Những năm gần đây, hình như chụp ảnh mỗi khi kết thúc năm học hay khóa học, từ bậc học mầm non đến các bậc học phổ thông, hay đại học, cao học… đã trở thành một “mốt thời thượng”. Qua đó, lưu lại những khoảnh khắc đẹp của những ngày tháng cuối cùng của thời đi học, thời học sinh - sinh viên. Đây được xem là một nét văn hóa học đường dễ thương, trong sáng của tình bạn, tình thầy cô và cả mái trường mến yêu đã gắn bó với những ý tưởng sáng tạo. Khi điều kiện kinh tế được cải thiện, chụp ảnh lưu niệm đã trở thành trào lưu phổ biến không chỉ học sinh ở thành phố, mà đã “lan” tới nhiều trường học ở nông thôn, miền núi.
Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận giá trị nhân văn sâu xa của những tấm ảnh. Người viết bài này chỉ bàn đến việc chụp ảnh lưu lại kỷ niệm của lứa tuổi bậc học THPT. Thường kết thúc năm học trước một tháng các kỳ thi, nên bên cạnh tập trung bài vở chuẩn bị cho việc thi cử, các em còn “đầu tư” về ý tưởng, thiết kế, tìm địa điểm thực hiện các kiểu chụp ảnh. Có trường hợp, ngay từ những ngày đầu học kỳ II thì đã có lớp “hợp đồng” với những thợ chụp hình chuyên nghiệp để thực hiện bộ ảnh. Lại có lớp đã tìm chọn mỗi em một bộ trang phục “thập niên 80” làm đề tài “học trò thời bao cấp”, hoặc thuê trang phục thực hiện bộ ảnh tái hiện thời thanh niên xung phong, có lớp lại chỉn chu từ trang phục đến đạo cụ cho bộ ảnh trở về thế giới tuổi thơ với nhiều trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan. Tuy nhiên, cùng với sự sáng tạo, mong muốn để lại những bộ ảnh dạng “độc”, có một không hai, không “đụng hàng”, thì các em học sinh đã bỏ không ít thời gian, tiền bạc và đôi khi còn nảy sinh ra những ý tưởng chụp ảnh không phù hợp với lứa tuổi của các em.
Ngoài khuôn viên trường học, các em thường chọn biển, sông, đồng quê hay các di tích, thắng cảnh để làm ngoại cảnh chụp hình. Không kể quá trình lên ý tưởng và chuẩn bị, để thực hiện bộ ảnh lưu niệm, các lớp đều mất gần một ngày từ sáng sớm đến tối hoặc kéo sang ngày khác. Một em học sinh “tiết lộ”: Chưa kể tiền trang điểm của các bạn nữ, thuê trang phục, xăng xe, phương tiện đi lại, trung bình mỗi bạn đóng từ 150.000 - 200.000 đồng. Có lớp, bộ ảnh lưu niệm được chụp từ 4 - 5 địa điểm, với các kiểu trang phục, với hơn 100 bức ảnh. Đó là việc chụp ảnh chung cả lớp, ngoài ra, các em còn chụp ảnh theo tổ hoặc theo nhóm bạn thân. Như vậy, bằng một phép tính nhẩm đơn giản thôi thì ai cũng có thể thấy việc chụp lưu niệm tốn kém như thế nào. Ngoài ra, còn một “hệ lụy” kéo theo nữa dành cho việc này như chụp nhiều địa điểm, kéo theo việc di chuyển và tạo nhiều bối cảnh cũng khiến không ít em thấy mệt mỏi, mất thời gian, hoặc đi xe máy, chở ba sẽ vi phạm luật giao thông, an toàn khiến nhiều phụ huynh, và cả giáo viên lo lắng bởi đây là thời gian “cao điểm” ôn thi. Chưa kể thời gian qua, một vụ việc đau lòng là hai học sinh bị đuối nước khi thực hiện bộ ảnh lưu niệm ở biển. Đây cũng là lời cảnh báo không chỉ cho bản thân các em mà cả đối với phụ huynh và nhà trường.
Thiết nghĩ, có nhiều “hình thức” để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong những ngày cuối cấp. Chỉ cần tranh thủ giờ nghỉ giải lao, những khoảnh khắc vui đùa trong sân trường, dưới tàn cây phượng vĩ… cũng đủ lưu dấu kỷ niệm học trò. Qua đó, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp các em chuyên tâm trong những kỳ thi quan trọng để bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
THẢO NGUYÊN