Đời biển

SƠN TRẦN 09/10/2019 10:21

1. Chiều đã xuống thấp. Bóng nắng từ rặng dương nghiêng chếch xuống bãi cát, rơi dài mặt nước, lấp loáng. Biển vắng. Từng lọn sóng uốn mình nối nhau liếm nhẹ lên bờ, bọt trắng vỡ lao xao. Phía bến cá lúc này, thuyền cũng đã rời bến, chỉ còn lại một vài chiếc đang sửa chữa.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Tầm này, xóm chài đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Con đường luồn qua xóm nhỏ đầy cát, hàng rào là những thanh gỗ tạp hay bụi xương rồng. Ngôi nhà nào cũng thấp mái, lúp xúp kề nhau. Người ta giải thích rằng để tránh gió nóng mùa bão cát và hạn chế thiệt hại trước những mùa dông biển.

Trong căn nhà nằm cuối xóm, hướng mặt ra biển, từng đụn khói lam lọt qua khung cửa nhỏ, chờn vờn quấn lấy khóm mía, đọt mồng tơi. Hai mẹ con ngồi trước mâm cơm, vừa ăn vừa trò chuyện. Thằng Nhân, hai mươi tuổi, mới tốt nghiệp trung cấp điện, là con trai duy nhất của chị Len. Sau khi hỏi thăm má vài câu về buổi chợ sáng nay, thằng Nhân đặt chén cơm xuống mâm rồi đưa mắt lên bàn thờ ba, giọng chậm rãi, xúc động:

- Con phải đi biển ba à!

Nghe con trai nói, chị Len giật mình, nhìn sững. Thằng Nhân quay lại, im lặng trước thái độ nửa như ngạc nhiên nửa như lo sợ của má.

Ngừng một lát để miếng cơm đang nhai trôi xuống cổ hay đúng hơn để sự xúc động lắng xuống, tan đi, chị Len ngập ngừng từng tiếng:

- Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Biển giã bây giờ không như trước đây, nhiều bất trắc lắm...

Hiểu được lòng người mẹ từng trải qua biến cố trong cuộc đời, thằng Nhân chồm qua ôm lấy vai má, vỗ về:

- Má yên tâm đi, con nay trưởng thành rồi. Thêm nữa đã có ba phù hộ cho con.

Nói xong, thằng Nhân đứng dậy đến bên bàn thờ ba. Hôm nay ngày rằm, trên bàn chưng một đĩa trái cây và lọ hoa cúc. Mấy nén nhang đang cháy, khói tỏa vờn quanh...

2. Vậy mà đã mười năm rồi. Mùa biển động. Năm ấy, thằng Nhân mới mười tuổi. Những cơn dông từ biển thổi tràn xóm chài, lạnh buốt. Nhà nào cũng đóng chặt cửa, trẻ con, ông bà già không dám ra khỏi nhà. Con đường dẫn ra bến cá đầy cát. Gió ràn rạt thổi, cát dồn ụ, khuất lấp bụi cây gai thấp và những vạt cỏ úa ven đường. Dông biển nổi lên rồi! Ai đó thông tin. Đám đàn bà nhộn nhạo, đổ ra biển. Tiếng bước chân rầm rập. Tiếng gọi thất thanh. Họ ra biển ngóng thuyền cá của chồng, người thân mình về. Trong vịnh, mấy chiếc thuyền cũ nát lắc lư, chao đảo theo nhịp sóng. Đôi lúc, sóng dữ ập vào, chiếc thuyền ngã nghiêng, nước suýt tràn vào khoang.

Những chiếc thuyền đánh cá nối nhau cập bến, đưa sâu vào vịnh, chằng níu cẩn thận. Tiếng khóc vỡ òa khi người thân của mình về bến an toàn của những người đàn bà. Họ nán lại hỏi thăm vài câu rồi lần lượt dắt nhau vào xóm.

