Đội bảo vệ sao la

ĐOÀN ĐẠO 16/09/2013 09:02

Lực lượng tuần tra bảo vệ chuyên trách Khu bảo tồn sao la Quảng Nam ngày đêm âm thầm tuần tra giữa rừng sâu bảo vệ môi trường sống cho những cá thể sao la quý hiếm còn tồn tại ở khu vực tây bắc Quảng Nam…

Vượt suối, lội rừng để bảo vệ môi trường sống cho sao la. Ảnh: Đ.ĐẠO
Vượt suối, lội rừng để bảo vệ môi trường sống cho sao la. Ảnh: Đ.ĐẠO

Theo chân đội tuần tra

Từ văn phòng Khu bảo tồn sao la Quảng Nam (xã Bha lêê, Tây Giang) chúng tôi theo chân một tổ tuần tra xuôi về xã Sông Kôn (Đông Giang). Gửi xe ở nhà dân thôn Bút Nga, tổ tuần tra hướng về tiểu khu 43, 44 thuộc Khu bảo tồn sao la. Mất một ngày đi bộ với 7 cây số đường rừng, “đại bản doanh” được dựng lên giữa tiểu khu 43 và 44 bằng trại bạc rộng 24m2. Tuần tra viên Ating Đông nói: “Mai tuần tra sớm, anh em tranh thủ nghỉ ngơi”. Sau bữa cơm vội, cả đội mắc võng trong lều ngủ qua đêm.

Năm giờ sáng, chuyến tuần tra bắt đầu. Mỗi tuần tra viên khoác ba lô, kiểm tra các vật dụng cần thiết hướng tiểu khu 43 lên đường. Tổ có 6 thành viên đi chậm rãi, không cách quá xa để tránh bị lạc. Từng mét vuông đất rừng trên chặng đường đi đều phải được quan sát rất kỹ. Tổ trưởng Huỳnh Công Huy giải thích: “Mình không chú trọng việc đi được bao nhiêu cây số mà quan trọng là đi chậm, quan sát tốt để phát hiện ra các bẫy thú, còn phải lắng nghe các âm thanh như máy cưa, cây ngã đổ… để phát hiện hiện tượng phá rừng trái phép”.

“Hiện nay, số lượng sao la ở khu vực tây bắc Quảng Nam còn khoảng 40 - 50 cá thể đang sinh sống, phân bố ở các khu vực Tà Lu, Sông Kôn (Đông Giang) và A Vương, Bha lêê (Tây Giang). Nếu không bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sống của sao la thì tương lai không xa loài động vật được mệnh danh là “linh hồn của dãy Trường Sơn” sẽ tuyệt chủng”
(Ông Hà Phước Phú - Phó Giám đốc Khu bảo tồn sao la Quảng Nam)

Bữa cơm trưa của cả đội là nguồn  thức ăn dự trữ sẵn với với cá khô, thịt kho đã nguội từ lúc nào. Tranh thủ hội ý, cả nhóm quyết định đi vòng hình cung trở về trại. Anh Ating Đông giải thích: “Mình phải vòng đường khác để còn kiểm tra thêm nhiều diện tích, tìm kiếm loại bỏ các mối nguy hiểm cho sao la. Làm như vậy mình sẽ tuần tra được nhiều hơn”. Đi đến đâu, tổ tuần tra đều cẩn thận sử dụng máy có hệ thống định vị toàn cầu xác định GPS tọa độ, ghi nhật ký hành trình. Đường trở về vòng cung xa hơn trở nên khó khăn khi trời bất chợt đổ mưa. Nhưng các anh em trong đội nói như không: “Những lần tuần tra gặp mưa lớn, nước lũ tràn xuống anh em phải ở giữa rừng, đợi nước rút mới vượt suối trở về. Có hôm về tới trại đã nửa đêm, đói lả và mệt vì thấm lạnh nước mưa”. Kết thúc một ngày tuần tra qua 5 cây số đường rừng, ai nấy mỏi nhừ, mệt lả. Bếp lửa được nhóm lên lấy ánh sáng và tránh thú rừng, những thành viên của tổ tuần tra chìm vào giấc ngủ say. Khuya chỉ có sự im ắng của rừng già. Ngày mai, tổ tuần tra tiếp tục vào tiểu khu 44.

Bảo vệ sao la

Sau 8 ngày ở rừng chuyến tuần tra bảo vệ sao la kết thúc, đổi phiên cho nhóm khác. Cả tổ phát hiện tháo gỡ 5 bẫy thú của người dân đặt tại tiểu khu 44, phá hủy 2 lán trại ở tiểu khu 43, 44 và hủy hơn 2m3 gỗ xoan đào do lâm tặc bỏ chạy để lại. Tất cả được ghi vào nhật ký hành trình. Anh Huỳnh Công Huy, thành viên đội nói: “Nhiệm vụ của tổ tuần tra là ngăn chặn phá hủy tất cả nguy cơ gây hại đến môi trường sống của sao la. Nếu gặp người dân, chúng tôi thực hiện tuyên truyền tại chỗ giúp họ hiểu và không vào rừng nữa”.

 Lực lượng tuần tra bảo vệ chuyên trách gồm 24 người thuộc Khu bảo tồn sao la Quảng Nam. Lực lượng này có nhiệm vụ ngăn chặn các mối đe dọa môi trường sống của loài sao la như: phá rừng khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy, săn bắn thú rừng. Theo ông Hà Phước Phú, Phó Giám đốc Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, có 4 tổ thay phiên nhau tuần tra trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi chuyến tuần tra kéo dài 6 - 8 ngày liên tục. Nguyên tắc tuần tra bắt buộc sử dụng GPS ghi lại tuyến và các dấu hiệu vi phạm. Tất cả các dữ liệu sẽ được nhập vào hệ thống quản lý thông tin trực tiếp tại văn phòng Khu bảo tồn sao la Quảng Nam. Đặc biệt, để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác tuần tra, bí mật của chuyến đi được giữ kín, các địa điểm thực hiện không được biết trước, giữa các tổ cũng không biết địa điểm tuần tra của nhau.

Thành lập vào tháng 3.2011, lực lượng tuần tra của Khu bảo tồn sao la đã thực hiện 192 đợt tuần tra trên khắp diện tích của khu bảo tồn. Qua đó đã kịp thời tháo gỡ, phá hủy 9.632 bẫy thú các loại cùng hàng nghìn mét rào bẫy; phá hủy 254 lán trại và đuổi 141 lượt người vào rừng trái phép. “Song song với công tác tuần tra, bảo vệ trong khu bảo tồn, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền giáo dục cho bà con nhân dân vùng đệm của khu bảo tồn nhằm tránh những xâm hại đến khu vực bảo tồn. Với 24 cán bộ, bảo vệ trực tiếp thực hiện công việc tuần tra, bảo vệ khu bảo tồn với diện tích 15.800ha thì không tránh khỏi những khó khăn. Nhưng bằng trách nhiệm chúng tôi đang cố gắng giữ gìn môi trường sống tự nhiên nhất để sao la và các loài động vật quan trọng khác nằm trong sách đỏ được tồn tại và sinh trưởng” - ông Hà Phước Phú nói.

 ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đội bảo vệ sao la
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO