Có lúc tưởng chừng phải gục ngã trước sự cay nghiệt của số phận nhưng chính trải nghiệm trong cuộc sống đã gắn đời cây - phận người. Ông là Huỳnh Phận, “đệ nhất cây cảnh” ở làng Kỳ Lam (Điện Thọ, Điện Bàn).
Duyên nghề
Sinh năm 1954, cầm tinh con ngựa, ông Phận được người dân trong làng biết đến đâu chỉ bởi thú chơi cây cảnh ngấm vào máu mà còn nhiều chuyện bi hài xung quanh việc theo đuổi niềm đam mê. Năm 1979, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông tình nguyện làm thanh niên xung phong cùng với anh em ở Tiểu đoàn 40 lăn lộn để làm đường giao thông; rồi sang tận Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Thời buổi tên bay đạn lạc ở chiến trường cộng với nỗi nhớ quê nhà diệu vợi, ông Phận đã tìm đến với gốc cây vô tình gặp nơi ven đường làm bạn tâm giao. Sự hội ngộ giữa đời người và phận cây nơi đất khách đã ấp ủ trong ông bao dự định.
Hằng ngày, thú vui của ông Phận là được “trò chuyện” với cây. Ảnh: N.THỦY |
Năm 1985, ông trở về quê nhà và kết hôn với cô bạn gái cùng làng. Vợ chồng nương tựa nhau để vượt qua những cay nghiệt của số phận. Vợ chồng họ hiếm muộn con cái. Tình cờ vào một buổi chiều buồn, ông cùng người bạn trong xóm rủ nhau lên Khe Lim (Đại Lộc). Tại đây ông bắt gặp sức sống mãnh liệt của loài sanh bên bờ suối và nhận ra sự đồng điệu trong tâm hồn mình. Sức cuốn hút kỳ lạ của sanh đã giục giã, thôi thúc niềm đam mê trong ông. Ông về bàn với vợ thi đua lao động để có lưng đồng vốn sưu tầm, mua cây về trồng. Ông làm quần quật từ “thợ đụng” đến cần mẫn canh tác trên 1000m2 đất hoa màu. Tờ mờ sáng thức dậy làm việc quần quật cả ngày, ông Phận dè sẻn chi tiêu để đúc chậu cảnh, vừa bán vừa dùng. Rồi ông bắt đầu mày mò mua hạt mai về ươm, chăm sóc vài năm theo hình thức nuôi gốc rồi cho vào chậu, dần dần uốn nắn theo ý mình.
Năm 1990, từ lời mách bảo của một người bà con, ông Phận nảy sinh ý tưởng đi xa để “săn lùng” cây sanh và những loài cây khác có gốc đẹp. Mục tiêu trước mắt là phải sắm được xe máy để làm phương tiện. Ông lại bắt đầu một hành trình mới tìm vốn. Tiếp tục làm “thợ đụng”, dành dụm mua heo giống và xem đó như là heo đất của gia đình mình. Ngoài việc làm đồng, vợ chồng ông chăm sóc heo chu đáo. Sau 3 năm tích góp từ tiền bán heo con, ông đã “tậu” được cho mình một chiếc xe máy ưng ý. Mỗi tuần một lần, người vợ lại chuẩn bị lương thực để ông đi tìm cây. Không biết bao nhiêu chuyến đi lên tận các xóm làng xa xôi ở Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My… và nhiều địa danh khác để chọn được cho mình những thế cây đẹp nhất. Đưa tay chỉ cho tôi xem cây sanh cuối góc vườn, ông bảo gốc cây đó đào trong 4 ngày, bị rắn cắn ngón chân cái phải nhờ dân làng cầm máu và cho tá túc qua đêm. Hai mươi năm nay, ông vẫn giữ vững thế cây như thuở mới đào về nhà, chỉ có điều, gốc cây đó giờ đây đạt được các tiêu chí cần có của một chậu cây cảnh có giá trị: da mốc, thân quái, rễ kiềng, gốc bồ, ngọn chỉ, sẹo liền, cành ngoan.
Nghề chơi lắm công phu
Dạo quanh mảnh vườn hơn 2.000m2 được bài trí khá đẹp mắt với hàng trăm chậu cây cảnh có giá trị, phần lớn là sanh và mai có tuổi từ 20 - 30 năm, ông bảo, nghề trồng cây cảnh không cho phép người trồng cây hời hợt, nóng vội. Bởi mỗi cây đều có hồn riêng nên không thể bắt nó theo ý của mình được. Vì thế, ông để chúng phát triển tự nhiên, chờ từng cái rễ, từng cái mầm hoàn thiện rồi mới tác động vào. Với ông, cây không phải có thế rồng, thế phượng mới đẹp, mới quý.
Nghề trồng cây cảnh chẳng mấy chốc trở thành nghiệp của anh lính tình nguyện vào chiến trường ngày nào. Điều đáng nói là lúc nào niềm đam mê cũng luôn thôi thúc, giục giã ông. Ông nâng niu từng cây, chăm sóc từng cành, gắn bó với chúng như những người bạn tri âm, tri kỷ. Mỗi lần đi đâu trở về, việc đầu tiên của ông là phải ra vườn ngắm cây rồi mới có thể làm những việc khác. Vợ ông, mặc dù đã quá biết cái đam mê của chồng nhưng nhiều khi bà vẫn không hiểu có ma lực gì mà có khi ông đứng lặng trước chậu cây hàng giờ, rồi mỗi lần cần tỉa lá bớt cành thì ông đứng ngắm cả buổi cầm kéo đưa lên hạ xuống nhiều lần mới dám cắt. Rồi còn chuyện chuyển cây đi dự triển lãm tại Hội chợ xuân TP.Đà Nẵng được ban tổ chức đài thọ kinh phí 100%, ông vẫn nhất quyết không tham gia. Ông ngại sự tò mò của du khách. Chỉ cần nghĩ đến việc một chiếc lá rụng, một nhành cây bị gãy… khi đem trưng bày trước công chúng cũng đã làm ông ngậm ngùi.
Người đàn ông rắn rỏi, nước da sạm nắng vì sương gió ấy bên cạnh niềm đam mê cây cảnh còn có thú chơi thanh tao là vẽ tranh. Phần lớn tranh ông vẽ đau đáu nỗi niềm về đời cây - phận người, về những thăng trầm trong cuộc sống của mình. Ngôn ngữ trong tranh vẽ ông treo quanh nhà người xem chỉ có thể đồng cảm khi được ông trải lòng về duyên nợ với nghề cây cảnh. Đây đó, một vài bức ông dành tặng người vợ giỏi giang đã đồng hành với ông theo đuổi đam mê. Mặc dù đã trở thành “đệ nhất cây cảnh” được mọi người chơi cây khắp nơi tôn vinh, ông Phận vẫn giữ nguyên cái gốc nông dân chân đất của mình. Ông bảo sống ở đời, con người ta dù quan lớn hay thứ dân, dù giàu có hay nghèo hèn thì cuối cùng cũng về với đất, chỉ lãi một cái thú chơi nhưng quan trọng là chơi cái gì cho thanh tao, cao quý. Và ông nghĩ mình lãi mỗi cái thú chơi cây.
Ghi chép của Lê Như Thủy