Theo số liệu Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến hết ngày 28/2/2023, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân đạt 5% so với kế hoạch vốn được giao của UBND tỉnh, đạt 5,6% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Con số đáng chú ý tại báo cáo này là nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân chỉ đạt 3,3%; trong đó: Vốn hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giải ngân đạt 0,4%; Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 0,7%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 0%; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 0,9%.
Theo Nghị quyết 54/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 về kế hoạch đầu tư công năm 2023 thì vốn thực hiện các chương trình MTQG là 895,760 tỷ đồng, gồm: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 339,115 tỷ đồng; Chương trình Giảm nghèo bền vững 378,525 tỷ đồng; Chương trình Xây dựng nông thôn mới 178,120 tỷ đồng.
Cũng tại Kỳ họp 12, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó đưa ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế tồn tại trên lĩnh vực giảm nghèo.
Cụ thể như tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động, trách nhiệm trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững khu vực miền núi, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Phát huy, nhân rộng các mô hình, gương điển hình thoát nghèo bền vững. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo thực chất theo chuẩn nghèo đa chiều.
Tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo gắn với thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, chính sách và các nguồn lực huy động khác để thực hiện công tác giảm nghèo; giải ngân nguồn vốn giảm nghèo kịp thời, đúng tiến độ.
Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát xác định và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo đúng quy định làm cơ sở đề xuất chỉ tiêu giảm hộ nghèo hằng năm và đề ra giải pháp hỗ trợ thoát nghèo cụ thể, phù hợp. Tựu trung, tất cả giải pháp đều nằm ở phía cơ quan thực thi công vụ.
Nhưng, từ Kỳ họp thứ 12 đến Kỳ họp thứ 13 (diễn ra vào ngày mai 21/3), từ khi nghị quyết ra đời, vẫn KHÔNG MỘT ĐỒNG nào được giải ngân hoặc chỉ giải ngân cực thấp như số liệu nêu trên.
Nguyên nhân có thể rất nhiều, như không có khối lượng để thanh toán, hay vướng mắc ở đâu đó trong quy trình rối rắm của hồ sơ thủ tục hành chính, hay chất lượng/năng lực cán bộ thực thi công vụ, hay gì nữa thì rồi sẽ được nêu ra. Người dân đang cần giải pháp khả thi hơn để được thụ hưởng nguồn vốn đó sớm nhất.
Tại Kỳ họp thứ 13 này, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh để ban hành một nghị quyết nhằm có cơ sở pháp lý thực hiện các nhiệm vụ đặc thù giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Chương trình).
Ở đó sẽ quy định nội dung và mức chi thực hiện nhiệm vụ đặc thù giảm nghèo về thông tin (Tiểu dự án 1- Dự án 6) thuộc Chương trình. Cùng với đó là đề nghị HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về phân bổ kế hoạch vốn thực hiện Chương trình.
Nếu các nghị quyết này được thông qua, lại sẽ tiếp một khoảng chờ để thực thi. Và dù đã có nhiều văn bản liên quan đến Chương trình này trong các năm qua, nhưng nhìn vào khó khăn hiện hữu của năm 2023, thì phải hành động quyết liệt hơn, để tới Kỳ họp thứ 14, mới có cơ sở cho chúng ta hy vọng, con số giải ngân của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững không phải ở 0% hay chỉ 1 con số.