Thuyền của chồng chị Len vẫn chưa thấy đâu. Gió mỗi lúc mạnh dần lên thành bão. Sóng bạc đầu cuồng nộ, phá phách bãi bờ. Chị Len nhìn trân vào những cặp mắt thuyền, hốt hoảng. Chị cảm thấy rúng động, một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Cứ thế, chị lê bước dọc bờ biển, gào tên chồng thảm thiết. Mệt quá, chị ngã quỵ. Mái tóc không còn mướt đen mà bị gió biển hất tung, lòa xòa trước trán. Gương mặt chị tái đi. Đôi mắt ngây dại, vô hồn. Chiếc áo cũ sờn bạc trắng mồ hôi, lệch tà, xộc xệch... Chị đã không biết mình sau đó như thế nào nữa. Chỉ đến khi mở mắt trong phòng y tế xã, đầu hãy còn váng vất đau chị nghe loáng thoáng: Cô ấy tỉnh rồi, cũng may, không thì cả hai vợ chồng...

Mấy ngày sau, chị Len như kẻ mất hồn, cứ đi lang thang. Thằng Nhân sau buổi học là chạy đi tìm mẹ, dắt về. Nhìn đứa con nhỏ dại mà đã mất cha, chị đau như thể ai cứa từng nhát dao vào lòng. Nước mắt của chị bao lần hòa vào mưa chiều, tan vào gió sớm. Biển cả thì vẫn vô tâm. Cứ ầm ào cuồng nộ. Cứ trầm tư, khó hiểu.

Mùa tiếp mùa. Năm nối năm. Biển xô bờ, khoét hàm ếch. Đẩy xóm chài lùi vào bên trong. Trước nhà chị là một hõm sâu, trơ ra gành đá lởm chởm. Chị hay ngồi trên bờ đá, cạnh vạt rau muống biển, sau buổi chợ chiều, nhìn đăm đắm ra biển như đợi thuyền về. Nỗi đau của những người đàn bà ở xóm chài khó mà nguôi ngoai, bởi thỉnh thoảng, nhất là vào mùa dông bão, họ lại nhận tin dữ từ một chiếc thuyền nào đấy. Thuyền bị sóng đánh hay bị cướp biển tấn công. Kỷ niệm cũ ùa về, nỗi đau xưa lại trầy xước. Cũng như chị, những người đàn bà có chồng đi biển ở xóm chài này đều sợ mùa biển động. Giấc ngủ khó yên, cơn mơ chập chờn, nhiều trăn trở. Có người chịu không được cái quá khứ buồn đau lâu lâu lại tấy sưng, hành hạ, đành bỏ xứ ra đi. Biết rằng đi cũng khó quên, nhưng ít ra cũng tìm được chút bình yên cho tâm hồn.

Hết cấp ba trường huyện, thằng Nhân nằng nặc đòi nghỉ ở nhà đi biển. Chị Len lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ chồng, rồi lầm rầm khấn vái. Đoạn, chị cầm tay con, nói trong nước mắt:

- Không thể được con ơi, má không thể để mất con...

Thằng Nhân ôm lấy mẹ, gào lên. Lần đầu tiên trong đời, một thằng con trai vùng biển cao lớn, vạm vỡ khóc như thế. Nước mắt xót thương chảy tràn. Chị vuốt tóc con, an ủi. Ngày thằng Nhân khoác túi vào trường nhập học là chuỗi ngày cô đơn nhất bủa vây chị Len trong căn nhà nhỏ nằm ở cuối xóm này...

3. Thằng Nhân ngồi trên bậc đá trước nhà. Biển ngoài kia ru mãi khúc hát tự ngàn năm. Trầm buồn và đầy huyền bí. Trăng hạ huyền xa mờ, mỏng manh như một chiếc lá treo cuối trời. Bầy dơi ăn đêm đập cánh loạn xạ trên mấy ngọn dừa dọc bờ cát vắng. Xóm chài chìm sâu trong giấc ngủ mệt nhoài sau ngày lao động vất vả. Những ngọn đèn treo trên nóc thuyền neo ngoài vịnh chao theo nhịp sóng, ánh sáng chập chờn trên mặt nước. Gió khuya từng đợt lạnh tràn qua vai.

