“Sông kia rày đã nên đồng…”, là phía một con Sông lấp trong thơ Tú Xương. Cũng là tạo hóa làm ra “thương hải biến vi tang điền”, bãi bể nương dâu, nhưng một phía bờ được hưởng, phía kia thì chênh chao.
Nếu ai trải qua những quãng đời ở ven sông biển sẽ thấy chuyện lở bồi thường lưu dấu ký ức buồn vui lẫn lộn. Đôi bờ sông Thu chừng một đời người lại xê dịch một phía bờ, có khi lấy mất đi một làng ở chỗ này mà cho làng khác một bãi biền màu mỡ. Còn ở dọc bãi biển, nhất là đoạn cuối sông ra Cửa Đại, An Hòa, xê xích luồng lạch bị bồi lấp, rồi làm xói trôi cả đoạn bờ. Ngay bãi tắm Cửa Đại sạt lở thì doi đất phía nam hình thành một bãi như “con khủng long”. Trong phía Cửa Lở cũng thế, nghe tiếng vọng lở bồi lục bục đâu đó âm u lòng đất, mà có những ngôi nhà đã sạt không dám trú ngụ nữa.
Sạt, không chỉ ở cuối sông đầu bể. Sạt còn rát rạt hơn ven chân đồi, khe suối. Những ngọn núi tưởng đứng vững mấy mươi năm đời người bỗng nứt ra toang hoác sau tháng mưa dầm, đổ ầm theo lũ ống, lũ quét, cuốn hết cả ngôi làng đồng bào. Phía bờ nào ở dưới xuôi xa kia được hưởng chút phù sa, còn bờ núi thì chúi mũi trong tiếng nấc nghẹn, tiếng khóc hờ bi thương.
Tất cả mọi ngả đường tìm kiếm nguyên nhân sạt lở rồi cũng đi đến đổ tội cho… trời và người. Trời, thiên tai thì khó nắm bắt. Đất chuyển cũng khó ai hay. Còn người, nghiệt thay vẫn cào cấu thiên nhiên, đào cát lòng sông, phá rừng và dựng nhà máy thủy điện. Những tưởng chinh phục và bắt tự nhiên phục vụ mình không giới hạn, nhưng “của trời không vô tận”, lại “nhân nào quả nấy” nên nhận lại đủ sự trả đũa khi lòng tham vô đáy. Cho nên bao hội nghị, hội thảo rồi mà nhận thức ấy chưa được đả thông triệt để thì chưa dễ thích ứng với tự nhiên (?).
Nhân nói về hội thảo giải pháp phòng chống sạt lở đất, nhắc chuyện bờ biển Cửa Đại thảo đi, luận lại nhiều lần vẫn khó tìm được cách khắc phục hữu hiệu. Thêm tình hình năm 2020, sạt lở đất diễn ra diện rộng ở miền núi, khiến Quảng Nam càng phải thúc hối việc nghiên cứu để có giải pháp giảm thiểu thiệt hại. Rồi cũng tại Hội An, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”, với sự tham dự khá đông chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương. Nhưng xem ra hội thảo chỉ dừng ở các khuyến cáo có tính kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ nghiên cứu, cảnh báo thiên tai lũ lụt và sạt lở; chủ yếu bàn các định hướng lớn, còn đi sâu giải pháp cho từng vùng, từng ngôi làng miền núi sẽ phải tùy thuộc địa phương xây dựng dự án và tìm nguồn lực thực hiện cụ thể. Nói thế để thấy không phải một sớm một chiều giải quyết được câu chuyện thao thức của chính quyền và người dân, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở, tìm được nơi ở an toàn bền vững. Đôi bờ tâm thức này sẽ trở đi trở lại với việc tái thiết cuộc sống, khắc phục hạ tầng, tìm sinh kế cho người dân, và sâu thẳm hơn là văn hóa. Thật vậy, VĂN HÓA Ở là một chiều kích không gian liên quan cả cộng đồng và từng cá nhân. Làm được ngôi nhà thì dễ, dựng lại ngôi làng bị sạt lở cũng không khó, nhưng làm sao để phục sinh nếp ăn nếp ở có tính cộng đồng cao của đồng bào đã hằn in trong di sản ký ức là việc cả đời người.
Dù vẫn chênh chao ngoài kia giọt nắng vàng cuối đông, nhưng trời sắp vào tiết lập xuân, có tin mừng một số vùng sạt lở đã tìm được nơi cho đồng bào trú ở đón tết. Dẫu chưa hết nỗi lo toan cuộc sống mai này, nhưng giờ đây con người đã thức nhận thêm sức mạnh của thần núi, thần rừng, thần sông, thần biển, chính là tâm thức phải HÒA với thiên nhiên mới “bất chiến tự nhiên thành”.