Dương Động Văn Hà yêu thích văn chương từ ngày còn là thầy giáo trẻ đứng trên bục giảng với niềm đam mê phấn trắng bảng đen. Tôi đọc các tác phẩm của anh đăng rải rác trên các báo, tạp chí… nhận ra anh là người luôn nặng lòng với quê kiểng. Và “Trò chuyện với hoang đồi” (NXB Đà Nẵng - 2019) là tác phẩm đầu tay của anh, với 50 bài thơ, 13 tùy bút, tản văn và truyện ngắn. Dù biểu đạt dưới hình thức thơ hay văn xuôi, chủ đề xuyên suốt của “Trò chuyện với hoang đồi” là viết về làng quê nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi người dân quê vẫn còn gìn giữ nếp quê xưa, chưa bị nhạt phai bởi đô thị hóa.
“Tôi sinh ra ở làng Văn Hà/ Làng tôi nổi tiếng ngày xưa nhờ những người thợ mộc/ Nhà tôi ở lưng chừng Dương Động/ Một hoang đồi sim và mồ mả ông bà”. Mở đầu “Bài thơ viết về làng”, tác giả giới thiệu với người đọc như lời thủ thỉ tâm tình từ đáy sâu tâm khảm khiến ta không thể không chú ý lắng nghe. Vì thế, bằng lời thơ chân mộc, không cầu kỳ trau chuốt, tác giả đưa ta về làng quê anh, thăm lại ngôi nhà cũ, thăm giếng làng, ngắm nhìn khói đồng sau mùa gặt, đêm cuối năm mưa, nghe gà gáy nhớ mẹ… Hẳn nhiên, làng quê anh không chỉ có thế, mà còn có tết của ngày xưa, lời của tháng Giêng, thơ tình thời ông nội, thơ tình thời ông ngoại… với lối nhỏ đầy hoa, với đường cây lá nõn xanh, với “Những vườn quê nồng thơm hương cải hương ngò/ Con ong bầu bay quanh giàn mướp, con bướm trắng đậu trên nụ cà”. Qua thơ anh, làng Văn Hà hiện lên hiền hòa, yên ả và người với người sống ơn nghĩa cùng nhau. Thế nên, khi rời quê ra phố do hoàn cảnh đẩy đưa, anh luôn đau đáu nhớ quê và nhận ra: “Ngàn xưa cho đến ngàn sau/ Trăm nẻo đi. Một nẻo về/ Quê hương!”.
Hai mảng thơ và văn của Dương Động Văn Hà có cách biểu đạt biểu cảm rất riêng làm nên sự khác biệt của “Trò chuyện với hoang đồi”. Nếu như những câu thơ tự do phóng khoáng, giàu hình ảnh thì lại có những trang văn thấm đẫm tình người tình quê. Anh kể chuyện quê bằng giọng văn nhẹ nhàng nhưng lại có sức hấp dẫn lôi cuốn người đọc. Bà mẹ quê sống vò võ một mình nhưng không hề cảm thấy cô đơn bởi sớm hôm làm bạn với con gà mái, con gà trống, lũ chuột nhắt…, xem chúng như những người thân: “Còn chị gà mái chuẩn bị nhảy ổ hay bươi gốc tiêu, luống cải thì bà ngầy: “Đừng có bươi nữa, xả rác ra dơ quá nghe. Tui nói mà không nghe, tui cho đi Đà Nẵng sớm đó” (Bà mẹ quê). Đọc phần văn xuôi trong “Trò chuyện với hoang đồi”, không những ta thấy “cái lý” của người say cũng “có lý” nếu suy ngẫm kỹ, mà còn hiểu thêm về tình người làng Văn Hà trong chiến tranh, về những món ăn dân dã, về chuyện đi bắt cá bừa ngày xưa…
Đặc biệt là chùm ba truyện ngắn: Trái tim người mẹ, Đằng sau nỗi buồn, Người đàn bà bước ra từ trang sách thấm đẫm tính nhân văn, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về tình người. Trái tim người mẹ là truyện ngắn viết về hòa hợp hòa giải dân tộc khi cuộc chiến đã lùi xa.
Là tác phẩm đầu tay nhưng “Trò chuyện với hoang đồi” của Dương Động Văn Hà đã tạo được chỗ đứng trong tâm hồn người đọc, nhất là những người già, quả là niềm hạnh phúc đối với người cầm bút.