(QNO) - Cha là vốn tài sản giàu quý nhất của đời tôi. Cha học không cao nhưng biết rộng, không là nhà hiền triết nhưng biết chiêm nghiệm chuyện thế thái nhân tình, không là người cao sang nhưng thâm trầm đức độ. Cha là ngọn gió mát lành, là hơi thở ấm áp, món quà ngọt ngào, là mặt trời tỏa sáng hiện hữu trong tâm hồn tôi.
Năm nay, cha tôi 96 tuổi. Dù cha đã cao tuổi nhưng trông dáng đi còn thẳng thớm, tinh thần minh mẫn. Mỗi sáng thức dậy, cha quét nhà quét sân, pha cà phê uống, đọc báo và nghe thời sự. Chỉ có điều lo là cha bắt đầu ăn uống ít đi, mỗi bữa chỉ hơn nửa chén cơm. Biết vậy, nên phải động viên cha ăn dặm thêm trái cây, bột và sữa...
Sống với cha cả đời, chẳng bao giờ tôi nghe thấy cha van lơn trách cứ một ai. Có lẽ, cha được sinh ra từ đất, hiền như đất, luôn chịu đựng với đời vì thế mà cha sống đơn giản lặng lẽ kín đáo, bao giờ cũng lo cho con cháu hơn lo cho mình khiến tôi se sắt thương cha đến thắc thỏm. Và tôi nghĩ cả cuộc đời cha đã “cõng luống cày sâu” với bao sự mặn mòi của đất theo cha suốt một đời.
Sự mặn mòi của đất có từ thuở con trâu thành người bạn gắn bó với người nông dân: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta...”. Đằng sau con trâu là những luống cày dằng dặc theo người nông dân đi cùng năm tháng.
Đời cha cũng vậy! Làm lụng vất vả tất bật, một nắng hai sương, gói gửi ước mơ tương lai vào luống đất cày, cầu cho mưa thuận gió hòa để hạt mầm lên xanh, lòng đầy ước vọng.
Nghe cha kể lại hồi mới lập làng, quê tôi An Tây, Tiên Kỳ là một vùng đất um tùm lau lách, có nhiều thú dữ, rắn rít, hùm beo đến ở triền sông. Những vị tiền hiền mấy thế kỷ trước từ Đàng Ngoài vào, đi dọc theo con sông Tiên chảy ngược, tới đây trồng trỉa, đào đất thành đồng, đắp bờ thành ruộng, lập xóm dựng làng, sinh con sinh cháu.
Cha tôi thuộc thế hệ thứ mười bốn của tộc Nguyễn Văn, sinh ra trong gia đình thuần nông. Nội tôi là con thứ, theo Nho học, dáng người thanh thoát cao ráo, trán rộng mắt to, cần cù thông minh tháo vát. Nội kết duyên với bà tôi thấp nhỏ, nước da trắng, gương mặt hiền từ phúc hậu. Ông bà sinh được cô ả, cha tôi và chú Tuyến.
Cha tôi hồi nhỏ, học xong yếu lược nhưng thông hiểu kinh sử và tiếng Pháp. Năm 1947 cha tham gia chính quyền cách mạng, làm ở cơ xưởng sản xuất vũ khí Tân An, Quân khu 5. Năm 1954 làm trong ban kinh tế huyện, phụ trách công tác Đảng vụ, Đoàn Thanh niên cứu quốc xã. Khi Hiệp định Genève ký kết thì về nhà trồng trọt chăn nuôi, chăm sóc ruộng vườn.
Nhớ hồi mới lớn, từ tờ mờ sáng tôi theo cha dắt trâu ra đồng. Giữa cái rét đông, bọt nước nổi màu đen kịt, run cầm cập, đứng thổi con cúi rơm cháy lên cho đỡ lạnh, giúp cha mắc cái ách cày lên cổ trâu, hai đầu ách có hai đai gắn với hai gọng cày. Tôi dắt trâu đi, cha nắm chuôi cày theo sau, đưa roi hô thá ví cho trâu kéo đúng đường cày. Lưỡi cày chui sâu vào lòng đất vỡ ra từng thớ đất bùn đen hăng hắc thơm mùi là lạ. Cứ thế luống cày này sấp lên luống cày kia, đường cày này tiếp với đường cày khác... Từ lúc sương sớm đến khi tháo cày độ chín mười giờ trưa, trâu giỏi cũng cày được một sào. Nhìn những giọt mồ hôi trên người cha rơi xuống thấm vào từng luống cày thớ đất mà lòng nghe rưng rưng mặn chát.
Sau này, cánh diều tuổi thơ tôi đã bay khỏi những cánh đồng Cầu, Đá Lớn, Giếng Tỏ, Đồng Chùa của làng An Tây chợt bâng khuâng nhớ lại câu nói của cha: “Phi trí bất hưng, phi nông bất ổn” nên tôi gắng bước ra lũy tre làng để học thêm con chữ, đợi nắng lên giữa mùa cực nhọc.
Cha tôi không quyền cao chức trọng nhưng ông là người tình cảm mặn nồng, chịu đựng, tin người và dí dỏm. Nhớ có lần gieo mè, người ta làm mịn đất rồi mới gieo hạt còn cha tôi cày sơ, bừa lại qua loa rồi đánh hàng gieo mè luôn. Ấy thế mà mùa nào mè cũng trúng to. Thấy lạ, bà con hỏi vì sao vậy? - cha ứng khẩu đọc ngay: - “Hạt mè cõng bận(*) đất cày/ Trời mưa đất xốp mè này trúng to”! Nhiều người nghe vậy, lắc đầu cho là cha nói dóc nhưng sau nghĩ lại thấy cha nói đúng, vì cày bừa kỹ quá đất bị nén mất độ xốp khiến cây mè chậm phát triển. Từ đó cha tôi được bà con tặng thêm cái biệt danh “lão nông tri điền”.