Chị Len cũng không tài nào chợp mắt được. Chị trằn trọc, nghĩ suy trước quyết định của con. Nó sẽ lênh đênh trên biển chứ không xin việc sau khi đã ra trường. Tấm bằng tốt nghiệp đặt trân trọng bên di ảnh ba nó. Hỏi nó vì sao lại lựa chọn như thế, nó chỉ cúi mặt mà không nói gì cả. Thương con mồ côi cha sớm, thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa, chị đã cố gắng bù đắp cho nó. Thằng Nhân là đứa con biết nghĩ, hiếu thảo. Thương mẹ vất vả, ngược xuôi chạy chợ nuôi con nên nó tỏ ra chăm chỉ, ngoan ngoãn. Một buổi đến lớp, về nhà là lo phụ má việc vặt. Cả xóm chài ai cũng khen nó. Chị Len tự hào về con lắm.

Chị Len còn nhớ cách đây chừng bốn năm, thằng Nhân dò ý má là muốn có người bầu bạn sớm hôm không? Chị bất ngờ, xúc động, không giấu được niềm hạnh phúc khi có đứa con biết yêu thương, chia sẻ cùng mẹ như thế. Chị pha trò đôi câu gì đấy. Nghĩ rằng nó sẽ quên béng đi nhưng một hôm nó đưa về nhà một người đàn ông lạ, người này nó gặp mấy lần trên bãi. Ông ta là thợ mộc, chuyên đóng thuyền. Hai bác cháu từng có thời gian chuyện trò với nhau.

Thực tình, đôi lúc chị cũng muốn có một người đàn ông để nương tựa, để nhờ đỡ mỗi khi trái gió trở trời. Thằng Nhân đi làm xa thì ngôi nhà vẫn còn hơi ấm của sự yêu thương, chia sẻ. Chị đắn đo trước sự thúc giục của con. Người đàn ông tuần vài lần lại ghé, có hôm ăn với mẹ con chị bữa cơm. Thằng Nhân quý mến người đàn ông có thể thay ba nó đem lại hạnh phúc cho má. Hai bác cháu hay nói chuyện với nhau, cùng nhau đóng lại cái chân bàn long đinh, dọi lại mái tôn bị thủng, khuân đá lát lối ra đằng sau bếp hay chèn xung quanh nền nhà... Chị Len thấy vui lắm. Nhìn lên di ảnh chồng, chị cảm thấy sự độ lượng toát ra từ ánh mắt chồng khiến chị càng yên tâm hơn...

4. Thằng Nhân chuẩn bị đi biển, chuyến đầu tiên. Chị Len sắm một mâm lễ mang ra dinh cúng ông Nam Hải. Người đàn ông thợ mộc cũng đôn đáo sửa chữa, sơn quét chiếc thuyền cũ đã lâu không dùng. Một thoáng buồn lướt qua, khi chị Len trông thấy con trai đứng trước bàn thờ ba và khóc. Có lẽ nó đang nói với ba về hành trình sắp tới của nó. Nó sẽ nối nghiệp gia đình, gắn bó với biển, dù biết rằng, nghề này nguy hiểm. Người đi biển đối mặt với phong ba, người ở nhà phấp phỏng, hồn treo cột buồm.

Thuyền hạ thủy. Người xóm chài đến chúc mừng đông lắm. Bạn thuyền bắt tay thằng Nhân động viên. Thằng Nhân cười tươi, đáp lại bằng cái cúi đầu lễ phép. Chị Len và người đàn ông thợ mộc ra tận bến tiễn con. Họ đứng nhìn theo chiếc thuyền con trai mạnh mẽ cưỡi lên sóng lao ra khơi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đời biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO