Ba mươi tuổi chồng chết, chị Hà một nách hai con nhỏ. Căn nhà 40m2 từ ngày chồng chết đã mười năm nay vẫn không thay đổi ngoài việc phải thay mái lá vài năm một lần. Nền nhà xi măng, cổng ngõ tạm bợ, bốn bức tường gạch chưa tô được giấu bằng hàng loạt ảnh dán diễn viên, ca sĩ nổi tiếng xứ kim chi. Tài sản trong nhà là cái ti vi Samsung 21 inch, chị mua trong ngày đầy tháng đứa con gái thứ hai, tính ra đã 13 năm tròn. Và hai cái xe đạp cà tàng của ba mẹ con.
Từ ngày chồng mất vì tai nạn bất ngờ, chị suy sụp hẳn. Bệnh tật trong người cứ thế đổ ra, hết gai cột sống cổ, rồi rối loạn tiền đình, giờ thêm viêm xoang mũi. Chị bảo “toàn bệnh không chết người nhưng nó khiến mình mỏi mệt, chán chường, thiếu sức sống”. Lại thêm hai đứa con tuổi tiểu học không người đưa đón, nên chị phải từ giã ước mơ giản dị đời công nhân. Chị bắt đầu học nấu món đậu hũ. Mỗi sáng, chị quẩy gánh đậu trên vai, len lỏi các con hẻm nhỏ để kiếm tiền nuôi con. Tiếng rao của chị vang lên đủ nghe, quen thuộc với nhiều người. Hôm nào vắng tiếng rao, là hôm ấy chị bệnh, là ngày ấy ba mẹ con chấp nhận ăn mì gói, hay cơm mắm kho quẹt. Hoàn cảnh của chị được xếp vào diện hộ nghèo. Các con đi học được miễn giảm các khoản học phí, thỉnh thoảng nhận chút quà từ thiện, dịp lễ tết cũng được chính quyền quan tâm. Chị bảo nhờ thế mà đỡ tủi, có khi cũng thoát được cơn ngặt, nhưng cái nghèo thì cứ đeo bám mãi.
Hai con gái chị, đứa 15, đứa 13. Mặc cảm nhà nghèo, nên chưa bao giờ dắt bạn về nhà. Chúng nói sau này sẽ nỗ lực làm việc để mua nhà ở trung tâm thành phố, thậm chí sống ở Hàn Quốc, chứ nhất định không nghèo như mẹ. Con gái tuổi teen, chúng có quyền mơ mộng. Nhà nghèo nên lại càng mơ mộng. Cũng như chị, nhờ có ước mơ về một tương lai sáng sủa sau này, nên chị gắng làm việc, động viên các con học hành để thoát nghèo. May mà tụi nhỏ chăm học, biết phận nên không vòi vĩnh, còn tranh thủ nhận hàng gia công về làm kiếm chút tiền tiêu vặt mà không phải làm khó mẹ.
Trưa nay, chị vừa mở cửa gánh đậu hũ vào nhà, thì đoàn cán bộ ở xã cũng theo chân chị. Không phải ngày lễ, nhìn mọi người có vẻ trịnh trọng, với đầy đủ ban bệ, chị không nghĩ họ đến thăm mình. Đúng như chị dự đoán, qua thăm hỏi xã giao, ông trưởng thôn mở lời:
- Thôn ta chỉ còn mỗi gia đình chị nằm trong diện hộ nghèo, vì điều này mà cản trở việc xã nhà chưa đạt tiêu chí nông thôn mới. Chúng tôi muốn đưa chị thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Ý kiến chị thế nào?
Nhớ lại những cuộc họp tổ dân phố, về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới được địa phương triển khai lâu nay, ai cũng nô nức hưởng ứng để mong quê nhà thay da đổi thịt, nhất là chuyện đường sá. Chị Hà sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này tròn 40 năm. Ngày nhỏ chị thường theo mẹ gánh hàng rong rao bán ở khắp các xóm, ấp. Mùa mưa thì đường trơn nhầy nhụa, có hôm mẹ chị trượt chân té ngã, gánh hàng đổ tung tóe, hai mẹ con đành thu gom hàng quay trở về. Mùa nắng thì bụi mù mịt. Đi bán về, hai hàng lông mi rậm rạp, đen láy của chị ngả màu trắng của bụi đường. Người quê chị sống cùng những “con đường đau khổ” mấy chục năm nay. Ai cũng ao ước một ngày nào đó sẽ có đường nhựa kiên cố, không còn cảnh bụi mù trời hay các ổ voi nguy hiểm rình rập. Vùng ngoại thành quê chị người nhập cư rất đông, nhưng họ đến rồi đi, rồi người khác cũng đến rồi đi, cũng chỉ tại cơ sở hạ tầng ở đây quá tồi tàn. Chỉ những người có gốc gác mấy đời như chị, mới chịu bám rễ đợi sự đổi thay đến héo mòn.
