Theo một số tư liệu, bóng đá bắt đầu du nhập Việt Nam theo dấu chân người Pháp vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, miền Nam là nơi được tiếp cận sớm nhất, sau đó lan tỏa đến miền Bắc và miền Trung. Ngoài những trận đấu giao hữu hoặc giải đấu tự phát do các đội bóng tổ chức, chính quyền đương thời còn tổ chức giải đấu hằng năm để các đội tranh tài. Giải đấu được chia theo khu vực 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Tại miền Trung, Tổng cục Vận động Trung Kỳ lại chia các đội bóng thành hai bảng ở bắc miền Trung và nam miền Trung để thi đấu. Đội vô địch sẽ giành quyền thi đấu giải vô địch Đông Dương (bao gồm các đội miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam và Cao Miên).
Tuy nhiên, sau vài lần thua trận, Tổng cục Vận động Trung Kỳ đã thay đổi bằng việc chọn lựa cầu thủ hay nhất ở các đội để thành lập một đội đại diện cho Hội tuyển Trung Kỳ đi thi đấu giải vô địch Đông Dương.
Khu vực miền Trung thời kỳ này có khá nhiều đội bóng đá được thành lập, có thể kể đến các đội có tiếng như: Stade Olympique (Huế), Citad Sport (Huế), Societe d’Education Physique et de Sports de Huế (viết tắt là SEPSH), Sportive Touranais (Đà Nẵng), Association Sportive Faifo (Hội An), ASNA (Nghệ An), ASFC (Quảng Ngãi), SEPS (Quy Nhơn), Hỏa xa ASCF (Nha Trang), ASLY (Đà Lạt), Cercle Dalat …
Thể lệ của ban tổ chức giải đấu về cơ bản giống như ngày nay, cũng có hai lượt trận (lượt đi và về). Kết thúc hai lượt, đội đứng đầu mỗi bảng đấu sẽ gặp nhau để tranh chức vô địch, trận chung kết diễn ra hai lượt trận đi và về trên sân nhà của mỗi đội.
Tại Faifo (Hội An), nổi bật có đội AS Faifo (AS Faifo là viết tắt của “Association Sportive Faifo”, có nghĩa là Hiệp hội thể thao Faifo). Đội AS Faifo tham dự nhiều giải đấu, đạt được nhiều thắng lợi với lối chơi hoa mỹ tạo nên tên tuổi đội bóng, đóng góp nhiều hảo thủ cho Hội tuyển Trung Kỳ thi đấu với các đội trong và ngoài nước. Về thời gian thành lập đội AS Faifo, hiện nay chưa có tư liệu xác định chính xác được.
Đội AS Faifo thường xuyên tranh tài với các đội. “Kỳ phùng địch thủ”, có nhiều trận đấu nảy lửa nhất đối với AS Faifo phải kể đến Sportive Touranais (Đà Nẵng). Các cụ cao niên ở Hội An hiện vẫn còn nhớ những ký ức thuở nhỏ thường theo người lớn vào xem và cổ vũ AS Faifo thi đấu với Sportive Touranais trên sân Stade Faifo.
Các cụ kể lại: “Trong lúc theo dõi các cầu thủ thi đấu trong sân thì trên tay chúng tôi luôn cầm theo đôi dép, đề phòng lúc hai bên căng thẳng, chẳng may có đánh nhau thì nhanh chân chạy ra ngoài để an toàn cho bản thân”.
Như trận chung kết quyết định chức vô địch Trung Kỳ năm 1937 được tờ báo Sài Gòn số 1279 ngày 20.12.1937 đưa tin: “Chiều chủ nhựt 13.12 vừa rồi, tại bãi cỏ Faifo có trận tranh đấu túc cầu giữa hai hội AS Faifo và Sport Touranais để tranh chức vô địch lần thứ tư. Luôn luôn những trận đấu giữa Tourane và Faifo, khán giả ở ngoài đều phải phập phồng lo sợ với cách chơi tàn bạo, hung ác của Tourane không kể xiết và chắc rằng trận này thể nào khán giả cũng có sự xung đột đấm đá nhau, vì kẻ binh Tourane, người Faifo”.
Đỉnh điểm của sự căng thẳng, gay cấn giữa hai đội phải kể đến trận đấu vào ngày 3.2.1944, AS Faifo với sự góp mặt của trung phong có tiếng ở miền Trung là Trần Văn Tứ, nhiều lần đứng trong đội hình chính của Hội tuyển Trung Kỳ tham dự giải vô địch Đông Dương. Trung phong Tứ được nhận định là cầu thủ có “tuyệt kỹ” của con nhà võ, tung người ghi bàn vô lê rất có lực và chuẩn xác.
