Đôi cánh của tâm hồn

HỨA XUYÊN HUỲNH 12/11/2023 09:24

Trên cầu tàu lục tỉnh trong một lần cập bến sông Cửu Long, chàng thủy thủ nói với đứa trẻ: “Lúc nào cũng chạnh nghĩ về quê hương, đó là dấu hiệu của tuổi già”.

Nhìn mưa từ bên trong khoang thuyền ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ: Ảnh: H.X.H
Nhìn mưa từ bên trong khoang thuyền ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ: Ảnh: H.X.H

1. Đứa trẻ ngồi trên cầu lục tỉnh chính là An, nhân vật trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi.

Nhiều người đang tìm đọc lại tiểu thuyết để “gặp” cậu bé An lần nữa, một phần vì muốn đối chiếu với các tuyến nhân vật khi bộ phim truyện cùng tên gây chú ý đặc biệt ngay khi vừa ra rạp, đến nỗi Cục Điện ảnh yêu cầu phải chỉnh sửa vài chỗ trong lời thoại phim liên quan đến các bang hội. Giữa tuần này, trên diễn đàn Quốc hội, thậm chí Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng đề cập bộ phim.

Nhưng đó là phim, có đời sống và ngôn ngữ riêng. Còn với truyện, mỗi người có cảm nhận riêng về từng nhân vật. Bạn đọc hẳn còn nhớ nhân vật tưởng là “phụ” nhưng khá thú vị, chàng thủy thủ tên Ba. Người có máu phiêu lưu ấy lênh đênh nhiều năm khắp các mặt biển, trên tàu của các công ty hàng hải, đi qua Ấn Độ Dương, vượt kênh đào Suez ra Địa Trung Hải, men theo bờ Đại Tây Dương lên tận cảng Le Harve…

Trong một lần chiếc lớn có 3 ống khói to tướng sơn màu xanh da trời cập bến sông Cửu Long, trên cầu tàu lục tỉnh, cậu bé An đã gặp anh Ba. Lúc ấy, An chưa bị thất lạc gia đình, chiều chiều cùng bạn bè theo thầy giáo ra sông Cửu Long tập bơi sau giờ học. Và chàng thủy thủ đã kể An nghe về con panh-goanh (penguin), loài chim cánh cụt ở Bắc Băng Dương.

Một người có máu phiêu lưu và một người sắp phiêu lưu nói đến một loài chim có bản năng huyền bí: tìm về tổ cũ. Dù ai mang con chim ấy đi thật xa, xuống tận gần vùng Nam Băng Dương, vài năm sau lại thấy chúng đứng ở trên các hòn đảo cũ.

Nghe kể, cậu bé An huơ tay bảo ước gì em cũng được như chim cánh cụt, sẽ không bao giờ sợ lạc. Nhưng chàng thủy thủ lại nghĩ khác. Anh bảo, đấy là con chim đáng thương. Đáng thương không phải vì cánh quá ngắn.

“Lúc nào cũng chạnh nghĩ về quê hương, đó là báo hiệu của tuổi già. (…) Không phải vì đôi cánh cụt mà con panh-goanh không đi xa được đâu. Nó là một con chim không có cánh, ở tâm hồn. Nó như một ông cụ già lưng mỏi gối chùn, lúc nào cũng muốn tìm về nằm xuống ở quê hương!”, chàng thủy thủ giảng giải.

Phải đến 2 năm sau, cậu bé An mới “cảm nhận” được hết những gì chàng thủy thủ rút ruột nói ra. Khi ấy, cậu bé đã lạc cha mẹ, lên đoàn thuyền vận tải quân lương của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ để chạy giặc, rồi lại chơ vơ giữa xóm chợ bên sông, rồi cuốn vào đời sông nước với cha mẹ nuôi, với thằng Cò, với chú Võ Tòng…

2. “Đã đành quê hương là nơi gắn bó với cuộc đời mình nhất, nhưng khi người ta còn trẻ tráng, phải bay nhảy hoạt động, đi đây đi đó chứ!”. Lời khuyên của chàng thủy thủ tên Ba ngờ đâu lại vận vào cuộc đời An, trong một hành trình “đi đâu đi đó” bất đắc dĩ.

Lối hình dung về chim cánh cụt Bắc Băng Dương, loài chim “không có cánh ở tâm hồn”, thật mới mẻ và phóng túng. Nhưng có thể chàng thủy thủ không biết rằng, những người đau đáu cố hương đâu phải vì tâm hồn họ thiếu đi đôi cánh để bay nhảy, mà là họ biết xếp cánh lại, biết quay về.

