Đợi gì ở các hiệp định thương mại tự do?

NHẬT PHONG 14/10/2015 10:17

Câu hỏi đã được đặt ra khi Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và mới đây TPP cũng đã đàm phán thành công: doanh nghiệp Quảng Nam đã chuẩn bị gì để tận dụng thời cơ?

Hội nhập kinh tế đồng nghĩa doanh nghiệp (DN) trong nước có sân chơi rộng hơn, tiếp cận nhiều cơ hội kinh doanh, kết nối và chia sẻ thông tin tốt hơn với các đối tác và hội nhập sẽ gắn liền với cải cách trong nước. Dù muốn hay không, DN Quảng Nam sẽ đi trên con đường tiến đến gần hơn một “sân chơi” chung, trong đó các quy luật kinh tế thị trường được tuân thủ một cách nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, không thể không chủ động để nắm lấy cơ hội từ các hiệp định này kèm theo những cải cách chính sách. Chín năm trước, ai cũng nghĩ gia nhập WTO thì sẽ không còn rào cản như thuế cao, hạn ngạch, DN Quảng Nam sẽ có cơ hội để thâm nhập thị trường mới. Thế nhưng, khả năng cạnh tranh của DN vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. DN nhỏ, thiếu vốn, thiếu cả đầu tư công nghệ, phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài, thiếu tầm nhìn quản lý... Sức ép cho DN ngày càng lớn khi cơ hội dành cho họ ngày càng ít đi trên sân nhà trước các hiệp định đã mở. Thuế nhập khẩu sẽ giảm không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách trong ngắn hạn mà còn tương lai bấp bênh của nền kinh tế. Không ít DN “hoan hỉ” rằng cách dễ nhất là tận dụng cơ hội thuế nhập khẩu giảm theo cam kết là sẽ nhập hàng về bán hay chuyển thị trường nhập khẩu mỗi khi thuế các thị trường thay đổi, bởi con đường sản xuất để xuất khẩu vào thị trường mới hết sức chông gai so với nhập hàng về bán. Nhưng sản xuất để xuất khẩu mới là con đường bền vững với tiềm năng phát triển lớn, lâu bền với những thị trường đang rộng cửa. Nếu DN nào cũng tính toán tận dụng FTA theo kiểu ngược như vậy sẽ là chuyện bất ổn của thị trường.

Có thể hiểu rằng, cơ cấu kinh tế chủ yếu của Quảng Nam vẫn là nền kinh tế cá thể. Khu vực này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP, lên đến 1/3, cao hơn hẳn các khu vực nhà nước hay FDI. Nhưng nguồn lực của họ rất hạn hẹp nên có thể khó tận dụng các thuận lợi và tránh bất lợi mà các FTA mang lại. Nông sản được cho là thế mạnh của Quảng Nam đứng trước cơ hội thâm nhập thị trường mới rộng mênh mông. Nhưng hiện tại nông dân luôn nơm nớp lo sợ đầu ra nông sản. Trong khi đó, dân địa phương hàng năm vẫn phải bỏ tiền tỷ để nhập sản phẩm nông nghiệp. Chính quyền đang đứng trước khó khăn khi giải quyết hai bài toán khó cho ngành nông nghiệp. Đó là kiểm soát năng lực sản xuất, chủ động điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, không để xảy ra tình trạng sản xuất thừa, triệt để xóa bỏ tình trạng sản xuất theo phong trào; cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin về dự báo thị trường nông sản và tạo ra các kênh để nông dân có thể tiếp cận được. Nếu giải quyết được hai bài toán khó ấy thì đầu ra cho nông sản không còn đáng lo như hiện nay. Suy cho cùng, ký FTA chính là để bán được hàng nhiều hơn. Vì vậy, ở khía cạnh này, vấn đề quản lý nhà nước chính là đặt ra các chuẩn mực chất lượng để tuân thủ. Các nhà quản lý, cơ quan nhà nước hay hiệp hội DN bớt các hội thảo chung chung mà nên biên soạn các tài liệu hướng dẫn đã ký với nước này, nước kia để chỉ rõ cho DN nắm cơ hội ở lĩnh vực nào và nên phát triển theo hướng nào. Cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách cần tạo dựng niềm tin cho cộng đồng DN bởi quyết tâm “phục vụ” của mình thì việc tận dụng thuận lợi từ các FTA sẽ không còn là chuyện khó!

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đợi gì ở các hiệp định thương mại tự do?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO