy thấy nách bé bị vệt đỏ, phù nề, có mụn nước, mụn mủ. Bé khóc kêu đau rát nhiều, đặc biệt bé không dám giơ tay lên vì vùng da tổn thương rất nặng: trợt, nề đỏ, chảy dịch vàng...

Điều đáng tiếc là bố mẹ lại tưởng bé bị bệnh zona đơn giản nên đã mua thuốc acyclovir về uống và bôi. Sau đó tắm cho bé bằng lá cây khiến tổn thương nhiễm khuẩn, tổn thương lan rộng hơn nguy cơ cao để lại vết thâm và sẹo vĩnh viễn.

Sau khi BS Tiến Thành tiếp nhận thăm khám và điều trị theo phác đồ cụ thể, bé được dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ, kết hợp kháng sinh, kháng Histamin tổng hợp, thuốc giảm đau... Hai ngày sau tình hình của trẻ đã cải thiện.
Tổn thương ở nách của bệnh nhân bị viêm da do kiến ba khoang. Ảnh: BSCC/Zing.
Tổn thương ở nách của bệnh nhân bị viêm da do kiến ba khoang. Ảnh: BSCC/Zing.

Độc tố pederin nguy hiểm sao?

Thông tin trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho hay, kiến ba khoang tên khoa học là Paederus fuscipes curtis (Staphylinidae, Coleoptera). Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1 - 1,2cm, ngang 2 - 3mm), có hai màu đỏ và đen, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong…

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong cơ thể kiến ba khoang chứa pederin, có độc tính mạnh.

Pederin có công thức hóa học là C24H43O9N. Pederin có độc tính mạnh gấp 12- 15 lần nọc độc của rắn hổ mang, tuy nhiên do lượng tiếp xúc thường rất nhỏ và chỉ ở bên ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc độc của rắn. Không chỉ độc, chất pederin này còn gây độ bỏng mạnh gấp 100- 150 lần axit sunfuric đậm đặc, do đó khi da người có tiếp xúc với chất này có thể gây bỏng rát vô cùng khó chịu.

Pederin có tính xuyên thấm qua da. Khi da người tiếp xúc với chất tiết của kiến ba khoang qua những vật dụng mà nó đậu vào trước đó hoặc vô ý đập làm cho côn trùng chết trên da thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người gây bệnh ngay tại vùng da đó...Nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm độc tố pederin dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan rộng, đôi khi hoại tử vùng da nếu tiếp xúc lượng lớn độc tố này.

Dùng thuốc gì để điều trị khi bị kiến ba khoang đốt

Ngay sau khi tiếp xúc với côn trùng nếu phát hiện được hãy rửa ngay vùng tiếp xúc bằng cồn 70 độ, betadine. Trường hợp không có sẵn cồn và betadine thì rửa bằng xà phòng nhiều lần, thật sạch để trung hòa chất độc.

Với vết thương do kiến ba khoang gây ra, nếu rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này.

Sau đó có thể sử dụng thuốc điều trị kiến ba khoang đốt như sau:

- Đối với các trường hợp nhẹ như hồng ban, chỉ cần chăm sóc da bằng các sản phẩm dịu nhẹ, phản ứng viêm da có thể tự hết.

- Đối với tổn thương mức độ trung bình có thể cần điều trị dùng thuốc bao gồm:

+ Thoa các dung dịch dịu da, sát khuẩn như dung dịch hồ nước, milian, dung dịch jarish, castellani, betadine…

+ Các thuốc mỡ steroid hoặc kháng sinh để giảm viêm, kháng khuẩn.

+ Nếu triệu chứng ngứa rát nhiều có thể dùng thêm thuốc uống kháng histamine hoặc giảm đau.

Cách phòng tránh kiến ba khoang 

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu kiến ba khoang xuất hiện nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong nhà, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng.

Ngoài ra, người dân có thể ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách:

+ Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào;

+ Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này;

+ Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.

+ Ban đêm tắt bớt các bóng đèn không cần thiết;

+ Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng có điều kiện tiếp xúc.

+ Với mật độ kiến ba khoang nhiều, phun thuốc diệt kiến ba khoang tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua và diệt chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Độc tố nguy hiểm trong kiến ba khoang gây loét da hoại tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO