Với những kết quả phát triển của ngành du lịch Quảng Nam từ khi thực hiện Nghị quyết số 06 về phát triển du lịch giai đoạn 2007 - 2016, thì vẫn còn đó nhiều ưu tư từ cả người trong cuộc lẫn những ban ngành liên quan đến ngành “công nghiệp không khói” này.
Du lịch Quảng Nam cần nhiều sản phẩm du lịch và sản phẩm lưu niệm đặc trưng để lại dấu ấn cho du khách. Ảnh: D.L |
Được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, ngành du lịch trong những năm gần đây được xác lập là một trong những mũi nhọn kinh tế của cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng. Sở hữu nhiều tiềm năng lẫn điều kiện về cảnh quan, văn hóa, du lịch Quảng Nam đủ sức để tạo đột phá cho bức tranh kinh tế của toàn tỉnh. Tuy nhiên, tại cuộc họp bàn về công tác tổng kết về tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU giai đoạn 2007- 2016 vào sáng qua 2.11, khá nhiều những khó khăn của du lịch xứ Quảng được kể ra, là nguyên nhân khiến cho tốc độ phát triển cũng như thành tựu đạt được của ngành du lịch vẫn chưa như mong muốn.
Nhận diện những rào cản
Năm 2016, Quảng Nam thu hút tổng lượt khách tham quan lưu trú ước đạt 4 triệu lượt, gấp 1,9 lần so với năm 2007. Toàn tỉnh hiện có 80 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, 202 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, 421 cơ sở lưu trú với tổng số 8.438 phòng. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 6.763 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2007… Sản phẩm thủ công địa phương được xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường; người dân ở nông thôn, miền núi bắt đầu hưởng lợi từ du lịch thông qua mô hình du lịch cộng đồng tại Zara, Bhơ Hồông, Đhrồông, Mỹ Sơn, Trà Nhiêu, Triêm Tây… |
“Sức cạnh tranh của ngành kinh tế du lịch còn nhiều điểm yếu, doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh doanh lưu trú, sản phẩm du lịch chưa chuyên nghiệp và chưa mang tính đặc trưng của Quảng Nam. Các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí, dịch vụ về đêm, sản phẩm lưu niệm còn nghèo nàn… nên khó kéo dài thời gian lưu trú” - ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề phải đối mặt từ 2 khu Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, cũng như một số khó khăn trong công tác bảo tồn văn hóa gây không ít áp lực đối ngành du lịch địa phương. Đô thị cổ Hội An đối diện với những vấn đề không dễ giải quyết như sạt lở bờ biển Cửa Đại, sự xuống cấp của những ngôi nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm, cơ sở hạ tầng từ bến đậu xe, công tác xử lý nước thải hay một trung tâm đón tiếp du khách… vẫn còn phải đợi. Ngoài ra, việc quản lý số lượng khách để không ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ cũng như tác động tiêu cực tới an ninh, môi trường của đô thị cổ này vẫn còn phải lưu tâm nhiều. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng như đường sá và việc kết nối với các điểm đến giữa Mỹ Sơn và các địa phương khác cũng cần được bàn bạc thêm…
Trong câu chuyện 10 năm du lịch Quảng Nam, ngoài các vấn đề gặp phải của “hạt nhân” du lịch Hội An và Mỹ Sơn, những người có trách nhiệm ngồi lại để bàn bạc và nhận ra nhiều khó khăn, tồn tại mà ngành này đang gặp phải. “Tại sao lượng khách đến Quảng Nam nhiều hơn Đà Nẵng nhưng lượng khách lưu trú qua đêm tại Quảng Nam thì ít hơn? Vấn đề không phải chúng ta kém hấp dẫn, mà phải coi lại chất lượng dịch vụ của chính chúng ta. Trong năm 2016, riêng ở địa bàn Quảng Nam có đến 9 người nước ngoài thiệt mạng, chủ yếu là du khách. Vậy thì môi trường du lịch của ta đã an toàn chưa? Một lý do khiến khách lưu trú của ta ít, phần do vệ sinh môi trường ở các điểm du lịch của Quảng Nam cũng là một vấn đề” - ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh nói.
Để có một “cú hích”
Trong khi đó, ngành văn hóa du lịch Quảng Nam đưa ra thêm lý do khiến ngành du lịch phát triển không như mong đợi, đó là các dự án du lịch đầu tư chậm hoặc không triển khai. “Việc đầu tư hạ tầng du lịch còn hạn chế, nhiều hạ tầng thiết yếu còn thiếu như cảng sông, cảng biển, bãi đỗ xe, trung tâm thông tin du lịch. Một số nơi có tài nguyên du lịch nhưng giao thông không thuận lợi, hạ tầng sân bay Chu Lai không đủ điều kiện đón các chuyến bay lớn. Một số điểm du lịch được xác định có tiềm năng ở phía nam và phía tây của tỉnh vẫn chưa được đầu tư đúng mức; phát triển du lịch không đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh” - ông Hồ Tấn Cường nói thêm. Ngược lại, ở phía hạ tầng giao thông, một đại diện của Sở Giao thông vận tải lại cho rằng, không thể đòi hỏi về đầu tư hàng loạt công trình giao thông cùng một lúc, giao thông để phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế, khi phát triển du lịch thì phải tận dụng cơ sở hạ tầng đã có, chứ không nên bắt Nhà nước phải gánh hết các nguồn đầu tư. Nguồn nhân lực làm du lịch của Quảng Nam cũng là một trong những điểm khó. Trừ Hội An với bề dày làm du lịch lâu năm, những địa danh, điểm đến du lịch mới đưa vào khai thác như làng dân tộc Cơ Tu, Triêm Tây… người dân bản địa mới bắt đầu làm quen với “nghề” du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, chưa có người địa phương đủ trình độ quản lý các dự án du lịch lớn, chủ yếu sử dụng người nước ngoài và nhân lực từ các thành phố lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, những khó khăn ngành du lịch Quảng Nam gặp phải cần có sự đánh giá khách quan để từ đó đưa ra những biện giải cần thiết. “Việc lưu trú cần phải nghĩ đến nhu cầu của người dân. Xây dựng các cơ sở lưu trú cần phải phù hợp với nhu cầu của cả khách nội địa lẫn quốc tế. Dân ta không thể ngủ ở một khu resort với giá mỗi đêm lên đến 1.000 - 2.000USD. Cũng như vậy, từ sản phẩm du lịch đến chất lượng phục vụ, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào những cái ta đã có, mà cần có sự kết hợp giữa việc tìm hiểu nhu cầu đối tượng khách đến với ta và cái ta đã có để xây dựng nên những sản phẩm phù hợp với dòng khách và thị trường” - ông Thanh nói. Tại cuộc gặp giữa những người quản lý ngành du lịch cũng như các ban ngành liên quan và những địa phương lấy du lịch làm mũi nhọn kinh tế, khá nhiều người đồng tình rằng du lịch Quảng Nam cần sự bắt tay vào cuộc đồng bộ giữa các ngành. Từ những khó khăn được nhận diện ban đầu, để có một “cú hích” mạnh trong quy hoạch tổng ngành cũng như để phát triển du lịch một cách bền vững và chuyên nghiệp, đòi hỏi Quảng Nam phải tìm ra những phương án bảo tồn di sản văn hóa hiện có cũng như duy trì tính đa dạng văn hóa và bảo vệ môi trường trong bước đầu phát triển mạnh mẽ của địa phương.
LÊ QUÂN