Từ quá khứ đến hiện tại, bất kể quốc gia nào, từng vùng lãnh thổ hay cả đất nước, dường như đều phải giải quyết nhiều cặp đôi vấn đề trong hành trình phát triển.
Vĩ mô như chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội; trong văn hóa thì bảo tồn song hành với phát huy các giá trị di sản; trong xây dựng nguồn lực phát triển thì khai thác hợp lý tài nguyên cùng với sức lao động sáng tạo của con người… Đó là các cặp vấn đề như những đôi đũa mà nếu so lệch sẽ chông chênh. Vậy hiện tại Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng đang gặp thách thức với “đôi đũa” nào quan trọng?
Nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, thấy rõ cặp vấn đề quan trọng được nêu lên hàng đầu là thách thức về chất lượng thể chế và nguồn nhân lực. Trong tuần qua, nếu theo dõi kỹ các bài phát biểu nhậm chức, bạn đọc sẽ nhận thấy các vị lãnh đạo chủ chốt cũng cam kết thực hiện các đột phá về thể chế và nhân lực.
Ở góc nhìn thể chế, việc xây dựng và thực thi luật pháp là hết sức quan trọng. Trong xây dựng luật thì nợ đọng soạn thảo văn bản luật cả thời gian dài, có bộ luật nhiều nhiệm kỳ chưa xong (như luật lập hội, luật biểu tình). Chất lượng nội dung của luật có vấn đề soạn đi, sửa lại, bổ sung nhiều lần. Đáng lo nhất là có bộ luật dù đã sửa đổi bổ sung nhưng đưa vào thực thi lại phát sinh rắc rối như Luật Đất đai.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, cựu nghị sĩ Quốc hội, đã viết trên báo VnExpess, rằng “đất đai đang là một trong những nguồn lực lớn nhất của nước ta, nhưng đồng thời cũng là thể chế nhiều ách tắc và bất ổn nhất”, do vậy muốn khơi thông nguồn lực phát triển “người dân kỳ vọng Chính phủ mới sẽ sớm sử đổi Luật Đất đai”.
Để khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, hành xử bất nhất liên quan đến đất đai hiện nay, cần “điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ ba quyền năng rất dễ bị các quan chức lạm dụng để trục lợi: quyền định giá, quyền cho phép chuyển đổi và quyền thu hồi đất”. Làm thế nào để quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cũng là vấn đề hết sức quan yếu đối với Quảng Nam, một trong những tỉnh thành đang đà công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ.
Bước vào giai đoạn mới, chính quyền mới vừa khảo sát để lập các quy hoạch phát triển vùng, khu công nghiệp, đô thị… thì đất đai lại rục rịch biến động giá. Nếu để những cơn sốt đất bùng nổ với giá tăng cao đột ngột sẽ khiến chi phí bồi thường, lập nhà xưởng, thuê mặt bằng bị đội lên, chính quyền cũng sẽ phải chi trả nhiều hơn cho giải phóng mặt bằng, khó thiết lập quỹ đất tập trung.
Còn về nguồn nhân lực, đã nhiều nhiệm kỳ nêu ra việc “đột phá”, nhưng cơ chế trọng dụng, thu hút người tài vẫn còn bất cập, trong khi đó giáo dục khá chông chênh khi đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Bệnh coi trọng bằng cấp e chừng vẫn nặng nề mà chưa chú trọng năng lực thực tiễn. Có ý kiến cần xem xét là tạo cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ Việt kiều. Bằng chứng sinh động nhất như tập đoàn Vingroup mời chuyên gia Võ Quang Huệ (quê gốc Quảng Nam) về làm việc rất hiệu quả.
Đôi đũa cũng là biểu tượng của văn hóa dùng đũa trong nền văn minh đi lên từ lúa nước như Việt Nam. Từ xa xưa, người Việt đã sáng tạo ra đôi đũa để dùng trong bữa cơm hàng ngày. Còn nay, thử nghĩ rộng hơn, xa hơn, một cách hình tượng hơn về công chuyện làm ăn, phát triển để có bữa tiệc giàu có cho đất nước, phải chăng một nhà nước kiến tạo phát triển phải khéo léo điều khiển đôi đũa thể chế và nhân lực.