Có một thi sĩ gốc Quảng từng dong ruổi qua miệt Cần Thơ - Long Xuyên hồi năm 1989, mắt nhìn lục bình trôi mà tâm tưởng mải mê hình bóng quê nhà:

“…Trôi/Trôi/Và trôi…/ Ta dần xa bến cũ/ Mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời.

(…) Cố hương cố hương/ Hun hút mây bay/ Đôi mắt mỏi ngóng mù sông bến đợi/ Đỉnh núi nhớ nghiêng mòn phương gió nổi/ Biển mẹ ơi/ Sao chưa gọi con về?

(…) Hỡi những khóm lục bình nở hoa tím nhạt/ Hoa nở tím trên đường trôi dạt/ Tỏa chút hương ngan ngát gửi quê nhà”.

Thi sĩ gốc Quảng ấy, Đynh Trầm Ca, quay về cố hương ở thị xã Điện Bàn đã lâu, nhưng ý thơ “ta, lục bình vừa trôi vừa trổ bông” trong bài thơ “Phương Nam khúc ca phiêu dạt của khóm lục bình” của ông như vẫn đang nói hộ tâm tình cho những người vẫn đang nổi trôi đây đó. Chàng thủy thủ trẻ trong tiểu thuyết Đoàn Giỏi khởi sự hành trình lang bạt kỳ hồ (khi người ta còn trẻ tráng, phải đi đây đi đó), còn đoạn thơ Đynh Trầm Ca vừa chép lại dường như đã là chốn dừng chân ở cuối đường, với “những mảnh đời ngơ ngác tha hương”.

Tôi bỗng nhận ra, “Phương Nam khúc ca phiêu dạt của khóm lục bình” như vần-điệu-hóa cho đoạn đối thoại giữa ông Hai (cha của thằng Cò, cha nuôi cậu bé An) với những người thợ săn cá sấu trong “Đất rừng phương Nam”. Một lần dừng thuyền bên quán lá, ông Hai nói với những người thợ săn cá sấu mới quen: “Nghèo như chiếc lá rụng xuống dòng sông, nước trôi tới đâu mình theo tới đó”.

“Nghèo như chiếc lá rụng xuống dòng sông”, lối tỉ dụ ấn tượng này được lặp lại thêm một lần nữa ở đầu chương 16 trong tiểu thuyết của Đoàn Giỏi, để rồi kết thúc chương này bằng tâm tư bất định của cậu bé An: “…khoảng đầu canh một đêm đó, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình mà tôi chưa biết sẽ về đâu”.

Trôi, trôi và trôi, dần xa bến cũ…

3. Cuối cùng thì lời vẫy gọi của quê hương cũng đã trỗi dậy. Vào cuối truyện, khi cậu bé An dự xong lễ tuyên thệ của trung đội du kích giữa rừng đước Cà Mau, chuẩn bị xuống thuyền thì má nuôi (mẹ thằng Cò) chạy vội đến. Bà nhét vào ba lô của An gói ruốc thịt nai, nhưng cũng lén lấy lại một chiếc áo cũ, bảo mang về vá rồi gửi theo sau. Cử chỉ này không lọt qua con mắt tinh đời của ông Hai. Ông nói với vợ, rằng đừng có học cái kiểu của các bà già xưa, mỗi lần nhớ thằng bé lại bỏ cái áo của nó vào nồi rang để nó “nóng lòng sốt ruột” mà xin về thăm nhà.

Truyện kết thúc với chi tiết cậu du kích trẻ tên An xốc lại con dao găm và quả lựu đạn, rướn người nhảy phóc xuống thuyền. Nhưng tôi tin rồi sẽ sớm có chuyến trở về, khi An không quá già. Niềm tin ấy từng len lỏi trong tôi từ thuở nhỏ, mỗi năm lại gặp một bà cụ trong họ về quê thắp hương ông bà tổ tiên. Bà cụ dạo quanh xóm, thăm hỏi họ hàng, rồi đi. Quãng hơn 20 năm nay, các chuyến vội vã trở về của bà cụ cứ thưa dần, rồi vắng hẳn. Ở đâu đó xứ người, dưới ba tấc đất, bà cụ đang ôm ghì lấy nỗi nhớ quê…

Này chàng thủy thủ tên Ba, những con panh-goanh không thiếu đôi cánh tâm hồn đâu. Hay đúng hơn, trong tâm hồn chúng đầy ắp quê hương, nên mới không muốn rời đi đó thôi. Anh đã trách oan loài panh-goanh rồi…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đôi cánh của tâm hồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO