Đôi điều về lễ cúng ông Táo

PHẠM VĂN BÍNH 18/01/2023 07:23

(VHQN) - Bếp lửa gắn liền với tục thờ cúng ông Táo. Người Việt nói chung, người Quảng nói riêng đều truyền tụng thần tích “một bà, hai ông” và có lễ cúng trọng vào 23 tháng chạp.

Sự tích ông Táo mang ý nghĩa nhân văn, hướng về tình cảm gia đình.Tranh của LA THANH HIỀN
Sự tích ông Táo mang ý nghĩa nhân văn, hướng về tình cảm gia đình.Tranh của LA THANH HIỀN

Tích xưa

Tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Vu Gia trong tác phẩm “Địa chí Đại Nghĩa” (huyện Đại Lộc), cho chúng ta biết rằng ở Đại Nghĩa vẫn còn phổ biến sự tích bộ ba: Trọng Cao - Thị Nhi - Phạm Lang với nôm na thần tích “một bà, hai ông”.

Tích kể rằng, Trọng Cao và Thị Nhi sống chung lâu ngày mà không sinh được con để nối dõi tông đường. Ngày nọ, Trọng Cao vô cớ gây sự và đánh đuổi vợ ra khỏi nhà. Thị Nhi đành lòng ra đi, sau đó gặp Phạm Lang, tính tình hiền lành, đem lòng giúp đỡ, yêu thương và xin cưới nàng làm vợ. Thị Nhi đồng ý và về chung sống với Phạm Lang.

Còn về Trọng Cao, sau khi nguôi giận và ân hận về sự việc nên gom góp tiền bạc, khăn gói lên đường đi tìm vợ. Ngày qua tháng lại, năm này qua năm khác, tin tức vợ vẫn biệt tăm mà tiền của cũng hết, Trọng Cao đành đóng vai người ăn xin để kiếm tiền đi tìm vợ.

Hôm nọ, chàng vô tình ghé vào một ngôi nhà để xin ăn thì gặp Thị Nhi. Quá đỗi ngạc nhiên và vui mừng, nàng mời chàng vào nhà trò chuyện và nấu cơm cho chàng ăn. Cơm canh chưa được dọn ra thì bỗng nàng nghe bước chân của người chồng mới về.

Vì sợ chồng hiểu lầm nên nàng đem Trọng Cao giấu trong đống rạ. Thế nhưng sự đời đâu lường trước được, đêm đó Phạm Lang đốt rạ để lấy tro ngày mai bón ruộng. Lửa cháy, Trọng Cao lâu ngày không có miếng ăn, đi đường đói lả nên không chạy thoát được.

Thị Nhi thấy vậy nhảy vào cứu Trọng Cao. Còn Phạm Lang thấy vợ lao vào đống lửa mà không rõ nguyên nhân, sợ nàng chết cháy, đã nhảy vào cứu vợ. Thế là ngọn lửa vô tình kia đã thiêu cháy ba người.

Huyền tích về ông Táo (Táo quân) có rất nhiều dị bản, tùy theo từng vùng miền, nhưng tựu trung là sự thủy chung của tình nghĩa vợ chồng. Tham khảo tư liệu lịch sử “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục” của Đặng Huy Chú cho chúng ta biết ít nhiều về “Táo thần” và chức năng của ông Táo trong đời sống tâm linh, hướng đến giá trị yêu thương, gắn kết gia đình.

Tất cả dị bản đều kết thúc với tình tiết cái chết đã lay động đến tình cảm của Ngọc Hoàng, ông liền cho ba người chụm đầu vào nhau trở thành ông Táo và phong thành 3 vị thần: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ, người Việt hiểu nôm na là thần Địa, thần Nhà và thần Bếp, gọi chung là “Táo quân”.

Ở nông thôn, đường bát và bánh tráng chưa nướng thường là lễ vật cúng ông Táo. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ở nông thôn, đường bát và bánh tráng chưa nướng thường là lễ vật cúng ông Táo. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ý nghĩa nhân văn

Để tiễn ông Táo về trời người dân sắm sửa hoa quả, hương đèn, xôi chè… Ở những gia đình nông thôn, lễ vật cúng ông Táo chỉ đơn giản là một bát đường chẻ làm ba và một cái bánh tráng chưa nướng, cùng bộ đồ giấy vẽ hình 2 ông (có đội mũ cánh chuồn) và 1 bà (không có mũ); thời gian cúng có khác nhau: có người cúng vào đêm 22 tháng Chạp, có người cúng vào trưa 23….

Dân gian cho rằng, Táo quân được giao nhiệm vụ làm tai mắt cho Ngọc Hoàng thượng đế trong mỗi gia đình, để hằng năm đúng ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) về chầu trời và báo cáo lại sự việc cho Ngọc Hoàng. Cổ nhân gọi 23 tháng Chạp là ngày “mở của trời”. Còn theo các nhà nghiên cứu thì thời điểm đó là lúc mặt trời - mặt trăng và trái đất ở trên cùng một quỹ đạo.

Việc cúng tiễn ông Táo về trời mang ý nghĩa nhân văn, hướng đến con người có tình thương, lương thiện và đạo lý ở đời. Tuy nhiên một số địa phương, vùng miền hiểu chưa đúng cả về nội dung lẫn hình thức của việc cúng bái này.

Một số gia đình sắm sửa lễ vật thái quá như lễ vật cỗ bàn, vàng mã đốt vô số kể, có nơi thả cá chép quá nhiều. Một số người cho rằng nếu sắm sửa và cúng bái nhiều lễ vật sẽ được các vị Táo quân về chầu Ngọc Hoàng chỉ thưa điều tốt của nhà mình.

Lễ cúng tiễn Táo quân về trời vào ngày 23 tháng Chạp là tục lệ của gia đình người Việt, thể hiện mong muốn những điều tốt lành đến với mọi nhà. Thế nên những biến tướng cần được thay đổi để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đôi điều về lễ cúng ông Táo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO