(Xuân Nhâm Dần) - Mờ sớm con gà trống đầu đàn cất tiếng gáy báo canh đã đánh thức ông Hoàn. Vừa hé mở cửa nhà gió lạnh ập vào tê tái khiến ông co người lại. Ông ra giục vợ vào đi ngủ, quán đã có ông trông. Bỏ thêm than vào bếp lò, ông đun vài ấm nước để lát nữa cánh lái xe dừng lại vào uống trà cho tỉnh táo.
Tháng Chạp chẳng mấy chốc đã đến, thời gian cứ thấm thoát trôi đi nhanh quá. Hai ông bà cặm cụi với cái quán nhỏ này dễ chừng cũng hơn chục năm rồi. Quán nằm bên quốc lộ 32C, xe cộ chạy qua liên tục. Quán nằm giữa rặng chuối xanh mướt, không bao giờ đóng cửa, ngày lễ cũng như ngày thường, đêm cũng như ngày vậy. Không có biển hiệu, cũng chẳng bày biện nhiều nhưng cánh lái xe đường dài cần gì là có. Mấy cậu tài xế hay bảo: “Quán của ông bà cứ như túi thần kỳ của Đô-rê-mon vậy, chẳng thiếu thứ gì”. Cần nước nóng có nước nóng, cần mì có mì, thích bánh chưng sẵn bánh chưng. Có lúc cậu tài xế xuống xe, ngồi ngửa cổ nuốt ực chén trà, rồi lẩm bẩm: “Mấy hôm nay chẳng được miếng cơm nào. Giá mà giờ này có bát cơm mẹ nấu có phải ấm bụng không?”. Bà Lành phẩy tay bảo “tưởng gì”. Mươi phút sau bà bê ra mâm cơm có đĩa cà muối, rau muống chấm tương. Cậu tài xế và vội miếng cơm mắt rưng rưng nói như đang được ngồi trong bếp mẹ.
Bà mắc vài cái võng cho khách ngả lưng. Đêm khuya bà cũng nằm đưa võng kẽo cà kẽo kẹt. Thằng cả lần nào điện về cũng càu nhàu: “Hai ông bà già ăn tiêu là bao mà sao nói mãi bố mẹ vẫn không chịu nghỉ ngơi? Đêm nào cũng nằm phơi gió phơi sương ngoài quán nhỡ có mệnh hệ gì không ai biết được”. Bà nghe cứ ậm ừ hết lần này đến lần khác. Việc đóng quán đâu có dễ như các con bà nói. Đâu phải chỉ cần dọn dẹp hàng quán, khóa cánh cửa gỗ lại là xong. Làm sao khóa nổi sự trống trải trong lòng hai người già lấy nụ cười thiên hạ làm vui. Nhiều hôm trong người đau mệt bà cũng muốn nghỉ ngơi. Nhưng nằm trong nhà mà hễ thấy tiếng xe chạy chầm chậm là bà lại thấp thỏm không yên. Biết đâu có người đói bụng định dừng xe ăn tạm tô mì. Biết đâu ai đó điện thoại hết pin định ghé sạc nhờ. Biết đâu khách quen vào xin viên cảm cúm… Vài lần từ “biết đâu” vang lên trong đầu thì bà vùng dậy bật điện mở toang cửa quán. Đằng nào nằm cũng không ngủ được, thức bao năm đã quen rồi. Bà biết có nhiều người có khi họ nhịn đói cả quãng đường dài, đi qua nhiều quán khác ven đường chỉ vì muốn dừng lại nơi này quen thuộc. Mà thật ra những đồng tiền kiếm được hai ông bà cũng chẳng tiêu pha nhiều. Phía sau nhà còn có vườn rau tự trồng, gà vịt tự nuôi, cá dưới ao lúc nào cũng sẵn. Bà sợ tuổi già làm gánh nặng cho con nên tích cóp lo ngày sau đau yếu.
