Năm chàng trai, người nhỏ nhất năm nay vừa tròn 18 tuổi, mỗi người một công việc khác nhau, dù bận rộn với cuộc mưu sinh nhưng họ vẫn sẵn sàng cứu hộ trường hợp không may gặp sự cố trong đêm khi tham gia giao thông ở địa phương. Họ là Đội Cứu hộ S.O.S Thăng Bình.
Việc nghĩa
Trước khi thành lập Đội Cứu hộ như bây giờ, Nguyễn Minh Đạt, Trương Quang Vũ, Nguyễn Văn Vui, Nguyễn Văn Nam, Ngụy Như Tài là những phượt thủ. Trên những cung đường dã ngoại mà họ từng đi qua, không ít lần chứng kiến sự cố giao thông và không ngại ngần ra tay tương trợ. Sau những lần như thế, thỉnh thoảng họ lại rủ nhau đi dạo vào ban đêm vừa để thư giãn vừa có thể kịp thời giúp đỡ trường hợp không may trên đường. Theo đó, Đạt, Vũ, Tài là quốc lộ 1, đường ven biển 129; còn Vui và Nam là đường cao tốc. Đến tháng 5.2019, 5 anh em thống nhất lập nên Đội Cứu hộ S.O.S.
Đã thành điểm hẹn, cứ 18h hằng ngày, cả nhóm lại cùng nhau tập trung tại quán cà phê 45, nằm ngay trên QL 1A, gần ngã 4 Hà Lam. Hiểu việc làm ý nghĩa của cả đội nên chủ quán đã dành không gian ở tầng trên để đội có thể làm hội quán. Đến 19h30 thì cả nhóm bắt đầu đi tuần. Cứ định kỳ xen kẽ, nếu đêm này đi cánh đông của huyện thì đêm sau sẽ đi cánh tây.
Anh Trương Quang Vũ - hiện làm công nhân tại xã Bình Phục, đội trưởng Đội Cứu hộ S.O.S cho biết, dù mưa hay nắng cả nhóm vẫn theo lộ trình mà hoạt động. Có khi đó là vụ va quẹt, tai nạn giao thông, có khi là những sự cố hư xe. “Khi gặp các trường hợp như vậy, cả nhóm mỗi người một việc. Vốn là thợ sửa xe nên Nam cùng với thùng đồ nghề luôn mang theo bên mình sẽ đảm nhận việc sửa chữa. Các thành viên còn lại chia nhau, có thể là chở người bị nạn đi cấp cứu hoặc sơ cứu ban đầu tại chỗ, hay hỗ trợ hướng dẫn phân luồng giao thông” - anh Vũ nói.
Còn anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ, trong đêm, khi xe gặp sự cố, chủ xe rất khó xử lý. Ví dụ như xe hết xăng nhưng các cây xăng đã đóng cửa, hay bị mất chìa khóa mà không có thợ sửa xe gần đó… Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng khi xảy ra vào ban đêm lại rất vất vả. Vì vậy, mỗi khi đi tuần bắt gặp hay có điện thoại đề nghị được hỗ trợ, anh cùng các thành viên trong đội đều nhiệt tình giúp đỡ.
Cho đi là hạnh phúc
Vô tình lưu số điện thoại của Đội Cứu hộ S.O.S Thăng Bình trong một lần nhìn thấy các thành viên trong nhóm giúp đỡ người khác, chị Võ Thị Kim Tân ở thị trấn Hà Lam - công nhân tại một công ty trong Cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được không nghĩ mình là người tiếp theo được giúp đỡ. Trong một lần làm tăng ca nên về khuya, xe máy chị Tân bị thủng lốp, sau khi liên hệ với nhóm, các thành viên nhanh chóng có mặt để hỗ trợ chị vá xe.
Lần khác, xe chị Tân hết xăng trên đường đi làm về cũng được sự hỗ trợ từ đội S.O.S Thăng Bình. “Nếu không có sự hỗ trợ, tôi phải rất vất vả mới về đến nhà, có thể gặp những sự cố nguy hiểm vì đường vắng và tối. Cú nhấc máy tiếp nhận tin báo từ Đội Cứu hộ S.O.S Thăng Bình, với tôi lúc đó thật ý nghĩa” - chị Tân chia sẻ.
Hết mình giúp đỡ người khác, thế nhưng, không ít lần, các thành viên trong đội bị hiểu nhầm. Anh Nguyễn Minh Đạt - hiện là công nhân ở xã Bình Phục kể, có khi đang đợi người nhà nạn nhân đến nhưng khi họ đến nơi chưa kịp hỏi, cứ tưởng mình là người gây ra tai nạn nên lại xông vào gây gỗ. Hay có những trường hợp xe hư, phải dắt bộ nhưng họ nhất quyết không nhận sự giúp đỡ bởi nghi ngờ (?).
Là thành viên nhỏ tuổi nhất đội, Nguyễn Văn Vui không nề hà đêm hôm, sẵn sàng giúp đỡ người cần hỗ trợ. Có những đêm sau khi đi tuần về, dù đang ngủ nhưng hễ nghe điện thoại cần giúp đỡ, Vui cùng các anh lại lập tức lên đường. Sau thời gian hoạt động, cả đội không đếm hết các trường hợp giúp đỡ, chỉ ước chừng 2 - 3 trường hợp/đêm. Bất kể đêm tối hay mưa gió, hễ mọi người cần, Đội Cứu hộ S.O.S Thăng Bình lại có mặt. Điều họ nhận lại, tốt đẹp nhất, chính là niềm vui từ chính họ khi cảm thấy mình sống có ích...