Trong một tình huống nhận được bóng từ đồng đội, Tứ quyết định đi bóng đột phá dũng mãnh vượt qua các hậu vệ đội Sportive Touranais, thủ môn Thuyền lao ra phá bóng giải nguy nhưng Tứ đã nhanh chân sút quả bóng với lực rất mạnh làm tung lưới đội bạn trước khi ngã gục xuống sân do va chạm với thủ môn.
Sân vận động Faifo nổ tung trước tiếng reo hò của cổ động viên Faifo. Sau pha va chạm, trung phong Tứ nằm đau đớn trên sân. Sau khi được bác sĩ chăm sóc, ông quyết định nén đau để tiếp tục thi đấu và ghi tiếp một bàn thắng mang về chiến thắng ngoạn mục cho đội AS Faifo với tỷ số 3 - 2.
Sau trận đấu đó, mặc dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do chấn thương quá nặng, đến khuya ngày 26.2.1944, trung phong Trần Văn Tứ đã từ giã cõi đời khi chỉ mới 25 tuổi. Lễ tang của ông được cử hành rất long trọng vào chiều 28.2.1944, có quan Tổng đốc Ngô Đình Khôi, Án sát, Bố chánh cùng đông đảo người hâm mộ đến đưa tiễn. Mọi người đều ngậm ngùi, thương tiếc cầu thủ tài hoa nhưng đoản mệnh, tiếc cho miền Trung mất đi một trung phong đầy tài năng.
Đội AS Faifo quy tụ nhiều cầu thủ tài năng như: Đạt, Cũ, Đệ, Được, Minh, Xường, Khuê, Vàng, Sung, Quang, Vầy, Tứ, Khá, Huê I, Huê II, Cần, Lenoir, Tửu, Khánh, Thứ, Tụy, Dậu, Dupuis, Chương, Tuy... Một số cầu thủ có những tuyệt kỹ cá nhân, tạo nên thương hiệu riêng.
Người hâm mộ bóng đá Faifo bấy giờ có câu vè: “Anh Đạt loang rê, Giáo Huê tém góc, anh Cũ bao sân, anh Cần đá bổng, Lenoir cú tếch, anh Tụy đá lết, anh Dậu đá chếch, anh Tứ a-lách-xô”. Cũng như các đội khác, sơ đồ thi đấu của đội AS Faifo lúc bấy giờ sắp xếp đội hình thiên về lối chơi tấn công tổng lực với số đông tiền đạo ở phía trên, thường bố trí 5 cầu thủ tấn công, 3 cầu thủ chơi giữa sân, 2 cầu thủ phòng ngự và 1 thủ môn.
Đỉnh cao thành công của AS Faifo (Hội An) là chức vô địch Trung Kỳ mùa giải 1937 - 1938 sau khi thắng đội Sport Touranais với tỷ số 6 - 2 ngay trên sân vận động Faifo. Nhiều cầu thủ của đội thường xuyên góp mặt trong đội hình Hội tuyển miền Trung để thi đấu tranh cúp Đông Dương với các đội bóng miền Bắc, miền Nam, Cao Miên.
Năm 1936, gần như toàn bộ cầu thủ AS Faifo là thành viên của Hội tuyển miền Trung đi thi đấu cúp Sylestre ở Nam Vang (Campuchia). Các năm 1938, 1939, 1941 đội AS Faifo đều có các “hảo thủ” được chọn vào Hội tuyển Trung Kỳ tham dự giải vô địch Đông Dương.
Các trận đấu diễn ra tại sân vận động Faifo luôn thu hút lực lượng khán giả, cổ động viên đông đảo, cuồng nhiệt. Như trận đấu giữa đội SEPSH (Huế) và đội AS Faifo ngày 20.8.1933 có đến vài nghìn khán giả đến xem, trong đó có cả quan Chánh, Phó sứ và các quan Nam triều.
Có thể khẳng định bóng đá Hội An trong lịch sử đã đạt được những thành công, tạo nên tiếng vang trong khu vực miền Trung. Các thế hệ cầu thủ tài năng đã góp phần tạo nên danh tiếng cho bóng đá Hội An nói riêng và thể thao Hội An nói chung bên cạnh những môn thể thao khác như điền kinh, võ thuật...