Tụi nhỏ của bà giờ cũng đã làm mẹ, làm cha. Chúng đi làm ăn xa, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Mỗi đứa một thành phố, năm về được đôi lần. Lần về trước con dâu đang mang bầu, lần về sau cháu nội đã biết đi. Lần trước tóc con còn đen lần về sau trên đầu con đã lơ thơ sợi bạc. Thằng cả lập nghiệp mãi tận Sài Gòn cả năm bà chỉ nhìn thấy con cháu mình qua chiếc màn hình điện thoại bé như bàn tay. Hơn một năm nay dịch bệnh liên miên thằng cả không đưa vợ con về quê được. Mấy tháng trước dịch bùng phát trong Sài Gòn, bụng dạ bà lúc nào cũng như lửa đốt, nước mắt cứ chực trào ra. Ngày nào bà cũng thắp hương từ mờ sớm cầu ông bà tổ tiên phù hộ. Hai ông bà già lủi thủi vào ra không ai nói với ai câu gì. Ông không còn hào hứng xem bản tin thời sự nữa. Những hình ảnh về tình hình dịch bệnh khiến tim ông bà thắt lại. Đêm nằm ngoài quán bà khóc một mình. Lỡ có chuyện gì… Bà vục dậy đi đun nước, thèm có người đi qua chuyện trò cho đầu óc bớt nghĩ vẩn vơ.
Dịch bệnh nên ít xe cộ chạy, khách ghé quán thưa dần. Hết Sài Gòn lại đến Hà Nội bùng phát dịch. Đứa xa thì bà gởi chút tiền vào tài khoản thêm thắt đỡ đần con cái lúc khó khăn. Đứa gần thì bà bó rau, mổ gà, gói ghém từ chục trứng tìm cách gửi xuống cho con. Có những buổi trưa nắng lấp lóa mặt người, khách bước xuống xe gọi đến câu thứ ba mới thấy bà giật mình quay lại. Gặp ai bà cũng hỏi “chẳng biết bao giờ mới hết dịch đây?”. Hỏi chỉ để hỏi thôi chứ nào ai biết được câu trả lời chính xác. Thỉnh thoảng trong bữa cơm bà nhắc: “Tết này chẳng biết chúng nó có về?”. Nhắc tết bà mới nhớ đến mấy bụi trúc mọc đầy măng. Đợi ngày nắng to bà phải mang đi luộc phơi. Thằng cả thích măng khô nấu chân giò, bỏ thêm ít nấm hương là ngon “nhức nách”. Bà ra chợ mua thêm đàn vịt về nuôi, con gà nào ngon cũng để dành đến tết. Thằng cả điện về bảo:
- Mấy hôm nay dòng người hồi hương bằng xe máy đông lắm. Mọi người cùng quê còn rủ nhau về chung mẹ ạ. Hay là con cũng về?
- Đường xa nguy hiểm lắm con à. Tình hình cũng ổn hơn rồi. Cứ thong thả chờ tàu xe hoạt động lại. Mẹ chờ được, đừng lo.
Nói thì nói thế nhưng cứ thấy đoàn xe máy chở đồ đạc cồng kềnh từ phía xa đi đến là bà ra ngóng. Tay bà vẫy vẫy người đi đường dừng lại, miệng giục ông nhanh mang ít nước, bánh mì ra tiếp tế. Ai mệt thì bà mời vào nghỉ chân, có gì trong nhà mang ra mời, ngồi cách nhau xa xa hỏi dăm ba câu chuyện. Bà như thấy hình ảnh con cháu mình trong họ. Trên chiếc xe bụi bặm người ta dễ dàng nhận ra dấu vết của cuộc đời ở trọ. Mỗi người một gia tài mang theo suốt chặng đường cả ngàn cây số. Vài bộ quần áo cũ, nắm móc quần áo đã xỉn màu, con búp bê nhem nhuốc mặt dính đầy mực đỏ. Nhìn những đứa trẻ ngủ gục trên ngực mẹ, lúc tỉnh dậy ngơ ngác nhìn một vùng trời xa lạ, mếu máo hỏi: “Sao lâu thế vẫn chưa về đến nhà ông bà ạ?”. Thằng Tít, thằng Tôm cháu của bà Lành cũng tầm tuổi ấy. Lâu lắm rồi bà chẳng được dụi vào da thịt thơm tho, đôi má phúng phính còn dính kẹo. Gặp ai bà cũng hỏi: Có phải từ Sài Gòn về không? Ở quận nào? Chắc cũng gần chỗ con tôi trọ đấy. Nghe nói ngay đầu hẻm có gánh hủ tiếu mì hoành thánh ngon lắm. Từ đầu hẻm quẹo trái ba lần, quẹo phải năm lần là đến nhà tụi nhỏ. Thả tôi ở đó chắc là đi lạc. Dù chưa từng được đến Sài Gòn nhưng hình ảnh nơi các con sống cứ hiện lên trong đầu bà mỗi đêm, thân thuộc.
