Nhân ngày nghỉ cuối tuần, vài người bạn làm công tác thể thao rủ đến nhà một cậu học trò nguyên là vận động viên (VĐV). Qua câu chuyện của bạn, được biết gia đình em này trước đây thuộc diện nghèo khó nhất vùng. Tuy nhiên, từ khi em cùng người chị quyết chí theo nghiệp võ và trở thành VĐV xuất sắc, những khoản tiền thưởng mà hai chị em mang về sau nhiều lần đem vinh quang về cho tỉnh nhà đã giúp cho gia đình bớt khó và dần thoát nghèo, thậm chí đến nay còn có “của ăn của để”. Cả hai chị em sau này có cơ hội và được tạo điều kiện để theo đuổi ước mơ của mình: đi học đại học và trở thành huấn luyện viên gắn bó với nghiệp võ.
VĐV vất vả trên sàn tập mới hy vọng có được thành tích tốt trên sàn đấu. |
Thể thao xứ Quảng cũng có không ít trường hợp như hai chị em VĐV vừa kể. Nhờ tiền thưởng trong những năm thi đấu trong màu áo đội tuyển tỉnh và quốc gia, một nữ VĐV từng là nhà vô địch SEA Games đã có điều kiện giúp ba mẹ xây nhà, có nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Một vài trường hợp khác cũng góp phần giúp gia đình trong việc nuôi em ăn học bằng khoản tiền thưởng kha khá từ các giải đấu quốc gia, khu vực.
Lâu nay, chúng ta thường nghe nói đến nhiều VĐV “tay trắng” sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu. Nhưng thể thao không phải bạc bẽo và nghiệt ngã đến mức vậy! Nhiều VĐV sau khi giải nghệ, bằng số tiền tích cóp được trong những năm thi đấu đã đầu tư cho việc kinh doanh, xây nhà. Tất nhiên, để có được thành quả ấy thì các VĐV phải hết sức nỗ lực trong tập luyện và thi đấu. Nỗi vất vả của VĐV không phải ai cũng hiểu và chia sẻ. Họ thiệt thòi rất nhiều thứ, từ chuyện học hành đến sinh hoạt, từ nhỏ đã phải xa cha mẹ, người thân. Để có được thành công, mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu đổ ra trên sàn tập. Một vị phụ huynh chia sẻ chị đã “đứt ruột” khi lần đầu chứng kiến đứa con gái bị đối thủ đánh dập môi chảy máu miệng trên sàn đấu và không bao giờ xem con thi đấu nữa.
Rõ ràng, cũng như những nghề nghiệp khác, thể thao đã giúp cho nhiều gia đình, nhiều người bớt khó, thoát nghèo. Tuy nhiên, trong lực lượng VĐV như hiện nay thì số này vẫn là rất ít, thậm chí còn “đếm trên đầu ngón tay”. Thế nên, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, giúp cho VĐV phát triển tài năng một cách tốt nhất là yêu cầu tiên quyết đối với các cơ sở đào tạo (vì chỉ có cách giành thành tích cao tại các giải đấu quốc gia, khu vực VĐV mới có thêm thu nhập tiền thưởng). Kèm theo đó, địa phương, ngành có chính sách đối với VĐV sau khi giải nghệ như tạo điều kiện cho họ đi học, bố trí công ăn việc làm. Có như vậy mới thu hút được nhiều người theo nghề thể thao và các VĐV mới an tâm thi đấu, cống hiến cho địa phương.
ANH SẮC