Đôi bờ tháng Tư...

Ghi chép của XUÂN THỌ 29/04/2018 09:16

Thu Bồn, dòng sông mẹ, qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vẫn miệt mài chảy. Trầm tích phù sa ấy, đã nuôi dưỡng ý chí chiến đấu, nâng niu mãi từng nghĩa cử ân tình, mà những trái tim cách mạng dành cho nhau.

Đôi bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua vùng tây Duy Xuyên và vùng B Đại Lộc. Ảnh: XUÂN THỌ
Đôi bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua vùng tây Duy Xuyên và vùng B Đại Lộc. Ảnh: XUÂN THỌ

Ký ức một thời

Tháng Tư. Mắt nắng long lanh, lọt qua từng kẽ lá, miết dài theo những câu chuyện xưa cũ, đọng lại trên triền cát ven sông. Ông Lê Yến ngồi bên bờ sông thuộc địa phận xã Duy Tân (Duy Xuyên) ngó sang bờ bên kia thuộc các xã Đại Cường, Đại Thắng và Đại Thạnh (Đại Lộc) để hồi tưởng về một thời chiến tranh. Cái thời kể từ sau hiệp định Genève năm 1954, người dân 6 xã ở đôi bờ sông Thu Bồn đã nương tựa nhau để giữ từng tấc đất quê hương. Sáu xã này gồm 3 xã thuộc vùng tây Duy Xuyên là Duy Tân, Duy Hòa và Duy Thu và 3 xã vùng B Đại Lộc là Đại Cường, Đại Thắng và Đại Thạnh. Tuy vậy, thời kỳ Pháp thuộc trở về trước, các xã vùng B Đại Lộc này thuộc ranh giới địa chính của Duy Xuyên.

Trong đáy mắt ông Yến, hai bên sông Thu Bồn của mấy chục năm về trước vẫn xanh um những bờ dâu tằm. Cư dân hai bên bờ sông, xuất phát từ những mối quan hệ họ hàng, máu mủ, đã cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Rồi khi Mỹ ngụy đến, biết nơi này là đầu mối thông tin liên lạc từ dưới đồng bằng lên, từ trên xuống của cách mạng, chúng cho xây dựng những đồn bốt dày đặc, rồi lập nên những “ấp chiếc lược” để dồn dân. “Tất nhiên là chỉ có con nít với phụ nữ già yếu, còn chúng tôi “nhảy” hết, để hoạt động cách mạng. Hễ địch càn quét bên này sông, thì chúng tôi “nhảy” sang bên kia sông, là bọn hắn chịu, không biết đường mô mà tìm. Những khi ấy, anh em luôn cưu mang nhau, san sẻ từng miếng ăn còm cõi, canh giữ cho nhau từng giấc ngủ sau ngày mệt nhoài…” - ông Yến nhớ lại.

Ông Yến và bà Luận ngồi kể lại chuyện hoạt động cách mạng với nhau. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Yến và bà Luận ngồi kể lại chuyện hoạt động cách mạng với nhau. Ảnh: XUÂN THỌ

Người đàn ông 81 tuổi, nguyên là Bí thư xã Xuyên Phú cũ (gồm 3 xã Duy Thu, Duy Hòa, Duy Tân ngày nay) trong lúc lần giở ký ức thời trai trẻ đời mình, luôn cố tránh đi những mảng màu đau thương. Ông nhớ nhất là năm 1965, khi toán du kích của ông bao vây tàu địch trên sông Thu thì bất ngờ bị đánh phủ đầu bởi những loạt súng. Huyện đội trưởng Duy Xuyên lúc ấy là ông Nguyễn Thanh Dương (đã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) bị thương nặng. Mặc dù nhỏ con, nhưng ông Yến vẫn cố gắng cõng ông Dương về phía bờ hướng Đại Thạnh trong những làn đạn. “May mà anh em bên đấy ứng cứu kịp, chớ không thì bây giờ đâu còn ngồi đây” - ông cười.

Tiếng hát binh vận

Sau cái cười ấy, ông chợt nắm tay tôi: “Đi, mi đi với tau, gặp cái bà ni hay lắm”. Là bà Luận, trong các giấy tờ ghi là Võ Thị Sáu, năm nay 82 tuổi, cách nhà ông Yến không xa lắm. Bà Sáu, cùng với hàng trăm phụ nữ khác ở vùng tây Duy Xuyên và vùng B Đại Lộc đã rất khéo léo để đấu tranh với Mỹ ngụy trong việc che giấu bộ đội, du kích. Nhưng cái biệt tài của bà, là binh vận, bà có cách khiến cho không ít lính ngụy buông súng để trở về với gia đình. Cũng vì lẽ ấy, bà Luận luôn được giao trọng trách binh vận. Những cựu binh tôi gặp sau đó, cũng khen bà không tiếc lời!