Nắng hắt xéo một vạt dài giữa sân không đủ xua đi hơi lạnh đầu xuân. Đàn gà con chạy ra chạy vào qua kẽ hở hàng rào xôn xao góc vườn. Quán của bà buộc phải đóng cửa do liên quan đến một ca nhiễm Covid. Tết nhất sắp đến nơi rồi mà quê bà dịch giã còn căng thẳng lắm. Bà nhớ khách nên hay ngồi ngóng vọng ra đường. Giờ này mọi năm thợ đến vườn cắt lá dong, ông lúi húi quay nốt mẻ mật ong còn kịp gọi người tát cá ao mang bán. Bà còn mải cạo gừng làm mứt, gói trước ít bánh chưng bán cho khách đi đường. Năm nay bà vẫn chưa sắm sửa được gì, thôi thì nhà có sao dùng vậy. Bà chịu khó chăm vườn rau trước nhà, đàn vịt béo cả chục con đang chờ tụi nhỏ. Thằng cả điện về dặn:
- Bố mẹ nhớ nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất, súc miệng nước muối nhiều lần. Bố mẹ phải khỏe mạnh để còn đón con cháu về ăn tết.
- Các con cứ yên tâm. Trông hai thân già thế này thôi, nhưng sức đề kháng thì tốt chán. Các anh chị hơi tí sụt sịt thuốc thang chứ bố mẹ cả năm chẳng tốn đồng tiền thuốc. Thế các con đã đặt được vé về chưa?
- Con đặt rồi mẹ ạ. Chỉ có điều tết năm nay hơi buồn. Dịch bệnh suốt chẳng làm ăn được nên con không mua sắm gì nhiều mẹ ạ.
- Ôi dào! Nhà chẳng thiếu thứ gì, các con về là đủ.
Ngắt cuộc gọi, nước mắt bà ứa ra. Càng cuối năm bà lại càng thêm nhớ cháu con. Đã có lúc bà nghĩ không biết mình có còn được gặp lại đông đủ chúng không. Khi ngoài kia biết bao gia đình mất người thân không kịp một lời từ biệt. Như không để đầu óc nghĩ ngợi vẩn vơ, bà hít một hơi thật sâu đứng dậy đi khuất trong vườn. Vườn nhà rộng lắm, trồng đủ thứ cây. Có những cây đã gần bằng tuổi đời thằng cả. Mùa nào thức ấy, hoa thơm quả ngọt nhắc nhớ cháu con. Con út thích nhất món cóc dầm, nó đi xa bỏ quả trên cây chín rụng đầy quanh gốc. Thằng hai mùa mít nào cũng điện về dặn “phần con”. Vẫn thoăn thoắt như xưa, nó trèo cây dí mũi ngửi từng quả mít. Mấy đứa cháu thích mê cây ổi đào góc vườn, giàn nho sau bếp. Gần tết vườn chỉ còn sót lại mấy quả bưởi chín vàng, vài quả hồng Điện Biên thắp đỏ trên cây bà để dành cho cháu. Nhưng lũ chim tinh lắm, ngày nào cũng kéo nhau về tìm quả. Bà hắng giọng ngửa cổ lên ngọn cây dặn lũ chim: “Nhớ để dành cho cháu bà vài quả đấy nghe không?”. Lũ chim bay tán loạn, tiếng của bà lẫn trong đám lá vàng xao động vừa rơi xuống.
Bà hết cách ly, tấm biển đỏ treo trước nhà được gỡ xuống. Hai tám tết bánh chưng vừa vớt lên nóng hổi cũng là lúc con cháu trở về. Bà nhào ra cổng ôm ghì mấy đứa cháu vào lòng mà hôn hít, hỏi han cho bõ cơn mong nhớ. Bà ngắm vuốt từng đứa con của mình ứa nước mắt vì mừng vui, hạnh phúc. Một năm dịch bệnh với biết bao khó khăn vất vả cuối cùng chúng vẫn khỏe mạnh, nguyên vẹn trở về nhà. Tết này chẳng cần phải hỏi nhau tích cóp được bao nhiêu? Mua bán những gì? Chỉ cần nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt là đã đủ đầy rồi. Bà đứng lặng giữa sân ngẩn ngơ nhìn cháu con chạy ra chạy vào nơi góc vườn chái bếp. Nắng xuân ấm ran vai bà. Củi đã được nhóm lên, tụi nhỏ mang sắn, bắp nướng thơm lừng tiếng cười con trẻ. Bà cầm rổ ra vườn hái những trái hồng chín mọng cuối mùa còn treo trên cành xuân lộc biếc…