Chị đâu muốn mình nghèo mãi để được hưởng chút quà mọn của chính quyền và những nhà hảo tâm! Thoát nghèo để con cái bớt mặc cảm. Thoát nghèo để tận hưởng cuộc sống không nợ nần là điều hàng đêm chị cầu nguyện. Bây giờ chị sắp được thoát nghèo. Một nấc thang ấy là sự thay đổi lớn trong cuộc đời ba mẹ con, mà sao chị thấy trong lòng lăn tăn quá. Thậm chí chị thấy mình ngày càng nghèo đi vì sức khỏe kém, nhu cầu con cái mỗi ngày mỗi cao hơn, nên việc “thoát nghèo” mà chính quyền gợi ý, chị hiểu là mình phải vì cái chung để quê nhà phát triển đi lên. Chị đâu muốn là “con sâu làm rầu nồi canh”. Lại được biết tiêu chí không có hộ nghèo là tiêu chí cuối cùng trong đề án xây dựng nông thôn mới, mà địa phương chưa thực hiện được, cũng vì chị. Nên vừa xuống bếp rót nước mời khách, chị vừa dặn lòng trả lời sao cho đầy lòng tự trọng, đừng vì sợ cái nghèo cá nhân mà ảnh hưởng tới quyền lợi của cộng đồng.
- Thoát nghèo để xã có cơ hội lên nông thôn mới, dĩ nhiên là tôi đồng ý rồi!
Chị gượng cười khi nói. Đại diện chính quyền có lẽ thở phào vì không phải dùng nhiều lời để thuyết phục một người dân nghèo mà hiểu biết như chị. Khách đi rồi, để lại 10kg gạo, chai dầu Tường An loại một lít, chai nước tương và nửa ký đường. Chị sắp xếp các thứ ấy vào chạn bếp, cũng là lúc các con đi học về.
- Thế là từ nay mẹ phải đóng học phí cho chị em con phải không? Con gái nhỏ lo lắng hỏi. Chị nhìn vào mắt con đầy tự tin:
- Đừng vì sợ chuyện không đóng học phí mà ôm cái nghèo con ạ. Mẹ con mình sẽ sống tốt mà.
Nói là làm. Sau gánh đậu hũ sáng, buổi trưa chị cặm cụi dưới bếp để tiếp tục nấu đậu hũ bán chiều. Thấy mẹ quyết tâm, các con ủng hộ mẹ bằng cách tranh thủ gánh giúp mẹ qua mấy con hẻm, đến khi gánh đậu hũ vơi bớt thì mới về học bài, nấu cơm. Chị tích cóp những đồng lời, vẫn phương châm tiện tặn, dần dà không còn cảnh mượn tiền chi tiêu hàng tháng như trước. Chị bảo rong ruổi suốt ngày, có lúc đôi chân mỏi nhừ, đôi vai đau nhức mà vẫn cố. Bệnh gai đốt sống cổ cứ tái đi tái lại từ lúc chị tranh thủ bán ngày hai buổi. Nhưng kệ, đau thì uống thuốc, nếu đau quá thì nghỉ vài hôm. Chị tin cứ đà này thì chị sẽ thoát được cảnh nghèo.
Tuần trước, chi hội trưởng phụ nữ thôn gợi ý cho chị vay tiền của quỹ hội, nhưng chị từ chối. Chị bảo bây giờ phải hạn chế chuyện mượn tiền, hơn nữa nhu cầu mượn tiền của chị không còn như trước. Nhớ lại mấy năm trước, chị thậm chí đi vay nặng lãi, mà chủ cho vay cũng đắn đo mãi mới cho chị mượn, vì họ biết chị quá nghèo, lại hiền lành, không nỡ “chém đẹp” hay dùng vũ lực nếu chị khất hẹn. Nhưng vì thương tình, chị cũng được họ cho mượn vài lần. Nhờ giữ uy tín, nên chị muốn mượn lúc nào cũng được, ngặt một nỗi tiền lời quá cao. Nhớ mấy lần hỏi hội trưởng phụ nữ chuyện vay tiền cho hộ nghèo với lãi suất thấp, nhưng bà ấy cứ lắc đầu từ chối. Chị đoán vì mình nghèo, họ sợ mình không trả nổi. Kỳ thực, tiếng là cho hộ nghèo vay vốn, nhưng hội trưởng lại kêu gọi toàn những hộ khá đi vay. “Chắc họ muốn nắm đằng cán để khỏi liên lụy, phiền phức”, chị nghĩ thế. Bây giờ dù được chiếu cố, nhưng chị không cần nữa, cứ bám gánh đậu hũ mà sống, tiền mượn thì cũng phải lo trả, tốt nhất là không nên mượn nếu không thật sự cần thiết.
Ngày hai buổi gánh gánh đậu hũ nhấp nhô trên con đường trưa hè đầy gió bụi, gập ghềnh. Chẳng bao lâu nữa nông thôn mới sẽ bừng sáng trên quê hương, lúc đó đôi chân chị sẽ bước nhẹ nhàng hơn, đôi gánh trên vai cũng bớt nhọc nhằn vì đã có con đường nhựa phẳng lì. Chị đang dừng lại nghỉ mệt ngay trước trụ sở thôn vừa được sửa sang cũng từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
PHI KHANH