Đời binh vận của bà, nhiều vô số kể những lần chiêu dụ lính ngụy. Nhưng bà nhớ nhất, là cái lần vào tháng 9.1973, khi cùng một lúc bà kêu gọi được 19 lính ngụy đầu hàng. Bà kể, vào thời điểm ấy, cách phía sau nhà bà bây giờ không xa, có một cái Gò Bao mà Mỹ ngụy dựng lên, cứ mỗi tháng là luân phiên về đó một trung đội để trấn giữ. Từ Gò Bao này, có thể quan sát được cả một vùng. Quân ta còn hạn chế nhiều về mặt súng đạn cũng như con người để đánh phá Gò Bao này, nên bà Luận được giao trọng tránh chiêu dụ lính ngụy. Bà gặp viên trung đội phó của trung đội lính ngụy, biết là người Nông Sơn, bèn hỏi: “Nghe nói Nông Sơn bị đánh (cách mạng đánh Mỹ ngụy - PV) rồi đúng không?”. Viên trung đội phó gật đầu xác nhận. “Chừ các anh muốn răng?” - bà Luận tiếp tục hỏi. Viên trung đội phó ấy ậm ừ. “Vậy có muốn về nhà với gia đình không?” - bà Luận thêm vào… Bà Luận xoáy sâu vào chuyện vợ con, gia đình của lính ngụy ở nhà.

“Khi ấy có trăng, đêm nào chúng tôi cũng mở nhạc về quê hương, gia đình cho bọn họ nghe. Hai ngày sau thì họ đầu hàng” - bà Luận nhớ lại. Rồi quay sang ông Yến: “Hồi nớ anh cũng hỗ trợ tụi tui ghê ấy chớ. Sợ bọn hắn giở trò, nên phải nhờ anh em du kích mai phục để có bề gì thì kịp hành động. May mà trơn tru!”. Sau khi đầu hàng, toán lính ngụy ấy được hướng dẫn để trở về với gia đình, một số ở lại cùng tham gia cách mạng, lập được không ít chiến công.

Những cuộc gặp gỡ

Tôi tiếp tục dọc theo dòng Thu Bồn, ngược Duy Tân lên Duy Thu, để tìm những người anh hùng ở 6 xã ven sông. Kể từ sau giải phóng, họ lại tiếp tục đồng hành để dìu dắt nhau trong khôi phục, ổn định và phát triển đời sống. Anh hùng LLVT nhân dân Trần Đình Tẩn, ở tuổi 71 vẫn còn minh mẫn, dù tháng năm khói súng, bom mìn đã khiến thính lực của ông giảm đi rất nhiều. Nhà sát bờ sông, ông dắt tôi ra phía sau, chỉ về bên kia bờ: “Mé đấy, hồi xưa không có anh em bên ấy thì tôi chết rồi. Nên anh em với nhau nghĩa tình lắm, cứ qua lại gặp nhau suốt”.

Cầu Giao Thủy nối Duy Xuyên và Đại Lộc Ảnh: XUÂN THỌ - QUỐC HUY
Cầu Giao Thủy nối Duy Xuyên và Đại Lộc Ảnh: XUÂN THỌ - QUỐC HUY

Theo cái chỉ tay của ông Tẩn, tôi qua bên kia bờ sông Thu Bồn, đến xã Đại Cường, gặp được cùng lúc hai người là ông Nguyễn Nhũ - nguyên Bí thư xã Đại Cường và ông Nguyễn Hữu Mai - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Cả hai đang nói về cuộc gặp mặt vào ngày 27.4 tại xã Duy Tân. Hành trang của họ là những kỷ niệm ngày cũ đang nằm yên trong nếp gấp ký ức. Gặp nhau, cho nhau cái ôm, rồi ngồi hàn huyên chuyện xưa chuyện nay, cốt cũng là để nhắc nhớ nhau thời khói lửa. “Nhưng cái quan trọng nhất, là để lớp trẻ bây giờ thấy được mối quan hệ gắn kết mấy chục năm qua ở hai bên bờ sông” - ông Mai nhấn mạnh.

Kể từ ngày giải phóng, 6 xã ven sông Thu Bồn mỗi năm tổ chức gặp mặt nhau hai lần vào dịp 30.4 và 2.9. Từ năm 2003, sau khi sắp xếp lại, họ còn chung tay góp sức góp tiền để xây dựng nhà tình nghĩa cho những người hoạt động hay nuôi cách mạng, du kích năm xưa. Kể từ năm 2009, việc gặp gỡ chỉ còn mỗi năm 1 lần vào dịp 30.4, các xã vẫn tiếp tục luân phiên nhau đăng cai tổ chức theo kiểu năm này xã này của Duy Xuyên, thì năm tới xã kia của Đại Lộc. Việc tặng tiền để xây nhà tình nghĩa cũng chuyển hướng thành tặng sổ tiết kiệm. Mà theo lời ông Nhũ, là cốt để anh em có được sự xoay xở làm ăn, giảm bớt phần nào khó khăn.

Những người thuộc thế hệ ấy, rất nhiều người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Những người còn sống, còn đi lại được, vẫn miệt mài cho nhau những yêu thương trong tình đồng đội mà họ đã gầy nên từ thời khói lửa. Lớp người nặng nghĩa ân tình từ thời chiến tranh vẫn tin rằng, chính những cuộc gặp gỡ của mình, sẽ ít nhiều giúp cho lớp trẻ thấy được người hai bên bờ đã từng thương yêu nhau như thế nào, để mà giữ tình anh em bền chặt được dựng xây từ tháng năm đất nước chìm trong khói lửa.

Tháng Tư. Quẩn quanh dòng sông Thu Bồn, lắng nghe những ân tình, mong rằng mãi được đong đầy về sau…

Ghi chép của XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đôi bờ tháng Tư...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO