Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những người lớn tuổi ở xóm Rừng (thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) vẫn rất đỗi tự hào về đội du kích thiếu niên xóm Rừng từng lập nhiều chiến công trong những năm chống Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Tân - người dân địa phương kể chuyện về đội du kích thiếu niên xóm Rừng năm xưa. |
Trong các cuộc kháng chiến, xóm Rừng nghèo khó với bao nỗi cơ cực nhọc nhằn đè nặng trên vai các bà mẹ, người chị. Khó khăn thiếu thốn là vậy nhưng người xóm Rừng vẫn luôn son sắt, thủy chung với Đảng, với cách mạng. Bà con âm thầm đào hầm nuôi giấu, chở che, đùm bọc cán bộ, du kích. Cũng từ mảnh đất này đã sản sinh, nuôi dưỡng và hun đúc lý tưởng cách mạng của nhiều bà mẹ và chiến sĩ cách mạng. Trong đó nổi bật là hình tượng người thiếu niên anh hùng Lê Tự Nhất Thống và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Nhớ về ký ức một thời hoa lửa, nhiều người xóm Rừng không giấu niềm tự hào, họ thường nhắc nhau và kể cho con cháu nghe những mẩu chuyện về đội du kích thiếu niên xóm Rừng vang danh một thời.
Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, các thiếu niên xóm Rừng sớm chứng kiến tội ác của giặc ngoại xâm. Đồng thời với sự giáo dục của lớp cha anh đi trước, thiếu niên xóm Rừng sớm ý thức về lòng yêu nước. Và chính lòng yêu nước đã thúc giục các thiếu niên hành động. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch ra sức đánh phá đường dây của ta nên vũ khí tiếp viện cho đội quân du kích rất khó khăn. Các anh du kích tìm cách phát động thi đua, hướng dẫn thiếu niên đi tìm vũ khí của địch về cho cách mạng. Các thiếu niên giả đi chăn trâu, cắt cỏ vào sát đồn bốt của Mỹ để nhặt súng đạn. Một số giả đi nhặt phế liệu để vào hầm rác tìm kiếm đạn dược của địch. Có đợt các thiếu niên mang về cho đội du kích tập trung 3 cây súng M72, hơn 100 viên đạn, gần 70 quả M26, hơn 100 quả mìn díp và mìn ba càng, hàng nghìn viên đạn AR15.
Lúc bấy giờ, thông qua sự chỉ đạo của lãnh đạo xã, xóm Rừng thành lập đội du kích thiếu niên gồm đội trưởng Lê Tự Nhất Thống và các thành viên Lê Văn Tư, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Hữu Tiền, Đàm Cảnh, Trương Thị Hú…
Ngày 20.10.1969, được sự cho phép của cấp trên, đội trưởng Lê Tự Nhất Thống và đồng đội đã có một trận đánh gây tiếng vang không nhỏ. Hôm đó, từ tin báo của nhân dân, đội du kích thiếu niên biết rõ bọn Mỹ kép đóng tại nhà ông Hai Lân. Đúng 8 giờ tối, theo kế hoạch đã định, Lê Văn Tư đứng cánh Miếu họ Trương, Lê Tự Nhất Thống đứng cánh Viêm Tây để chi viện cho Lê Văn Tư phát hỏa. Đúng như dự định, bị đánh bất ngờ, bọn Mỹ kép rút về đồn Trảng Nhật và bị du kích thiếu niên phục sẵn tiêu diệt 3 tên, làm 2 tên khác bị thương.
Sau chiến công vang dội đó, đội du kích thiếu niên xóm Rừng hoàn toàn chiếm được niềm tin của cấp trên và nhân dân. Thành viên đội du kích vừa làm nhiệm vụ canh gác cho các anh chị cán bộ mỗi khi tổ chức mít tinh, hoặc đi chăn trâu, giữ bò để thu nhặt vũ khí, thuốc nổ về tự tạo mìn cải tiến đánh địch. Có lần, lợi dụng sự sơ hở của 3 tên lính ở nhà ông Quát, 2 chiến sĩ nhỏ tuổi canh gác cho đội trưởng Nhất Thống đột nhập vào nhà lấy 2 cây súng mang về xóm Dưới trao cho du kích. Tuổi nhỏ, song bằng mưu trí, sự khôn khéo, đội du kích thiếu niên xóm Rừng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lúc thì cải trang thành trẻ chăn trâu, cắt cỏ để bí mật chuyển vũ khí, thuốc men vào căn cứ cho cách mạng; khi thì hóa thân làm người nhặt rác rồi trà trộn vào lòng địch lấy súng, cài bom tiêu diệt địch… Đội du kích thiếu niên còn có nhiều cách đánh táo bạo. Như đợt giả vờ dụ 2 tên lính vào nhà dân trong xóm tán tỉnh các cô gái, đội trưởng Nhất Thống cùng 3 thành viên trong đội phục sẵn xông ra bắt sống dẫn lên giao cho anh Chương, anh Mai Miền trong đội du kích xã.
Trong thời gian này, tỉnh và huyện có chủ trương cho thiếu niên học tiếng bồi để nói chuyện với lính Mỹ và lính Đại Hàn. Đội du kích thiếu niên xóm Rừng có 5 người đi học gồm: Đỗ Sáu, Hữu Tiền, Tự Kiện, Ngô Thị Mai, Trương Thị Hú (em). Lớp học được mở ở thôn Quan Hiện, xã Điện Hòa trong 7 ngày. Nhờ đó sau này các thiếu niên của đội có thể giả đau rồi lên đồn Mỹ xin thuốc đem về cho cán bộ du kích. Đặc biệt, một lần đội du kích thiếu niên quyết tử đang tập trung họp bàn công tác, quân Mỹ ập đến bất ngờ, may là Ngô Thị Mai kịp thời phát hiện chạy nhanh ra nói chuyện với bọn lính để trong này các thành viên có thời gian rút lui an toàn.
Cận tết năm 1971, Điện Thắng được cấp trên phân công chuẩn bị lương thực vũ khí phục vụ chiến dịch. Bà Nguyễn Thị Xê - cán bộ kinh tài giao cho thiếu niên ưu tú xóm Rừng chôn giấu 5 tấn gạo dự trữ và 10 phuy xăng cùng nhiều đạn dược. Suốt đêm đội du kích thiếu niên tập trung đào đất ngoài vườn hoang, gò mả để chôn giấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao… Cuối năm 1971, đội du kích thiếu niên xóm Rừng có Thống, Cảnh, Nhứt, Hú (chị), Hú (em), Cúc, Trịnh hy sinh. Năm 1972, trong đêm đại hội tại Viêm Tây, xóm Rừng có 3 thiếu niên tuổi 16, 17 đăng ký đi bộ đội, Kiện vào đơn vị đặc công, Mai lên dân y ở Quảng Đà, Đỗ Kiệt vào bộ đội C1 Điện Bàn, còn Sáu được tổ chức cho phép tạm lánh một thời gian để giữ thế hợp pháp… Đội du kích thiếu niên xóm Rừng tuy hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã để lại dấu ấn lớn trong trang sử kháng chiến xã Điện Thắng về tinh thần quả cảm và những chiến công vang dội. Nhiều đội viên du kích ngã xuống khi tuổi còn thiếu niên, sự hy sinh đó tô thắm mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng nơi đây.
QUỐC TUẤN - VĂN MẾN