Cha tôi là vốn tài sản giàu quý nhất của đời tôi. Ông học không cao nhưng biết rộng, không là nhà hiền triết nhưng biết chiêm nghiệm chuyện thế thái nhân tình, không là người cao sang nhưng thâm trầm đức độ. Ông là ngọn gió mát lành, là hơi thở ấm áp, món quà ngọt ngào, là mặt trời tỏa sáng hiện hữu trong tâm hồn tôi.
Nhớ có lần, tết đến tôi cũng chỉ ở nhà vài ba hôm, không tranh thủ thời gian thăm bà con làng xóm. Cha tôi thấy vậy cũng thông cảm cho thằng con bận việc nước. Một hôm sáng mùng một tết cha tôi dậy sớm, thay nước trên bàn thờ rồi gọi tôi đến bảo:
- Con thắp hương bàn thờ đi rồi cha nói cho nghe một việc!
Tôi thắp hương lạy ông bà xong đến ngồi bên cha. Ông đẩy ly nước trà vừa mới pha về phía tôi, rồi hỏi:
- Cha đố con khi đau ruột thừa con gọi ai đến khiêng đi bệnh viện? Có phải con gọi làng xóm không?
Dừng một lúc nhìn tôi, cha nói tiếp:
- Dù có bận rộn thế nào trong ba ngày tết con cũng phải sắp xếp thời gian đi thăm hỏi họ hàng bà con làng xóm một chút. Chắc con đã hiểu câu “Nhất nhật vi quan, vạn đợi vi dân” rồi!
Tôi chỉ còn biết cúi đầu dạ một tiếng rồi im thin thít.
Kỷ niệm về cha mà tôi nhớ nhất ấy là khi thi hỏng Tú tài năm 1973, tôi như người mất hồn điên đảo. Sau khi đi cạo đầu về, trời chập choạng tối, tôi lang thang trên cánh đồng làng mới gặt, những cọng rơm nằm san sát trên mặt ruộng như một tấm thảm lụa vàng trải dài dưới trăng. Trời về khuya yên tĩnh, đèn nhà ai thấp thoáng hắt ra những vệt sáng dài lúc mờ lúc tỏ, tôi bần thần đi trong đêm, bất chợt rùng mình cảm thấy lạnh, cô đơn và ngây dại không hiểu nổi mình là ai nữa.
- Trời ơi! Khổ quá! Bớ làng! - Tôi buột miệng la lớn.
Tiếng la trong đêm làm khuấy động cả không gian yên tỉnh. Nghe có tiếng la, chó trong xóm xúm nhau sủa. Một con, hai con rồi nhiều con thi nhau cùng sủa khắp làng. Tôi đau khổ vì nghĩ không ai hiểu thấu lòng mình. Mấy người hàng xóm chạy ra, thấy tôi - một thằng hỏng thi, thất chí cạo trọc lóc cái đầu, đi lang thang vô định giữa cánh đồng dưới trăng khuya.
Được mấy bác hàng xóm dìu tôi về nhà lúc nửa đêm. Cha mẹ tôi chong đèn chờ đợi lo lắng. Mẹ thì khóc. Cha im lặng. Tôi loạng choạng, vật vã, lên phản nằm một lúc đã chìm vào giấc ngủ nặng nề mê sảng. Nghe có tiếng gà gáy văng vẳng, một bàn tay xoa lên cái đầu trọc của mình, có cả tiếng nấc nhẹ của ai đó bên tai. Giật mình tỉnh dậy, hóa ra đó là bàn tay chai sạm và tiếng khóc của cha. Tôi đã mang theo hơi ấm bàn tay và tiếng khóc đó đi suốt quãng đời sau này để làm người tử tế.
Giờ cha đã về chiều, còn tôi tuổi cũng đã xế bóng. Nhưng nắng thì vẫn còn rải vàng trên những cánh đồng xưa. Lòng quay quắt nhớ về những dấu chân cha hằn lên trên từng luống cày chỗ lồi chỗ lõm như cuộc đời người nông dân mùa vụ lúc được lúc mất, lúa đã vào bồ chưa hẳn được ăn.
Tóc cha giờ bạc theo gió theo mưa, rụng hết trên luống cày. Nhìn cha như cây sậy ven sông khẳng khiu mà cứng cỏi, lặng lẽ mà dịu dàng, tự dưng nhớ lại những tháng ngày trên đồng, đôi chân cha sục sâu trên luống cày, vun xới cho tương lai thành hàng, thành lối đến mức chân tay cha thô ráp chằng chịt bao chai sạm nhọc nhằn. Tôi thấy bóng cha cao như núi, dài như sông, rộng như biển cả, nhưng lại gần gũi thân thiện như những cánh đồng và con đường làng bình yên muôn thuở.
Chiều nay ngồi bên cha nhìn nắng rớt bên thềm mà lòng nghèn nghẹn thầm nghĩ về câu nói: “Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha…” (Cicero). Trên thế gian này có bao nhiêu luống cày thì ngần ấy lòng yêu thương của cha dành cho con!
(*) Từ địa phương chỉ từng thớ đất cày vỡ ra.