Đôi dòng tiếc thương Huỳnh Ngọc Chiến

ĐÌNH QUÂN 03/06/2021 08:54

(QNO) - Huỳnh Ngọc Chiến chào đời vào tháng cuối xuân năm Ất Mùi (1955) tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Sau đó theo cha mẹ mưu sinh vào sống ở xứ đất Tam Kỳ đến nay. Phố Tam Kỳ ngày ấy nhỏ nhưng rất đỗi dễ thương. Ai thử một lần xa mới thấy thương và nhớ đến nhường nào! Với Chiến, Tam Kỳ đáng yêu bởi vì nơi ấy có cha mẹ, anh em, người thân, vợ hiền, con ngoan, và mối gắn kết lâu bền giữa vòng tay bè bạn.

 
 Huỳnh Ngọc Chiến. Ảnh: Đ.Q

Bạn bè đến với Huỳnh Ngọc Chiến là đến với âm nhạc, sách vở và tình thân. Âm nhạc là đàn ca hát xướng cả buổi đêm. Chiến là tay đệm đàn cự phách. Sách vở là được mở ra những khoảng trời thâm diệu bất khả tư nghì của tư tưởng Đông phương và Tây phương. Chiến là tay đọc sách nhớ dai, bình giải vào hạng thượng thừa. Thuở còn nhỏ đi học Chiến “nổi tiếng” là học giỏi. Thiết nghĩ nếu Chiến còn lưu giữ những bảng danh dự của mình, khi xếp chồng lại có thể cao 5 – 7 tấc chứ không ít!

Chiến còn một năng lượng đặc biệt như được trời ban là có trí nhớ nhanh nhạy, hay có thể gọi là cường ký. Nhớ có lần đi bộ đến trường, Chiến nói lăng xăng việc nhà nhiều quá mình chưa học qua bài đó. Thế là trên đường đi tới trường tôi đọc cho bạn nghe chỉ khoảng 3 – 4 lần, không ngờ lúc vào giờ học thầy gọi tên và điểm số Chiến đạt được vẫn cao nhất. Ngoài học lực xuất sắc, năm lớp Ba cấp tiểu học Chiến từng được thầy cô mời lên sàn đài để độc tấu Tây Ban Cầm nhân dịp lễ bế giảng của trường.

Bạn bè Huỳnh Ngọc Chiến ai cũng biết ngoài giỏi toán Chiến còn giỏi cả ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ và Hán ngữ. Khoảng năm lớp 10 Chiến đọc được Shakespeare complete nguyên bản Anh ngữ. Còn Hán ngữ bạn học từ khi nào? Chiến nói mình khởi sự học từ cậu Bảy năm lớp Sáu, và tự học dần qua các Kinh Phật. Chính nhờ hiểu sâu biết rộng những ngôn ngữ ấy nên Chiến lại đạt một sự thành công nhất định khác trong các công trình biên dịch về sau này. Tiêu biểu: Hán ngữ: Lý Hạ, quỷ tài – quỷ thi, Lịch vạn niên phổ thông, Chu dịch thiền giải, Triết học Trung Quốc thời Tiên Tần... Anh ngữ: Đạo Phật và khoa học, Tánh Không: Cốt tủy của triết học Phật giáo, Di sản phương Đông...

Chúng ta điểm qua một vài nhân duyên và được Chiến ký thác qua từng tác phẩm của mình. Trong bài viết về thầy Thanh  Hải – người thầy dạy chúng tôi từ năm tiểu học, Chiến nói là nhờ thầy tặng sách võ hiệp kỳ tình, ngày ấy còn gọi là truyện chưởng nên mình đâm ra ghiền. Nhờ tiền đề đấy để sau này mình mới hội đủ điều kiện chấp bút tập biên khảo Lai rai chén rượu giang hồ. Chiến viết: Cùng Kim Dung, ta trải qua cuộc tranh chấp đoạt lợi tranh danh đầy máu lửa chốn võ lâm, trải qua bao chuyện thị phi ân oán kinh người… để rồi một ngày nhìn lại, thấy tất cả đều như giấc mộng hư huyễn.

Còn ngồi lại với nhau nghe văng vẳng đâu đây lời ca của bạn bè cất lên trong đêm ra mắt tập ca khúc Cung trầm của Huỳnh Ngọc Chiến khó quên: Tạm biệt một thời dấu yêu còn đâu nữa phố vui từng chiều/ Tạm biệt một  thời luyến thương rồi mai sẽ cách xa ngàn trùng… (Ngồi lại với nhau – Huỳnh Ngọc Chiến).

Tâm tình một nẻo quê chung/ Người về cố quận, muôn trùng ta đi (Huy Cận?). Huỳnh Ngọc Chiến trong tập Hương thiền bạn viết: Trong lòng kẻ ở người đi đều mang nặng tâm tình đối với một nẻo quê chung. Cố quận ở nơi nào? Quê chung là đâu vậy? Ta từ đâu tới? Ta sẽ về đâu? Hay ra đi cũng chính là quay về? Huỳnh Ngọc Chiến cật vấn một loạt câu hỏi nhưng rồi bạn cũng tự phân thân và trả lời: Cõi chết mới thực sự là quê chung cho tất cả mọi người…

Những ngày cuối đời Huỳnh Ngọc Chiến phát hiện tình cờ từ internet tác phẩm U mộng ảnh của Trương Trào và Chiến thỏa thích Rong chơi cùng U mộng ảnh. Chiến viết: Chỉ những tâm hồn  tài hoa chân chính mới biết nâng niu và trân trọng cái Đẹp: Vì trăng mà lo mây, vì sách mà lo mối mọt, vì hoa mà lo gió mưa, vì tài tử mà lo mệnh bạc, đó thực là tấm lòng Bồ Tát vậy (Trương Trào).

Sinh thời Chiến thường nói: Rong chơi khắp cõi Ta Bà/ Vẫn không thấy được đâu là quê hương. Có lẽ rồi cuối cùng bạn cũng chỉ tìm thấy bình yên trong những hoài niệm. Giờ bạn không còn rong chơi cõi Ta Bà với sống, chết và tái sinh đầy khổ đau, muộn phiền này nữa, nhưng chúng tôi tin bạn sẽ được về một nơi tịch tĩnh xa lắm và nhận ra một quê hương diệu vợi đầy nhạc hoa và bát ngát hương thơm.

Bận tâm chi chuyện hợp tan/ Sinh là nắng gió tử ngàn hoa bay/ Đến như hoa thắm bên này/ Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia/ Một làn sương mỏng cách chia… (Lời cuối – Huỳnh Ngọc Chiến).

Chiến đã rời xa cõi tạm, khuất sau làn sương khói mênh mang. Bỏ lại đây một chỗ ngồi với vô vàn kỷ niệm. Không còn những giờ phút cùng bạn bè đàm tâm, “lai rai chén rượu”, góp nhặt bao chuyện buồn vui thế sự. Bạn bè không còn được nghe giọng nói nhẹ nhàng và dí dỏm, không còn được nghe tiếng đàn ghi ta ngọt ngào trong những lần gặp mặt của Chiến. Khoảng trống ấy chẳng thể lấp đầy. Rồi đây căn phòng nhỏ thường vang lên những giọt thanh âm cổ điển dặt dìu sâu lắng hẳn tĩnh mịch thương nhớ người xa. Vậy là “những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây”, Chiến đã nghìn trùng chia cách.

Thanh thản rong chơi một trời phương ngoại Chiến nhé!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đôi dòng tiếc thương Huỳnh Ngọc Chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO